Đội quân tinh nhuệ tình nguyện vào TP.HCM chống dịch
Trong sáng nay, hơn 300 bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên đường bay vào TP. HCM để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và rất nặng tại trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế đặt ở Bệnh viện dã chiến số 13.
Tại buổi lễ tiễn đoàn công tác gồm 300 bác sĩ vào trung tâm hồi sức COVID-19 ở TP. HCM, GS. TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cho biết: “Hôm nay, hơn 2.000 cán bộ, thầy thuốc và nhân viên Bệnh viện đã tập trung tại Hội trường lịch sử Tôn Thất Tùng để tiễn 300 chiến sĩ áo trắng lên đường vào lập trung tâm hồi sức tích cực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại xã Bình Tân, huyện Bình Chánh, tiếp sức cho TP. HCM chống đại dịch COVID-19. Ngay khi nhận được thông báo của Bệnh viện, các cán bộ, thầy thuốc và nhân viên Bệnh viện đặc biệt là các bạn trẻ đã đồng loạt xung phong lên đường. Đây là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, thể hiện tinh thần vì người bệnh mắc COVID-19”.
GS. TS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh - BVCC) |
Theo GS. TS. Trần Bình Giang, để chuẩn bị cho đoàn công tác, Bệnh viện đã phối hợp với các lãnh đạo TP. HCM và Sở Y tế TP. HCM để chuẩn bị cho đoàn vào làm việc. Tuy nhiên, do Bệnh viện đưa một số lượng lớn cán bộ, nhân viên, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế vào TP. HCM, Bệnh viện dã chiến được xây dựng gấp rút phục vụ công tác khẩn cấp nên không tránh khỏi nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chính vì thế, GS. TS. Trần Bình Giang yêu cầu 300 bác sĩ trong đoàn công tác vào TP. HCM phải phát huy tinh thần độc lập tự chủ, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy cao nhất năng lực chuyên môn, chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Hơn 300 y, bác sĩ tình nguyện vào TP. HCM chống dịch (Ảnh - BVCC) |
Theo GS. TS. Trần Bình Giang, đoàn công tác cần phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp ở TP. HCM và các đơn vị khác trên tinh thần đồng lòng góp sức vì tính mạng và sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt, các bác sĩ phải giữ nghiêm kỷ luật công tác, kỷ luật an toàn phòng chống dịch, giữ gìn sức khỏe, đảm bảo làm việc, sinh hoạt tuyệt đối an toàn.
Thông tin thêm về đoàn công tác vào TP. HCM, PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cho biết: “ Đội quân tinh nhuệ chi viện cho TP. HCM lần này của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều là những bác sĩ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa cùng các điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành thở máy để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng”.
Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trước giờ lên đường (Ảnh - BVCC) |
Trước giờ lên đường, tất cả các y, bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chạy đua với thời gian, chung sức đồng lòng tham gia chống dịch, quyết tâm cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và rất nặng. Để hoàn thành tốt công việc điều trị cho bệnh nhân, nhiều bác sĩ đã quyết định cắt tóc, đặc biệt những nữ bác sĩ còn “cắt phăng” mái tóc dài của mình để tiện cho việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.
Các bác sĩ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (Ảnh - BVCC) |
Nhanh chóng lắp đặt 8 tấn trang thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng
Trước khi 300 bác sĩ thuộc đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lên đường vào trung tâm hồi sức tích cực tại TP. HCM, rạng sáng nay, gần 8 tấn trang thiết bị y tế của Bệnh viện và 9 y, bác sĩ đã di chuyển từ Hà Nội đã đến ga Sài Gòn bằng tàu hoả.
Thông tin về quá trình vận chuyển các trang thiết bị y tế chi viện cho trung tâm hồi sức tích cực ở TP. HCM, PGS.TS. Đồng Văn Hệ cho hay: Ngay khi đến ga Sài Gòn, 8 tấn trang thiết bị y tế đã được vận chuyển đến trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phụ trách.
Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẩn trương thiết lập trung tâm Hồi sức tích cực (Ảnh - Thái Bình) |
Sau khi 8 tấn trang thiết bị y tế đến trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 13, các chuyên gia, kỹ sư của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng các đơn vị liên quan đã nhanh chóng phân chia, thiết lập và lắp đặt các công đoạn kỹ thuật.
“Chúng tôi đang chạy đua cùng thời gian, nỗ lực nhất có thể nhằm nhanh chóng hoàn thiện các công việc kỹ thuật để có thể vận hành nhanh nhất Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng”- PGS.TS. Đồng Văn Hệ nói.
Trang thiết bị y tế được vận chuyển từ Ga Sài Gòn về trung tâm Hồi sức tích cực ở Bệnh viện dã chiến số 13 (Ảnh - Thái Bình) |
Trước đó, các đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do GS.TS. Trần Bình Giang cùng các chuyên gia về hồi sức, gây mê, kỹ sư có chuyên môn về thiết lập hệ thống điều trị hồi sức đã có mặt tại TP. HCM khảo sát trực tiếp hạ tầng của Bệnh viện dã chiến số 13.
Sau khi khảo sát hạ tầng, đoàn công tác do PGS.TS. Đồng Văn Hệ phụ trách đã vào TP.HCM để cùng các chuyên gia của, các đơn vị tại thành phố nhanh chóng thiết lập, lắp đặt trang thiết bị để sớm hoàn thiện trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại Bệnh viện dã chiến số 13.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP. HCM về công tác phòng chống dịch COVID-19, nhằm tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 cho TP. HCM, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết định thiết lập thêm các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, ngoài Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP. HCM 1.000 giường, Bộ Y tế đã thiết lập thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực khác và phân công Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chịu trách nhiệm điều hành.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được giao thiết lập, điều hành trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13. Bộ trưởng cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ hoạt động chuyên môn của trung tâm hồi sức tích cực này.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu