Diễn biến "nóng" dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cho phép chủ động mua vaccine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình hình dịch bệnh bùng phát "nóng" trở lại, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Chính phủ cho phép địa phương chủ động trong việc mua vaccine COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Chủ động trong việc mua vaccine COVID-19

Trao đổi tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ sáng ngày 2/2/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Hà Nội vừa thực hiện truy vết, nhưng cũng không chờ truy vết mà phải khoanh vùng ngay, càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn.

Về xét nghiệm, Bộ trưởng Long báo cáo Hà Nội đã xây dựng các tổ đội để lấy mẫu thật nhanh tại một số khu vực trọng điểm, khu vực nghi ngờ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế sẽ huy động sinh viên các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng hỗ trợ lấy mẫu. Bộ Y tế sẽ tiến hành tập huấn việc lấy mẫu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bộ Y tế dành công suất xét nghiệm của các đơn vị thuộc Bộ để hỗ trợ Hà Nội. Hà Nội lấy mẫu bao nhiêu thì chúng tôi đáp ứng xét nghiệm từng đó, chứ không chỉ là con số 40.000 mẫu như Hà Nội nêu”.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị làm tối đa công suất xét nghiệm. Bộ Y tế đã điều 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm 40.000 mẫu, trong đó Trường Đại học Y Hà Nội 5.000 mẫu, BV Nhiệt đới Trung ương 5.000 mẫu; BV Nhi Trung ương 5.000 mẫu; BV Phổi Trung ương 5.000 mẫu; Trường ĐH Y tế công cộng 3.000 mẫu...

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Hải Dương

Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Hải Dương

Trước những diễn biến “nóng” của dịch bệnh COVID-19 trên nhiều địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương được chủ động trong kinh phí mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là mua vaccine COVID-19. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các địa phương đã tính toán việc đầu tư nguồn kinh phí này để phòng dịch sẽ hiệu quả hơn là chạy theo khắc phục dịch bệnh mỗi khi bùng phát.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh có ý kiến đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, cùng kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương chủ động trong việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là vaccine để phòng dịch.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhận định vẫn cần truy vết nhanh, xét nghiệm trên diện rộng mọi đối tượng có nguy cơ để khoanh vùng dịch bệnh, bình ổn đời sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần "Thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện".

Điểm cầu TP.HCM tham gia cuộc họp sáng 2/2 (Ảnh: Huyền Mai)

Điểm cầu TP.HCM tham gia cuộc họp sáng 2/2 (Ảnh: Huyền Mai)

Đã phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách

Hôm qua ngày 1/2, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu phòng dịch cấp bách.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký Quyết định số 983/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vắcxin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID -19 theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Cụ thể, tên vắcxin được phê duyệt là COVID-19 vắcxin AstraZenenca. Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng của vắcxin: Mỗi liều (0,5ml) chứa vắcxin COVID-19 (ChAdOxl-S tái tổ hợp) 5 X 10 10 hạt vi rút (vp); dạng bào chế là dung dịch tiêm.

Số bệnh nhân được cách ly điều trị COVID-19 vẫn đang tăng lên mỗi ngày

Số bệnh nhân được cách ly điều trị COVID-19 vẫn đang tăng lên mỗi ngày

Quy cách đóng gói có 2 dạng: Hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 8 liều, mỗi liều 0,5ml; hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Vắcxin được sản xuất bởi các cơ sở: Catalent Anagni S.R.L - Italy; CP Pharmaceuticals Limited - Anh và IDT Biologika GmbH - Đức.

Cơ sở sản xuất có thể được thay đổi căn cứ vào khả năng cung cấp vắcxin tại thời điểm cơ sở nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu vắcxin theo quy định tại Điều 67, Nghị định 54/2017/NĐ-CP.

Công ty trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam là cơ sở đề nghị Bộ Y tế phê duyệt vắcxin. Các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vắcxin COV1D-19 AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Cục Quản lý Dược có trách nhiệm: Cấp phép nhập khẩu vắcxin COVID-19 AstraZeneca theo quy định tại Điều 67 Nghị định 54/2017/NĐ-CP khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu; thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắcxin nhập khẩu.

Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm làm đầu mối triển khai đánh giá lâm sàng tại Việt Nam về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắcxin COVID-19 AstraZeneca.

Cục Y tế dự phòng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiêm chủng và tổ chức triển khai, hướng dẫn tiêm chủng, giám sát trong quá trình tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng; báo cáo, tổng hợp thông tin, dữ liệu tiêm chủng vắcxin COVID-19 AstraZeneca.

Viện Kiểm định Quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định vaccine COVID-19 AstraZeneca trước khi đưa ra sử dụng.