Ký sự 6 năm kinh hoàng của một DN thành đạt từng là con nghiện ma túy

Kỳ 9: Hai lần vượt biên không thành, ba lần thả súng xuống biển

VietTimes -- "Cứ trượt sâu như thế, rồi chúng tôi rủ nhau tổ chức vượt biên. Với hai khẩu súng và một ít tiền vàng có được từ các vụ chở súng lậu, chúng tôi lên đường" - Lê Trung Tuấn.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

LGT: “Cai có gì mà khó. Tao cai đi cai lại cả mấy chục lần đây này”. Những người nghiện vẫn thường đùa như thế với nhau. Khi trở thành kẻ khốn cùng vì nghiện, họ mới thường lỡ làng nhận ra hành trình xuống địa ngục đó thường đều chỉ bắt đầu bằng một hành động anh hùng rơm. Bị bạn bé khiêu khích, thách đố, nổi máu tự ái lên tặc lưỡi làm một hơi. Rồi nghiện từ lúc nào không hay.

Suốt 6 năm trời vật lộn với ma túy, Lê Trung Tuấn đánh mất tất cả: đang là lớp trưởng, sinh viên năm cuối trường cao đẳng, từng thi sinh viên thanh lịch thì bị đuổi học. Bị xích vào sàn nhà thì nhổ bật cả mảng bê tông dưới chân, mang theo xích loảng xoảng chạy đi mua ma túy. Hết tiền thì đe dọa ngay cả mẹ đẻ, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn vũ khí lậu, trở thành đại bàng trong tù, hai lần tự tử… hầu như chưa việc gì xấu xa mà ma túy chưa mang lại cho người thanh niên từng là niềm hy vọng của gia đình này.

Từng ngày trong hành trình vượt qua ma túy của Tuấn đều đánh dấu bằng máu và nước mắt. Không chỉ máu và nước mắt của chính anh, mà còn cha mẹ, anh chị, của người vợ đầu tiên, và của những nạn nhân vô danh trên suốt con đường tội lỗi.

“Trên đời, ma túy là thứ hủy hoại nhân cách con người nhanh và tàn khốc nhất".

Mời bạn đọc theo dõi loạt ký sự của chính Lê Trung Tuấn, một con nghiện oặt xà lai, đã từng bước tự cứu cuộc đời mình rồi trở thành một doanh nhân lập trung tâm cai nghiện Nẻo về, với lời hứa dùng hết tâm sức và phần đời còn lại của mình để chống lại ma túy.

“Chỉ hi vọng xã hội ít nhiều có thêm sự bao dung, nhân ái để giúp đỡ những người lỡ bước, và cũng để những người từng dính tới ma túy tin rằng hoàn toàn có thể chấm dứt con đường ấy, miễn là đủ quyết tâm". Chúng tôi hết sức mong mỏi qua loạt ký sự tự kể này của Lê Trung Tuấn, những người nghiện và thân nhân có thể tìm thấy sự cổ vũ, niềm động viên thực tế nhất để cùng vượt qua cơn nghiện, cứu lại đời mình. 

Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC
 Doanh nhân Lê Trung Tuấn - Ảnh: NVCC

Kỳ 9: Hai lần vượt biên không thành, ba lần thả súng xuống biển

Tôi nghiện nặng, lại liều lĩnh có hạng nên đám giang hồ sử dụng cái điên cuồng của tôi vào đủ các thứ nghề khốn nạn. Trả công khá hậu hĩnh. Thì đổi cả mạng sống, sẵn sàng đối mặt với cái án bóc lịch trong tù đến bạc đầu để làm, “lương” không cao mới là lạ. Tôi ăn chơi tràn cung mây. Bao nhiêu tiền kiếm được, có ngày vài triệu đồng, tôi phá hết. Càng có tiền, càng như con bạc khát nước, càng nghiện nặng hơn. Các cơn trầm uất, hoang tưởng, rồi các phi vụ liều lĩnh không sợ trời đất gì nữa đến với tôi ngày càng nhiều. Củ mài ăn xuống, ma túy ăn lên, tội ác cũng ăn lên nốt.

