Khám phá tên lửa liên lục địa khổng lồ mới vừa trình làng của Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tối 8/2/2023, Triều Tiên đã tổ chức một cuộc duyệt binh hoành tráng tại trung tâm Bình Nhưỡng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội, lần đầu tiên trình làng loại tên lửa liên lục địa mới khổng lồ.
Tên lửa liên lục địa sử dụng thuốc phóng rắn bí ẩn của Triều Tiên xuất hiện lần đầu tối 8/2 (Ảnh: QQ).
Tên lửa liên lục địa sử dụng thuốc phóng rắn bí ẩn của Triều Tiên xuất hiện lần đầu tối 8/2 (Ảnh: QQ).

Cho đến nay, mới có một số hình ảnh về cuộc duyệt binh được công bố, nhưng chỉ cần một vài bức ảnh và một vài đoạn video ngắn cũng đủ khiến giới quan sát quốc tế bất ngờ. Tại cuộc duyệt binh, đơn vị tên lửa chiến lược Hwasong của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã phô diễn một lúc tới 11 quả tên lửa chiến lược liên lục địa “quái vật” Hwasong-17 có uy lực mạnh mẽ, tầm bắn xa 15.000km, có thể bao trùm toàn bộ nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là khả năng tấn công hạt nhân chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã lớn mạnh đến mức không thể xem nhẹ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin cuộc duyệt binh nhấn mạnh Triều Tiên có đầy đủ khả năng "đáp trả vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân và đáp trả đối đầu trực diện bằng đối đầu trực diện".

Ông Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên xem tên lửa ICBM mới diễu qua lễ đài (Ảnh: QQ).

Ông Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên xem tên lửa ICBM mới diễu qua lễ đài (Ảnh: QQ).

Điều đáng chú ý hơn là, ngoài các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu lỏng Hwasong-17, tại cuộc duyệt binh lần này Triều Tiên còn phô diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa dùng nhiên liệu rắn hạng nặng mới nhất. Nhìn hình dạng bên ngoài, tên lửa liên lục địa này cùng với xe phóng dường như là sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của Nga và tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-41 (DF-41) của Trung Quốc.

Có tới 11 quả tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng tham gia cuộc duyệt binh (Ảnh: KCNA).

Có tới 11 quả tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng tham gia cuộc duyệt binh (Ảnh: KCNA).

Về xe phóng, ngoại hình xe phóng của tên lửa liên lục địa mới của Triều Tiên rất giống với xe tải việt dã kiểu MAZ-7921 TEL mà tên lửa RS-24 Yars sử dụng. Thân xe tương đối cao lớn, sử dụng thiết kế buồng lái bọc thép riêng biệt, thậm chí ba bình chữa cháy phía trước buồng lái cũng là một bản sao hoàn hảo của xe MAZ-7921. Tuy nhiên, so với MAZ-7921, xe phóng tên lửa liên lục địa mới này của Triều Tiên sử dụng hệ dẫn động 9 trục bánh lốp, nhiều hơn một trục so với RS-24 Yars và DF-41. Điều này có nghĩa là trọng lượng phóng của tên lửa này lớn hơn RS-24 Yars và DF-41, nó có thể là tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn lớn nhất thế giới hiện nay.

Tên lửa liên lục địa RS-24 Yars của Nga (Ảnh: QQ).

Tên lửa liên lục địa RS-24 Yars của Nga (Ảnh: QQ).

Về hình dạng bệ phóng tên lửa, tên lửa nhiên liệu rắn mới của Triều Tiên có đồng thời các đặc điểm hình dạng của RS-24Yars và DF-41. Ví dụ, về hình dạng hình chóp nón của ống phóng, tên lửa mới của Triều Tiên giống với RS-24 Yars hơn, trong khi đầu ống phóng tên lửa DF-41 của Trung Quốc có hình dạng tròn. Đối với hộp dây cáp bên ngoài ống phóng, đường ống của hệ thống điều hòa không khí và thông gió, v.v., thiết kế tên lửa mới này của Triều Tiên rõ ràng đơn giản hơn nhiều so với RS-24 Yars và giống với thiết kế của tên lửa liên lục địa DF-41 hơn. Tuy nhiên, hình dạng phần đáy đệm ở đuôi đạn lại tương tự như RS-24 Yars. Có thể nói tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn này của Triều Tiên là sản phẩm tổng hợp các ưu điểm của các tên lửa liên lục địa rắn của cả Trung Quốc và Nga.

