LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.
Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.
Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.
“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".
Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.
“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình.
- Kỳ 1: Tuổi thơ êm đềm và kiêu hãnh
- Kỳ 2: Nghiện lúc nào không hay
- Kỳ 3: Phá xích, kéo theo mảng bê tông sàn nhà ở chân đi mua ma túy
- Kỳ 4: Đào hết vườn nhà thành địa đạo để cai nghiện
- Kỳ 5: Bị nhốt trên tầng nhà, thả sợi chỉ xuống mua heroin
- Kỳ 6: Lần cai nghiện thứ nhất: lên đồng rừng làm thợ sắt
- Kỳ 7: Chở lậu vũ khí, tung hoành xóm bụi và đi tù
Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
|
Kỳ 8: Dí dao vào cổ bé gái, bịa chuyện chặt tay dọa chị
Trong cái lần đi làm kẻ cướp theo đúng nghĩa đen ấy, tôi đã bị một ánh mắt ngây thơ làm cho tỉnh ngộ. Đôi mắt trong veo của cô bé đang sợ tôi như con nai sợ con cọp thành tinh kinh tởm nhất. Ơ hay, vậy mà nó làm tôi suy sụp hoàn toàn, tôi như lột xác. Tôi như muốn quăng bỏ đời mình xuống dòng sông nào đó, muốn chết ngay đi với những tàn độc của mình.
Cháu bé suýt chết
Hôm đó, tôi lững thững đi trong cơn thèm heroin. Mắt đảo như rang lạc, tôi tìm cơ hội để trộm, tìm đối tượng để cướp của. Bỗng đến trước ngôi trường có tên đại ý là trường Trung học cơ sở Tô Hoàng ở Hà Nội.
Tôi nhớ mãi, trường đó có một cái mương nước lượn từ rìa trường sang phía sau, nằm ở gần chỗ nối giữa đường phố Huế và phố Bà Triệu ở khu vực hai con phố cùng giao cắt với phố Đại Cồ Việt của Hà Nội. Các cháu học sinh tiểu học ra về, có cháu được bố mẹ vào tận trường dắt ra xe, có cháu tung tăng dọc vỉa hè chờ bố mẹ. Mắt tôi bỗng sáng lên, khi nhìn thấy một đứa bé tầm chín, mười tuổi đầu đang mỉm cười ngước đôi mắt trong veo lên nhìn bầu trời phía sau những tán bằng lăng tuyệt đẹp. Cháu mặc áo phông, tóc buộc đuôi gà ngăn ngắn lắc lư theo từng nhịp chân. Tôi phát hiện thấy nó có đeo dây chuyền vàng tây nho nhỏ sáng loáng. Cháu đứng cạnh một cái xe đạp nini Nhật. Ra chừng khó dắt trộm xe mà chạy tháo thân giữa phố, tôi quyết định thủ dao Thái Lan để cướp.
Tôi bắt chuyện với cháu, nó hồn nhiên chào tôi rồi nói chuyện như đang nói với cha mẹ mình. Tôi dụ nó ra đằng sau trường, một cánh tay tôi cũng đủ để giữ chặt hai cánh tay mềm oặt trắng nõn của nó. Lời lẽ đầy hăm dọa, mắt tôi long sòng sọc, tiếng tôi rít qua hai hàm răng bành ra chắc là gớm ghiếc lắm: “Im lặng, không tao giết chết”. Tay tôi lăm lăm con dao Thái nhọn hoắt, dí vào mặt nó. Tay kia thò ra định giật dây chuyền.
Chắc cháu bé không biết dây chuyền bằng vàng, càng không biết vàng đắt hơn, quý hơn hay cục tẩy, cái bút chì, cái nơ buộc tóc màu tím trên đầu cháu đắt hơn, quý hơn! Đơn giản là cháu quá hãi hùng. Cái chú vừa ngọt ngào trò chuyện bây giờ chú ấy nhe răng, trợn mắt, bóp cánh tay cháu đau quá. Sự thất vọng kinh hoàng trong ánh mắt, trong gương mặt, trong sự sợ hãi của cháu bé. Nó nhìn tôi, không kêu được, không van xin được, nó sợ quá, cứ lịm đi.
Ánh mắt ám ảnh
Ánh mắt nó rất ám ảnh nhưng tôi không thể nào miêu tả được, có lẽ giống ánh mắt tuyệt vọng của một hoang thú trước khi bị giết chết.