Cứ trượt sâu như thế, rồi chúng tôi rủ nhau tổ chức vượt biên. Với hai khẩu súng và một ít tiền vàng có được từ các vụ chở súng lậu, chúng tôi lên đường.

Lần vượt biên đầu tiên

Một vài nữ quái Hà thành, vài đứa bất hảo ở Hải Phòng, chúng tôi gom tiền vàng vào rồi “thuê” đám giang hồ khác tổ chức lên tàu vượt biển. Không ai biết rõ về nhân thân của nhau, chỉ biết bên cạnh mình đều là đầu bò đầu bướu, giang hồ có số có má cả.

Chuyến ấy tàu chuẩn bị xuất bến thì thấy bốn phía đèn sáng rực. Tiếng hô “tất cả đứng im” dõng dạc. Hải quân, Biên phòng và công an đã phát hiện và bủa vây tứ phía. Kẻ cắp gặp bà già, hình như có đứa trong đoàn báo. Tất cả bỏ chạy tán loạn, đồ đạc, tiền vàng, súng ống vứt khắp nơi. Tôi còn kịp nghĩ: hai tay hai súng thế này mà bị tóm thì tù mọt gông. Tôi ném hai khẩu súng xuống biển để phi tang. Rồi chạy như ma đuổi.

Tôi chỉ nhớ là bằng bản năng sinh tồn trời sinh, bằng năng lực nào đó của một kẻ nghiện đầu đường xó chợ từng sống sót đằng đẵng, tôi đã băng qua những đỉnh đá tai mèo, băng qua các bãi cát lầy thụt trong đêm giữa tiếng súng nổ chiu chíu chát chúa, tiếng kêu cứu thảm thiết.

Khi viết những dòng này, cảm giác sợ hãi lúc đó dường như vẫn nóng hổi. Tôi chạy mất cả giày dép, đôi bàn chân tứa máu. Tiền vàng ki cóp được sau thời gian đánh cược mạng sống của mình giờ mất hết cả.

Tôi vật vã đau đớn. Đứa bạn giang hồ vừa đốt heroin trên tấm giấy bạc của phong kẹo cao su, vừa thở dài: “Của thiên trả địa. Của đi thay người”. Tôi thì vừa tự băng bó đôi bàn chân ròng ròng máu tươi, vừa than vãn.

Sau này, khi vụ việc ầm ĩ được nhiều người biết tới, nghe tin đồn về “hậu vượt biên” hôm vỡ trận đó, thằng bạn còn phân tích: “Khối đứa bị bắt, bóc lịch trong nhà giam. Có đứa bị đạn lạc ngã bên bờ biển, nằm đến sáng hôm sau ngư dân mới tình cờ cứu được, mày muốn như chúng nó hay là thoát thân trắng tay như bọn mình?”

Đến lúc đó tôi mới bớt đau khổ vì cuộc vượt biên bất thành kia. Và tôi chỉ nghĩ đơn giản, cái loại nghiện ngập như mình, của nả nào không bay thành khói thuốc. Tiền vàng kia không bị cướp, bị rơi thì cũng dành để đốt trong ma túy. Đằng nào hơn?

 Tôi không mê lú như người ta tưởng, vẫn tỉnh táo xen lẫn những cơn phê và những lúc điên cuồng xoay tiền bằng mọi cách, tìm kiếm thuốc phiện và heroin bằng mọi giá. Biết như vậy. Trăn trở lắm. Nhưng biết và trăn trở để… đôi lúc ngồi khóc bên xóm bụi lạc loài thôi.

Được ít lâu lại có đứa bảo “vượt biên”. “Bên kia không mua ma túy dễ như ở ta, biết đâu những con nghiện có nhân cách như bọn mình sẽ cai được hẳn, ông ạ. Chứ nghiện lại cai, cai lại nghiện quẩn quanh thế này thì mình sống đúng là không bằng con vật, ông ạ!”.

