Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản số 5596/NHNN-VP gửi các đơn vị thuộc NHNN; các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo đó, NHNN đưa ra loạt nhiệm vụ trọng tâm cho các TCTD về việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các TCTD cần nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, các ngành và các địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó trong từng hệ thống TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp.
Về hoạt động tín dụng, các TCTD tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định. Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… Bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD cần triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật.
Về cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hoạt động, tiếp tục triển khai có hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt; tập trung xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu và tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu; hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Tiếp tục lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ.
Về hoạt động thanh toán, chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị cung cấp dịch vụ công đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công. Tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán tiện lợi, an toàn cho khách hàng, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng số.
Chú trọng triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, phòng, chống lộ, lọt dữ liệu trên toàn bộ hệ thống thông tin tại đơn vị và đảm bảo an toàn thanh toán; kịp thời xử lý theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của các bên khi có rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán./.