Tôi rùng mình, nó cũng cũng như con của chị gái tôi, đứa cháu mà tôi đã thương yêu như con gái nhỏ của mình. Từ lúc cháu sinh ra, tôi luôn nghĩ, các vị thiên thần đã mượn thân xác cháu để trú ẩn và dâng cho đời các cảm xúc tuyệt vời nhất. Tại sao tôi lại xử ác với thiên thần bé này?
Tôi nhìn lại, vẫn ánh mắt cháu bé nhìn tôi như van xin. Nó vùng vẫy như con thỏ đứng trước nanh vuốt của mãnh hổ. Không biết bằng sự xui khiến nào, tôi chùng tay lại.
Tôi buông nó ra rồi vứt con dao vào gốc cây cổ thụ được trang trí đầy cỏ hoa lúp xúp và tôi gục xuống nước mắt giàn giụa. Cháu bé chạy vù đi. Đi rất xa nó còn ngoái lại, chốc chốc nó lại ngã khuỵu. Còn tôi thì vẫn quỳ như thế, như thể quỳ lạy xin thiên thần váy trắng ấy tha thứ. Tôi quỳ mãi cho đến khi mồ hôi vã ra như tắm. Nếu chưa vứt bỏ con dao, có lẽ nỗi nhục nhã ấy đã đủ để tôi tự đâm chết mình.
Khi viết những dòng này, tôi đã khóc, khóc vì thương ánh mắt của cháu bé hôm đó, thương sự đốn mạt do ma túy chỉ lối đưa đường của tôi hôm đó. Có lẽ, suốt cuộc đời này, bé gái ở trường THCS Tô Hoàng đó không quên được gã mặt tái xanh bê tha tay cầm dao chọc tiết lợn miệng rít lên man rợ hôm đó. Theo ước tính của tôi, năm nay, em gái đó khoảng 26-27 tuổi. Tôi tha thiết mong em đọc được những dòng này, như một lời tạ lỗi chân thành của tôi.
Sám hối được tí chút thôi. Như kẻ giả vờ ấy. Rồi cơn vật thuốc lại thêm một lần kéo đến.
“Em đi đánh bạc bị dọa chặt tay”
Thiên thần bé khiến tôi quỳ lạy được một chốc, rồi tôi lại bị vật.
Trong túi đã hết nhẵn. Tôi nghĩ ra trò mới. Tôi gọi điện cho chị gái, bảo đi đánh bạc bị thua nhẵn túi, rồi nợ tiền bị chúng nó bắt dọa chặt tay. Tôi bảo, hay là chị đừng cứu em nữa, cứ để cho em bỏ lại một cánh tay trên cái thớt nghiến này, có khi em lại cai được ma túy, cai được cờ bạc, chị đỡ khổ mà em thì đỡ nhục. Tôi biết, nói đến đấy chị tôi đã khóc.
Hớt ha hớt hải chị gọi điện cho anh rể.
Hôm đó, hai anh chị công chức nghèo phải đi vay nóng tiền của người ta. Cầm tiền rồi chị tôi vẫn khóc nức nở, anh phi xe máy vèo vèo xuống phía chợ Mơ, vừa đi vừa hào hển, nhanh lên không có thì bọn mất dạy nó chặt mất tay đôi con mắt, khó đôi bàn tay. Cậu ấy tàn phế thì bố mẹ chết mất, có mỗi cậu quý tử.
“Nó cần máu của em, em cũng rút hết đem cho nó được, anh ạ”, sau này, anh rể kể tôi nghe chị tôi đã nói như thế hôm ấy.
Đến khu Chợ Mơ, chị gái gọi điện, tôi làm mặt đau khổ sợ sệt ra cầm tiền. Cùng đi là một thằng bạn nghiện, ăn mặc nói năng lỗ mãng, bặm trợn, ý rằng nó áp giải tôi ra lấy tiền chuộc, sai hẹn thì sẽ kéo “con mồi” vào chặt tay! Tôi an ủi chị, chị đừng lo, em sẽ an toàn, tối em sẽ về. Và thế là có tiền.
Tôi đi một mạch hơn 10 ngày sau mới về qua nhà chị để thay quần áo.
Kỳ 9: Hai lần vượt biên không thành, ba lần thả súng xuống biển