Tôi giật mình nhận ra, đã bao lần tôi cai được ma túy, tôi, gia đình và bè bạn đã tột cùng vui sướng. Cái vũng lầy kinh tởm kia, ta chào mi. Có lần tôi đã thầm nghĩ đầy kiêu hãnh như vậy. Thế nhưng, thoáng cái tôi lại gặp mấy đứa nghiện bạn bè hoặc chưa một lần quen biết; nhưng gương mặt nó, mùi hôi, sự mời gọi ma mị của nó như có ma dẫn lối quỷ đưa đường, khiến tôi nhớ heroin đến quay quắt. Trong phút chốc, công quả “tu luyện cai nghiện” bấy lâu tan thành mây khói.

Vì sao? Vì nhiều lý do. Nhưng chủ yếu vẫn là vì nguyên nhân như tôi đã nói: ở những nơi tôi đã sống mấy chục năm qua, mua thuốc phiện, heroin, hồng phiến, bạch phiến dễ quá. Và, lời đề nghị vượt biên của gã nghiện oặt kia bỗng dưng làm tôi thấy có lý. Thế là chúng tôi lên đường.

Lần vượt biên thứ hai-những con người Quảng Bình kỳ lạ

Tôi và một thằng bạn nghiện rủ nhau đi cùng. Hai đứa mang theo chiếc xe máy và ít tiền. Chúng tôi đi dọc quốc  lộ 1, qua Hà Tĩnh, vượt Đèo Ngang vào tít trong Quảng Bình. Qua một con đèo tuyệt đẹp nữa ở địa phận huyện Ba Đồn gần chân đèo Lý Hòa thì phải.

Hai thằng quyết định đổ xăng miễn phí ven quốc lộ. Rẽ vào cây xăng bên đường hô ông chủ “cho đầy bình xăng” rồi vểnh râu nhìn số tiền chạy mãi chạy mãi bên đồng hồ. Trịnh trọng cảm ơn, điềm đạm đóng nắp bình xăng. Lúc ông chủ quay ra đổ xăng cho người khác, thằng bạn tôi giả vờ tìm tiền lẻ. Rồi tôi nổ máy, nó lao lên, luồn lách đánh võng vù đi rất nhanh.

Nhưng không ngờ nhà của ông chủ cây xăng cũng gần đấy nên ông ta lập tức đuổi theo. Ông ta còn gọi cho người nhà cách đó ba cây số đón lõng, chặn đường chúng tôi.

Bị một trận đòn hội đồng tơi tả. Đòn hội đồng vốn rất ác, nhẹ thì về uống nước lá tre phục bệnh, nặng thì chết nhừ vì dập nát toàn thân. Quả thực, những lần bị đánh đã giúp tôi tỉnh ngộ phần nào vì nỗi sợ đòn hội đồng.

Đánh xong, thấy chúng tôi đau đớn, lại nhìn tôi khóc lóc vì nhục nhã ê chề, anh chủ cây xăng dường như đã thấy chút lương tâm của một người vốn tử tế trong tôi.

Anh đưa chúng tôi về nhà, cho ăn uống, cho quần áo mặc, rồi bảo: “Chú không phải đứa ít học, gương mặt chú rất có hậu, sáng sủa. Anh không cần chú phải nói gì. Nhưng anh biết chú có thể cai rồi làm lại cuộc đời được. Nếu anh kể ra thì chú cũng sẽ bất ngờ đấy. Anh đã từng mất tất cả, từng thấy đời mình như bụi rậm ở phía trước, nhưng rồi anh đã lấy lại được, đã có một cơ ngơi với vợ hiền, đàn con như hôm nay”.

Chất giọng Quảng Bình nặng nặng ấy, trong buổi chiều vừa thấm đòn hội đồng ấy, tôi đã xúc động đến từng xăng ti mét trong con người mình. Tôi khóc rất nhiều, trong khi thằng bạn nghiện của tôi nằm ngủ vô tư trên giường nhà anh, ngáy vang một góc nhà.

Từ ngày bước chân vào lầm lạc, tôi chưa từng gặp một người nào nói về giang hồ rẽ lối, về hư đốn đời mình mà hào sảng như anh chủ cây xăng bữa ấy. Anh bảo, “tau chả dại chi chứa hai thằng nghiện trong nhà mình như bữa ni. Nhất là hai thằng ấy lại vừa cướp xăng của tau. Nhưng nếu tao không từng giang hồ thì làm sao dám đuổi theo quật ngã hai đứa côn đồ? Hãy cố lên em. Anh cho em thêm ít tiền mà đi tìm vợ, nhớ đừng ăn quán rồi bỏ chạy, đừng đổ xăng rồi nổ máy “bái bai” nhé”.