Tên lửa liên lục địa DF-41 uy lực mạnh nhất của Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Tên lửa liên lục địa DF-41 uy lực mạnh nhất của Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Vậy việc Triều Tiên tiết lộ loại tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn vào lúc này có ý nghĩa gì? Giới nghiên cứu cho rằng, từ năm ngoái hoặc năm kia, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn mới, và việc chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ còn là vấn đề thời gian; chỉ là không ngờ tên lửa lại được trình làng nhanh như vậy. Xét theo tiến độ nghiên cứu phát triển và phóng thử tên lửa liên lục địa Hwasong-17, điều này có nghĩa là loại tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn mới của Triều Tiên có thể sẽ được phóng lần đầu tiên trong năm nay.

Về tính năng lý thuyết, tên lửa liên lục địa dùng nhiên liệu rắn mới của Triều Tiên sẽ có trọng lượng phóng lớn nhất khi sử dụng xe phóng 9 trục bánh. Về lý thuyết, nó nặng hơn từ 6 đến 7 tấn so với trọng lượng phóng gần 48 tấn của tên lửa RS-24 Yars, trọng lượng phóng tối đa có thể vào khoảng 55 tấn. Sau khi Mỹ loại biên tên lửa liên lục địa LGM-118 Peacekeeper, rõ ràng đây hiện là tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn phóng từ đất liền lớn nhất thế giới.

Chuyên gia về lĩnh vực tên lửa cho rằng, so với tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng, tên lửa liên lục địa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn có thời gian phản ứng ngắn hơn và khả năng sống sót cao hơn. Hầu hết các tên lửa liên lục địa di động tiên tiến trên thế giới hiện đều sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, sau khi Triều Tiên phát triển thành công nhiều loại tên lửa liên lục địa nhiên liệu lỏng, tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn là trọng tâm phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược của Triều Tiên.

Từ tên lửa liên lục địa Hwasong-15 đến Hwasong-17, công nghệ tên lửa liên lục địa nhiên liệu lỏng của Triều Tiên đã phát triển đến giới hạn kỹ thuật và kích thước khổng lồ của tên lửa liên lục địa nhiên liệu lỏng sẽ hạn chế khả năng cơ động của chính nó. Sử dụng nhiên liệu rắn là xu hướng phát triển tương lai của tên lửa liên lục địa di động.

Ông Kim Jong-un cùng con gái trên lễ đài xem diễu binh tối 8/2 (Ảnh: QQ).

Ông Kim Jong-un cùng con gái trên lễ đài xem diễu binh tối 8/2 (Ảnh: QQ).

Giới quan sát hiện không rõ tại sao Triều Tiên lại chú trọng nhiều đến việc phát triển loại tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn mới, liệu có phải vì cần tăng xung lực thuốc phóng hay là vì mục đích mang đầu đạn lớn hơn. Hiện tại sự suy đoán như vậy là vô nghĩa, phải đợi đến khi Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa này trong năm nay, người ta có thể ước tính sơ bộ tính năng kỹ thuật cụ thể của loại tên lửa liên lục địa này bằng cách xem xét phân tích tình hình đường bay của nó.

Một số chuyên gia nghiên cứu vẫn đang vô cùng kinh ngạc, trình độ tên lửa liên lục địa của Triều Tiên đã không còn có thể dùng lẽ thường để suy đoán mà hoàn toàn trái ngược! Ngoài ra còn có một điểm đáng chú ý là tối 8/2, ông Kim Jong-un lần đầu tiên xuất hiện cùng cô con gái 10 tuổi Kim Ju-ae tại lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Trước đó, ngày 7/2, ông Kim Jong-un và con gái cũng đã đến thăm các tướng lĩnh quân đội. Đây là lần đầu tiên con gái ông Kim Jong-un xuất hiện trong trang phục vest, phu nhân của ông Kim Jong-un, bà Ri Sol-ju, cũng tháp tùng chồng và con gái.