Hơn 100 triệu liều vaccine COVID-19 mua từ đâu, tiêm cho ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang đàm phán nhiều nguồn vaccine COVID-19 trên thế giới, sẽ mua được khoảng hơn 100 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp Chính phủ về phòng, chống COVID-19 sáng 24/2 (Ảnh: Huyền Mai)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp Chính phủ về phòng, chống COVID-19 sáng 24/2 (Ảnh: Huyền Mai)

Vaccine COVID-19 mua từ đâu, tiêm cho ai?

Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về phòng, chống COVID-19 sáng nay 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ý kiến, đề nghị Hà Nội và các địa phương tập trung giám sát tất cả các ca có biểu hiện nghi nhiễm tại các cơ sở y tế, lưu ý cách ly đối tượng chuyên gia. Trước tình hình nhiều địa phương đã cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Long cũng đề nghị các địa phương không nên lãng phí quá nhiều vào việc lấy mẫu xét nghiệm mở rộng mà cần tuân theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Khu vực biên giới Tây Nam vẫn được Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý là khu vực “nóng”, rất cần được tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nguồn vaccine có thể mua từ COVAC là khoảng 30 triệu liều, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hôm nay Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ duyệt quy định, quy trình để có thể mua sớm. Trong tuần này, COVAC sẽ công bố với thế giới lượng vaccine sẽ bán ra cho từng quốc gia.

“Một nguồn khác là vaccine của hãng Pfizer nhưng năm 2020 đàm phán thất bại, Việt Nam không mua được vaccine từ nguồn này. Bộ Y tế đang đàm phán tiếp 30 triệu liều vaccine của Pfizer cho năm 2021. Tuy nhiên, được biết là một số quốc gia trên thế giới cũng đã phải bỏ không mua vaccine từ nguồn này bởi vì vấn đề bảo quản vaccine này bắt buộc phải có tủ đông với nhiệt độ âm 175 độ C. Nhiều cơ sở y tế trong nước của chúng ta còn chưa có thiết bị lưu trữ này. Nếu có thể được, đề nghị Chính phủ phê duyệt, cho phép xã hội hoá việc mua vaccine Pfiser vì một số đơn vị tư nhân thì đã đầu tư loại tủ lưu trữ có nhiệt độ âm 175 độ C. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý khía cạnh pháp lý, các công ty, tập đoàn không nên mua qua trung gian mà nên mua thẳng từ nhà cung cấp chính mới không lo bị mua phải hàng giả” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: “Ngoài ra, còn có thể mua khoảng 60 triệu liều vaccine Sputnik V. Tổng số sẽ có hơn 100 triệu liều vaccine để thoả mãn nhu cầu tiêm chủng COVID-19 cho người dân”.

“Đối tượng tiêm vaccine nhóm đầu sẽ là các lực lượng chức năng đang trực tiếp làm việc tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Nhóm thứ 2 là các ngành có nguy cơ cao, như hàng không, vận tải… Nhóm thứ 3 là giáo viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục. Nhóm thứ 4 là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, - Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.” – Bộ trưởng Long cho biết.

Vaccine mua được rải rác theo các quý trong năm 2021 sẽ được ưu tiên tiêm chủng tại các vùng có dịch trước, sau đó đến các vùng chưa có dịch.

Lãnh đạo UBND TP.HCM tham gia phiên họp trực tuyến từ đầu cầu TP.HCM (Ảnh: Huyền Mai)

Lãnh đạo UBND TP.HCM tham gia phiên họp trực tuyến từ đầu cầu TP.HCM (Ảnh: Huyền Mai)

Nhiều tỉnh cơ bản khống chế được dịch

Có mặt tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, đại diện UBND tỉnh Hải Dương cho biết về tình hình từ khi cách ly toàn tỉnh (không giờ ngày 16/2 đến nay), số ca dương tính đã giảm mạnh, từ mức mỗi ngày vài chục ca nay đã giảm xuống mỗi ngày dưới 10 ca. Số bệnh nhân được điều trị khỏi đã tăng lên đến hơn 200 bệnh nhân. Nhiều khu cách ly đã được tháo dỡ. Một số vùng nhiều ngày qua đã không có thêm ca dương tính mới.