Cười hào sảng, anh vỗ vai tôi: “Nghiện ma túy thì cũng vẫn là con người, như tivi nói, họ là những bệnh nhân đặc biệt. Anh không khinh ghét bọn em đâu. Mắc chi mà em đến anh phải cất điều khiển tivi kẻo sợ mất”.

Trước khi rồ ga đi trong giàn giụa nước mắt, tôi vẫn kịp quay lại hỏi anh chủ cây xăng: “Sao anh biết hàng xóm cứ thấy em đến là họ bảo con cất điều khiển tivi nhỉ?”. Anh vẫn vỗ vai tôi: “Anh biết chứ”.

Từ đó đến nay, đã hơn chục năm trôi qua, nghĩ đến quá khứ, tôi cứ có cảm giác gì đó như là thần tượng anh ấy.

Tiếp tục lên đường. Chúng tôi dừng lại ở một bãi biển khá hoang sơ. Giả vờ là khách đi du lịch, thuê thuyền và yêu cầu chủ thuyền cho đi câu mực trong đêm. Thấy các vị khách hứa trả tiền hậu hĩnh, lấy trước ít tiền ứng mua nhiên liệu, ngư dân già lập cập nổ máy vươn khơi.

Khi tàu đã ra ngoài khơi, cách bờ vài hải lý, chúng tôi yêu cầu chạy thẳng ra hải phận quốc tế. Ông ta ngạc nhiên lắm, đang cằn nhằn phản ứng thì tôi móc súng dí vào gáy ông, lên đạn lách cách.

Suýt chết đói trên biển

Ông run lẩy bẩy van xin đừng đẩy ông xuống biển. Cảm giác ghê rợn trong con người ông lão đánh cá truyền sang tôi, bất giác các lỗ chân lông trên cơ thể tôi cùng ớn lạnh.

Tôi ghê tởm con người mình. Vừa xúc động chia tay vị ân nhân là chủ cây xăng, giờ tôi đã móc súng dí vào gáy người đánh cá hiền lành này  ư?

Tôi im lặng ngồi thừ ở mũi tàu, còn thằng bạn vẫn rú rít hăm  dọa.

Chủ tàu lập cập làm theo lời chúng tôi.

Tàu chạy hơn một ngày ra tới phao số không.

Bấy giờ, quay lại phía bờ biển quê nhà chỉ thấy bịt bùng sóng nước, nhìn ra phía bên kia Thái Bình Dương cũng miên man sương biển. Bốn phía không thấy gì cả, trên là trời, dưới là nước, không chim bay không cá lượn. Ba con người cô độc. Ông chủ tàu vẫn run cầm cập, hai chúng tôi thì câm lặng tính kế ủ mưu.

Đứng trước “cột mốc” cuối cùng, tôi thấy lòng mình nao nao. Tôi hiểu chỉ cần bước qua ranh giới kia thôi thì mọi thứ sẽ khác.

Tôi nằm nhắm mắt thiếp đi, còn thằng bạn vẫn canh chừng. Bỗng dưng hình ảnh người cậu liệt sĩ của tôi hiện về.

Tôi nghĩ mình đã phụ lòng cậu.

Chính tôi và cả hai người trên con tàu định mệnh ấy đều hết sức bất ngờ. Tôi quyết định ném khẩu súng xuống biển. Đây là lần thứ hai tôi ném súng xuống biển!

Tôi bò lại phía ông lái tàu nói lời xin lỗi ông. Ông xoa đầu tôi “con nín đi…”. Từ hôm đó, suốt hành trình và cả khi về đến nhà ông sau này, ông luôn xưng “cha”, gọi tôi là “con”, khiến đôi khi tôi rất xấu hổ.

Tàu quay trở lại. Trên đường về mọi thứ đều hết, chỉ còn chút nước ngọt cuối cùng.

