Đây là nhận định của PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - tại cuộc họp góp ý đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng diễn ra vào chiều nay, ngày 21/7.
Huy động mọi nguồn lực cấp cứu, hồi sức tích cực
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng xây dựng trên nguyên tắc các bệnh viện, các địa phương đều phải phát triển cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng không chỉ tình hình dịch mà còn cho các bệnh lý không lây nhiễm khác. Tuy nhiên, đề án cần chọn lựa các bệnh viện có năng lực chuyên môn “nhỉnh” hơn để huy động, là cánh tay nối dài của Bộ Y tế để đáp ứng hỗ trợ các địa phương khác.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đề nghị đề án cần phát triển các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực trên cơ sở sẵn có, chỉ cần sửa chữa nhỏ để đưa vào hoạt động kịp thời.
Theo dự thảo, đề án sẽ có 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TP. Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh), mỗi trung tâm có từ 500-1.000 giường bệnh và gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm từ 50-100 giường bệnh.
Các bệnh viện họp trực tuyến với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh - BYT) |
Trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng. Phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp ô xy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này. Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, oxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm; và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.
Trực tiếp kiểm tra khả năng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng
Để đảm bảo công tác cấp cứu hồi sức tích cực, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã trực tiếp đánh giá khảo sát năng lực cấp cứu và hồi sức tích cực tại một số địa phương và tổ chức các cuộc họp xin ý kiến góp ý với Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, Hội Hô hấp, Hội Truyền nhiễm và các bệnh viện trên cả nước.
Trước đó, vào ngày 13/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị ca bệnh COVID-19 nặng
Để đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc trong theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị ca bệnh COVID-19 nặng.
Ngoài ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã văn bản đề nghị củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19. Cục quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến hạng 1 trở lên, ở khoa Hồi sức tích cực tối thiểu 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống oxy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu...) để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Tại các bệnh viện được phân công phụ trách khu vực cần nhanh chóng thiết lập Trung tâm cấp cứu, để tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực của các bệnh viện, như Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ trước mắt thiết lập Khoa Hồi sức tích cực 50 giường, sau đó tăng lên 100 và 200 giường. Các bệnh viện tuyến trung ương cần củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới. Các bệnh viện cũng cần thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu,... để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu hỗ trợ. Các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp oxy y tế, tuyệt đối không để tình trạng thiếu oxy y tế trong cấp cứu, điều trị.
Cùng với đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực tại các bệnh viện trực thuộc Bộ. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khẩn trương rà soát và thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.
Với sự chuẩn bị và chủ động về công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, Bộ Y tế đặt mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đảm bảo cứu sống bệnh nhân COVID-19 nặng.