Hải Dương tiếp tục đề nghị Chính phủ và các tỉnh tạo điều kiện trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đến mùa thu hoạch nhưng không thể xuất khẩu và khó bán ra thị trường trong nước do toàn tỉnh đang trong vùng phong toả, cách ly.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Tổng số có 386 mẫu xét nghiệm các F1 và 2.700 mẫu xét nghiệm của các F2 của nhóm bệnh xuất phát từ F0 là nam nhân viên y tế BV Giao thông Vận tải Hải Phòng, có nguồn lây từ Hải Dương, đã lây sang cho người yêu và em gái của người yêu, cho đến hiện tại tất cả các mẫu xét nghiệm đều đang âm tính. Hải Phòng đã phong toả một số khu vực liên quan đến nhóm bệnh nhân, thực hiện giãn cách xã hội một số khu vực và giãn cách toàn TP Hải Phòng theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; đã chuẩn bị khu cách ly có đủ điều kiện cho hơn 5.000 người, hiện tại, mật độ cách ly trong khu chỉ có 2 người một phòng”.

“TP Hải Phòng xác định dùng ngân sách TP để mua hơn 2 triệu liều vaccine tiêm cho công dân toàn thành phố. Mong Chính phủ phê duyệt để Hải Phòng có thể thực hiện” – Ông Nguyễn Văn Tùng kiến nghị.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết đã lâu không có thêm ca nhiễm mới, ca dương tính mới ngày hôm qua 23/2 là F1 đã được cách ly từ trước đó. “Việc đón hơn 25.000 lao động từ tỉnh ngoài và hơn 2.000 lao động từ Hải Dương về Quảng Ninh được tỉnh Quảng Ninh xác định là yếu tố nhân văn, đã được tỉnh thực hiện thành công, toàn bộ người từ Hải Dương về được đưa vào Khu cách ly tập trung theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, khống chế các nguồn có khả năng lây nhiễm, đảm bảo không bị thiếu lao động, không kỳ thị lao động từ Hải Dương” – Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh tại cuộc họp, báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công tác phòng chống dịch của TP.HCM. Ảnh: Huyền Mai

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh tại cuộc họp, báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công tác phòng chống dịch của TP.HCM. Ảnh: Huyền Mai

“Quảng Ninh đã triển khai thực hiện khai báo y tế điện tử, đã có hơn 28.000 trường hợp đăng ký khai báo y tế điện tử thành công, dữ liệu do Sở Y tế quản lý, liên thông với Bộ Y tế. Toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn Quảng Ninh chuyển sang học trực tuyến cho đến 1/3 học sinh sinh viên sẽ trở lại trường, trừ Đông Triều tiếp tục học trực tuyến cho đến khi có chỉ đạo mới” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cung cấp thêm.

Tin vui là toàn bộ các ngành chủ lực về kinh tế của Quảng Ninh như ngành than, ngành điện không bị ảnh hưởng gì. Tỉnh cho biết chỉ có ngành ảnh hưởng mạnh nhất là du lịch. So với các năm trước, mùa này đang là mùa có tiềm năng mạnh nhất thì năm nay, du lịch của Quảng Ninh đã bị tê liệt hoàn toàn. Quảng Ninh đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh được mở lại một số khu du lịch, làm nhưng có kiểm soát, ứng phó kịp thời.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM đã khống chế thành công dịch bệnh COVID-19, đã qua 14 ngày liên tiếp thành phố không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, cho đến ngày hôm qua 23/2 đã tháo dỡ khu vực bị phong toả cuối cùng.

Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, Hà Nội tiếp tục đề nghị được đăng ký mua vaccine và tiêm phòng COVID-19 cho tất cả người dân trên địa bàn thành phố.