Đói, đói đến mê sảng. Tôi đã hiểu, cái chết đáng sợ nhất trên thế giới này không phải là hành hình treo cổ, hay bắn xử tử bằng 5 viên đạn với hát súng nhân đạo vào thái dương. Mà là chết đói.

Trong mê sảng, tôi nhớ câu chuyện đọc từ hồi còn ngồi trên ghế giảng đường: sẽ không có chuyện cả đoàn người chết đói trong rừng hay trên con tàu giữa đại dương. Vì đơn giản là trong cơn đói kinh thiên họ sẽ ăn thịt nhau, còn hai người thì một trong hai kẻ sẽ ăn thịt nốt người bạn đồng hành của mình. Thành ra, về nguyên tắc, chỉ có thể có một người chết đói.

Một câu chuyện hơi tếu hài về thảm cảnh kia, sao nó giống con tàu vượt biên như trong tiểu thuyết của chúng tôi hôm nay thế? Tôi bật cười bằng chút sức lực cuối cùng của mình.

Rồi tôi nhìn thấy mẹ, mẹ đang ân cần bón cho tôi từng cốc sữa, đút cho tôi từng thìa cháo khi tôi ốm đau. Tôi thấy nhà đổ, người chết, tôi ngửi thấy cả mùi bom và thuốc súng, thấy cậu tôi đang lê lết trên chiến trường với vết thương đẫm máu đỏ lòe trên ngực. Trong mắt cậu, tôi lại thấy cả ánh mắt buồn rười rượi của cha…

Chợt bừng tỉnh tôi mở mắt, vẫn thấy cái nắng chói chang của miền Trung nóng bỏng. Lớp da khô rát, đỏ lừ, đôi môi phồng rộp. Chủ thuyền bảo tôi với cái giọng miền Trung nằng  nặng:

“Cố gắng lên, con! Chỉ cần hai tiếng nữa là vào tới đất liền, nếu không có rủi ro!”

Lạ thế, sao mảnh đất nghèo này lại lắm con người hào sảng đến như vậy nhỉ?

Rồi thuyền cũng cập bến. Tôi xin lỗi ông chủ thuyền một lần nữa, cùng với lời cảm ơn và một lời hứa sẽ hoàn lương. Sau này nếu “làm được người” như chú nói, tôi sẽ quay lại cảm ơn chú.

Ông mời chúng tôi đi về cái quán gần nhà, bảo “chú đãi các con một bữa no». Rồi ông ngậm ngùi lau nước mắt hay lau mồ hôi hôi hột, tôi không tài nào phân biệt được. Mắt tôi hoa lên, hay là tôi đang khóc, tôi cũng không rõ nữa.

Cố gắng lên con, quay lại làm người

Ông gọi một bát mì tôm. Chủ quán lấy một cục mì “ở truồng” (mì tôm bán theo cân, không có bao bì), thả vào cái bát nhựa ọp ẹp mỏng dính, tống ít nước nguội ngắt từ cái phích cáu bẩn vào. Không cho thêm cái gì nữa. Đó là lần đầu tiên tôi ăn hết liền một lúc 5 cục mì tôm.

Chú đưa chúng tôi ra tận ngoài đường quốc lộ 1 bắt xe, với cử chỉ dịu dàng và những cái vỗ vai, giọng chú thủ thỉ thân mật :

-   Cố gắng lên nghe con! Cố gắng mà quay trở lại làm người!

Xe đến, chúng tôi lên xe chào tạm biệt. Qua cơn đói, qua cái chết cận kề, tôi thấy bấy giờ lòng mình thơ thới lắm. Bao nhiêu kiến thức, cảm nhận về Quảng Bình cứ dồn về như làm thơ… Tạm biệt những con người miền biển hiền hòa, bao dung, chân thật như chú chủ thuyền, như anh chủ cây xăng. Họ đã tin tưởng gã nghiện dí súng  vào đầu họ, đổ xăng quỵt tại cửa hàng nhà họ… Họ cứ một lòng tin vào cái ngày tôi hoàn lương mà không cần một lý do nào hết.

Kỳ 10: “Tuấn Văn Điển” nổi máu yêng hùng trong Trung tâm cai nghiện