Hơn 500.000 nhân viên y tế, nhân viên tham gia chống dịch được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo lộ trình dự kiến sử dụng vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 500.000 nhân viên y tế, nhân viên tham gia chống dịch sẽ được tiêm vaccine.
Tình nguyện viên chuẩn bị được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)
Tình nguyện viên chuẩn bị được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là nội dung đáng chú ý trong kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 được COVAX Facility hỗ trợ vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành.

Hơn 500.000 nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm vaccine

Lộ trình dự kiến sử dụng vaccine phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ COVAX dự kiến sẽ cung ứng cho Việt Nam hơn 4,8 triệu liều vaccine (25-35% trong quý I và 65-75% trong quý II).

Trong quý I, dự kiến khoảng 1,2 triệu liều sẽ tiêm cho khoảng 500.000 nhân viên y tế và hơn 116.000 nhân viên tham gia phòng chống dịch.

Trong quý II, COVAX sẽ cung ứng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người. Trong đó, dự kiến có khoảng 9.200 cán bộ hải quan, 4.080 cán bộ ngoại giao, 1.027.000 lực lượng quân đội, 304.000 lực lượng công an, 550.000 giáo viên sẽ được tiêm vaccine.

Trong quý III, khoảng 33 triệu liều tương ứng với 16 triệu người sẽ được tiêm vaccine. Cụ thể, số lượng vaccine này sẽ dành cho khoảng 750.000 giáo viên, 7.600.000 người trên 65 tuổi, 1.930.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hải quan, ngoại giao, hàng không, vận tải, du lịch) và 7.000.000 người mắc bệnh mạn tính trưởng thành.

Vaccine phòng COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế (Ảnh minh hoạ)

Vaccine phòng COVID-19 sẽ được ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế (Ảnh minh hoạ)

Theo kế hoạch, vaccine phòng COVID-19 do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất sử dụng 2 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 21 ngày, tiêm bắp, đóng gói 08-10 liều/lọ.

Các đơn vị sẽ tổ chức tiêm theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có. Trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế các tỉnh, thành phố huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.

Đối với các đơn vị đủ điều kiện tiêm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở địa phương sẽ hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phải xây dựng kế hoạch, tổ chức các điểm tiêm lưu động theo quy định.

11 nhóm đối tượng ưu tiên

Theo kế hoạch, 11 nhóm đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 được sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam, gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi.

Sau đó đối tượng được tiêm tiếp theo là nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước; những người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện triển khai trên phạm vi cả nước (Ảnh minh hoạ)

Vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện triển khai trên phạm vi cả nước (Ảnh minh hoạ)

Dự kiến, phạm vi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước với mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp hơn ở các khu vực/tỉnh/huyện ghi nhận trường hợp mắc và/hoặc tử vong do COVID-19 trong cộng đồng và các đô thị lớn, có mật độ dân số cao.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng hơn 13.000 cơ sở tiêm chủng, trong đó có hơn 11.000 cơ sở tiêm chủng mở rộng và hơn 2.000 cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân thực hiện tiêm chủng dịch vụ.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phòng sinh triển khai tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh và vaccine phòng lao trong tiêm chủng mở rộng. Số nhân lực tại các tuyến tham gia công tác tiêm chủng mở rộng khoảng 49.000 người và 10.000 người của hệ thống tiêm chủng dịch vụ. Ở các trạm y tế xã, phường gồm chủ yếu là cán bộ y tế, cán bộ truyền thông và nhân viên kỹ thuật. Tại các tuyến có bộ phận phụ trách tiêm chủng và cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng.

Thực tế, nguồn nhân lực tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng. Tuy nhiên, vắc xin phòng COVID- 19 là vaccine mới, do vậy cán bộ tiêm chủng cần được tập huấn lại về việc sử dụng vắc xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo báo cáo hàng năm của tiêm chủng mở rộng (TCMR) và báo cáo sơ bộ đánh giá Chương trình TCMR năm 2020 (EPI Review), toàn bộ cán bộ chuyên trách tiêm chủng đều đã được tập huấn và có kỹ năng lập kế hoạch tổ chức tiêm chủng. Phần lớn cán bộ quản lý vaccine và dây chuyền lạnh đã được tập huấn quản lý dây chuyền lạnh và hướng thực hành bảo quản vaccine.

Đến thời điểm hiện tại, kho vaccine tại 63 tỉnh thành phố đã thực hiện quản lý bảo quản vaccine theo đúng quy định thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP). Do có sự thay đổi về cán bộ chuyên trách tiêm chủng và quản lý vaccine và dây chuyền lạnh tại các tuyến do sát nhập trung tâm CDC tỉnh và Trung tâm y tế huyện 2 chức năng, các cán bộ mới và vắc xin mới cần được tiếp tục cập nhật về quản lý lập kế hoạch tiêm chủng, quản lý vaccine và dây chuyền lạnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt 3 kho siêu lạnh đầu tiên bảo quản vaccine phòng COVID-19 ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cho phép bảo quản vaccine và sinh phẩm ở nhiệt độ -40 độ C đến -86 độ C.

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép ở Việt Nam.

Vaccine này được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine sử dụng vectơ virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.

Dữ liệu an toàn được công bố từ hơn 20.000 người tham gia trong 4 thử nghiệm lâm sàng ở Anh, Brazil và Nam Phi trên Tạp chí The Lancet cho thấy vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng. Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.