Màn hình gương không phải là mới. Từ trước đến nay, công thức chung là đặt một màn hình LCD và một chiếc máy tính Raspberry Pi đằng sau chiếc gương một chiều. Tuy nhiên, Ryan lại chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn khác.
Sáng tạo của Ryan được giới công nghệ xem như một chiếc iPad khổng lồ. Nó nhấn mạnh vào khả năng nhận diện cảm ứng bằng một hoặc hai ngón tay một cách linh hoạt.
Chiếc gương của Ryan trên cơ bản hiển thị đồng hồ, thời tiết, chơi nhạc, chạy được một vài ứng dụng trên Macbook, điều chỉnh nhiệt độ nhà qua phần mềm Nest và có thể gọi một chiếc taxi của hãng Uber.
Đầu tiên, màn hình nền “Home screen” hiển thị các ứng dụng tiện lợi ở các góc màn hình. Phía bên phải là lịch và thời gian hiện tại. Trong khi đó là góc bên trái là các ứng dụng giải trí như nghe nhạc. Những người có thói quen soi gương sau khi thức dậy có thể chạm tay nhẹ vào nút “Play” trên chiếc gương để mở nhạc, bắt đầu cho một ngày mới. Để điều chỉnh âm lượng, bạn chỉ cần chạm giữ ngón tay vào gương, kéo lên để tăng và kéo xuống để giảm âm lượng.
Ngoài ra, nút trung tâm “Center” sẽ hiện thị tất cả các ứng dụng có trên trên gương, chẳng hạn như: tin nhắn, thư viện ảnh, Apple AirDrop, DropBox, Reddit, Nest…
Khi chạm vào lệnh tìm kiếm “Search”, bàn phím QWERTY cũng được hiện đầy đủ trên gương. Người sử dụng sẽ được trải nghiệm cảm giác tương tự như đang đánh máy trên một bàn phím.
Chiếc gương của Ryan còn có thể tạo ra một rạp chiếu phim tại nhà khi người dùng hoàn toàn có thể xem phim hoặc các chương trình giải trí khác trên Youtube.
Ryan đã tạo ra sự tích hợp giữa chiếc gương và ứng dụng Nest để kiểm soát nhiệt độ căn phòng qua chiếc gương chỉ với một thao tác là chạm xoay trên vòng tròn để điều chỉnh nhiệt độ.
Ryan Nelwan đã thử nghiệm thành công chiếc gương cảm ứng của mình. Nhiều nhà đầu tư và những người đam mê công nghệ đang khuyến khích Ryan gây quỹ cộng đồng để chiếc gương được đi vào sản xuất với số lượng lớn.
Theo Tuổi trẻ