Không có Sputnik V! EU không cho các nước thành viên mua vaccine của Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ chỉ cho phép sử dụng các chủng vaccine COVID-19 mà họ phê chuẩn; Brussels nói trong một tuyên bố vừa được đưa ra.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Được biết, đây là phản ứng mới nhất của giới chức Brussels trước viên Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố rằng ông đang đàm phán mua vaccine COVID-19 của Nga và Trung Quốc.

“Không nghi ngờ gì khi bất kỳ chủng vaccine nào được sử dụng trên lãnh thổ của EU phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng của EU và tuân thủ các quy trình phê duyệt của EU” – phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Eric Mamer nói trong cuộc họp báo hôm 30/10, khi được hỏi về tuyên bố của ông Orban.

Mặc dù không chỉ đích danh ông Orban, nhưng bình luận của ông Mamer được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Hungary nói rằng chính quyền Budapest đang đàm phán với Bắc Kinh và Moscow, với hy vọng sẽ có được 2 – 3 chủng vaccine khác nhau vào đầu năm sau.

Lô vaccine đầu tiên sẽ được bàn giao vào khoảng tháng 12 năm nay hoặc tháng 1/2021, và Hungary sẽ có thể “tuyên bố chiến thắng đại dịch” vào mùa Xuân năm tới; ông Orban nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 30/10.

Dường như Brussels sẽ không cho phép Hungary làm như vậy, bởi EU đã ký thỏa thuận với các hãng dược AstraZeneca, Sanofi-GSK và Johnson & Johnson để mua “những chủng vaccine an toàn và hiệu quả” chống virus corona chủng mới, ngay khi chúng hoàn thành các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

“Chúng tôi không đàm phán với cả các công ty Nga hay Trung Quốc” – ông Mamer khẳng định – “Đó là chiến lược vaccine của châu Âu. Tất cả các nước thành viên đã nhất trí về điều này”.

Johnso & Johnson hiện đã phải ngừng các cuộc thử nghiệm từ giữa tháng 10 sau khi chỉ ra một “chứng bệnh không thể giải thích” xuất hiện ở một trong số những người thử nghiệm vaccine của họ. AstraZeneza cũng phải ngừng các cuộc thử nghiệm sau khi một tình nguyện viên ở Anh xuất hiện triệu chứng lạ. Vào ngày 20/10, một tình nguyện viên người Brazil đã tử vong, thế nhưng AstraZeneca vẫn nối lại các cuộc thử nghiệm vaccine.

Nga là nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine ngừa virus corona chủng mới. Có tên “sputnik V”, nó được điều chế dựa trên một nền tảng sẵn có và được xem là an toàn. Hiện nó vẫn đang trải qua các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3. Moscow đã đăng ký vaccine này với chương trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt sử dụng vaccine.

Brussels và Washington đều phản đối vaccine của Nga, đặc biệt là về tính an toàn của nó. Mỹ dường như cũng gây sức ép để nhiều nước không công nhận vaccine của Nga. Ngày 16/10, Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine tuyên bố rằng Ukraine “sẽ không mua vaccine của Nga, vì nó chưa vượt qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng để chứng minh độ an toàn!”.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng thể hiện rõ sự bất tín với các công ty dược của phương Tây, cáo buộc họ chỉ chăm chăm tới “lợi nhuận”. Ông duterte nói rằng ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mua vaccine từ Trung Quốc và Nga.

Khoảng 2.000 liều vaccine Sputnik V đã được chuyển tới Venezuela trong đầu tháng 10, sau khi chính quyền Caracas yêu cầu hỗ trợ bởi các đòn trừng phạt của Mỹ và EU gây ảnh hưởng nặng nề tới hệ thống y tế công của họ.