Theo bài báo, ông Rick Cordaro phó chủ tịch của Lockheed Martin, cho biết trong một tuyên bố: "Công nghệ của chúng tôi đã sẵn sàng để sử dụng. Việc bàn giao hệ thống vũ khí này cho thấy chúng ta đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc phát triển hệ thống vũ khí laser". Sau khi hệ thống hệ thống vũ khí laser năng lượng cao trên không (AHEL) này được triển khai, Mỹ sẽ là nước đầu tiên có hệ thống vũ khí laser lắp đặt trên máy bay.
Bài báo chỉ ra rằng do quá trình nghiên cứu phát triển vũ khí laser năng lượng cao trên không luôn không suôn sẻ, nên thành tựu này hiện nay rất đáng chú ý. Năm 2015, Trung tướng Bradley Hesseld, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt (SOCOM) của Lực lượng Không quân Mỹ, tuyên bố rằng mục tiêu của quân đội Hoa Kỳ là thử nghiệm vũ khí laser năng lượng cao trên pháo hạm AC-130J vào trước năm 2020. Mặc dù các loại vũ khí laser khác đã đạt được tiến bộ trong ứng dụng trên hạm tàu, nhưng việc lắp đặt vũ khí laser năng lượng cao lên máy bay gặp nhiều khó khăn hơn do những hạn chế về kích thước, trọng lượng và công suất.
Hình ảnh giả tưởng về AC-130J tấn công mặt đất bằng vũ khí laser (Ảnh: QQ). |
Bài báo cho biết trong 6 năm qua, Bộ Tư lệnh tác chiến Đặc biệt của Không quân Mỹ đã hợp tác với chi nhánh Dahlgren của Trung tâm Tác chiến Mặt nước Hải quân ở Virginia để tập trung phát triển các máy bay quân sự được trang bị vũ khí laser. Trước khi chuyển giao hệ thống vũ khí laser năng lượng cao trên không, họ đã thực hiện hàng loạt cuộc nghiên cứu và thử nghiệm trên mặt đất đối với hệ thống vũ khí laser này. Mục tiêu tiếp theo của họ là sử dụng loại vũ khí laser này để phóng (bắn) thử nghiệm vào năm 2022.
Bài báo chỉ ra rằng vũ khí laser năng lượng cao trên không là một trong hàng loạt dự án mới do Lầu Năm Góc thực hiện. Các dự án này nhằm đạt được các vũ khí laser nhỏ hơn, gọn hơn, đồng bộ hơn, cho đến loại vũ khí laser cầm tay được công bố mới đây. Sự khác biệt lớn nhất là công suất đầu ra của vũ khí laser. Công suất đầu ra định mức của vũ khí laser năng lượng cao trên không là 60 kilowatt, trong khi công suất đầu ra của một số vũ khí laser hải quân mới mạnh hơn có thể đạt 150 kilowatt hoặc hơn nữa.
Hệ thống vũ khí laser của Mỹ hiện đã được triển khai trên tàu mặt nước (Ảnh: QQ). |
Theo bài báo, pháo hạm trên không AC-130J "Ghost Rider" là phiên bản nâng cấp của AC-130U, vốn đã có một kho vũ khí mạnh mẽ, vũ khí laser sẽ là sự bổ sung mạnh mẽ cho kho vũ khí ban đầu chứ không thay thế chúng. Kho vũ khí của AC-130J bao gồm lựu pháo 105mm và pháo bắn nhanh 30mm, cũng như các hệ thống tấn công chính xác hiện đại, bao gồm bom đường kính nhỏ GBU-39 nặng 113 kg dẫn đường bằng GPS và tên lửa dẫn đường bằng tia laser 15,4 kg AGM-176 "Griffin".
Ngược lại với những thứ vũ khí hiện có, vũ khí laser có công suất 60 kilowatt mới lắp đặt có vẻ yếu hơn nhiều. Tuy nhiên, vũ khí laser có thể làm được điều mà các vũ khí hiện có không làm được: nó có thể thực hiện các cuộc tấn công bí mật. Vũ khí laser không gây tiếng động và chùm tia laser không thể nhìn thấy; vũ khí laser không chỉ không có tiếng nổ hoặc tia chớp từ đầu nòng mà còn không bị nhận thấy vào lúc đầu khi tác động lên mục tiêu.
Cái gọi là "hiệu ứng có thể co giãn" của vũ khí laser bao gồm làm tan chảy lốp xe hoặc khiến radar hoặc ăng-ten liên lạc bị hỏng mà không gây ra một vụ tấn công có tiếng nổ. Loại vũ khí laser này có thể gây ra hỏa hoạn một cách âm thầm. Ông John Corley, Giám đốc Trung tâm Vũ khí Hàng không của Lực lượng Không quân Mỹ gọi đó là một "lời bào chữa hợp lý".
Cuối cùng, bài báo của Forbes chỉ ra rằng hiện nay, nếu ai đó cho rằng một loạt vụ cháy rừng là do một cuộc tấn công bí mật bằng vũ khí laser đều có thể bị chế giễu. Nhưng trong một vài năm nữa, điều này hoàn toàn có thể xảy ra và việc phân biệt các thuyết âm mưu với thực tế có thể khó khăn hơn nhiều.
Theo Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Không quân Mỹ, pháo hạm trên không mới nhất AC-130J “Ghost Rider” là phiên bản mới nhất của dòng máy bay cường kích nổi tiếng AC-130 được đưa vào biên chế và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên tại Afghanistan vào tháng 6/2019. Phiên bản nâng cấp của pháo hạm này nhằm thay thế loại AC-130U đã được Không quân Mỹ sử dụng trong hơn 20 năm.
Hệ thống vũ khí laser M-SHORAD 50 kilowatt được Lục quân Mỹ lắp đặt trên xe bọc thép Stryker (Ảnh: QQ). |
Tạp chí National Interest cho biết, chiếc pháo hạm này, được Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Không quân Mỹ gọi là "Xe bom" và "Máy bay chiến đấu tận thế", có hỏa lực cực mạnh. Thiếu tá Hughes, người chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn hoạt động của AC-130J của Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ, cho biết AC-130J là máy bay "gây chết người" nhất trong danh sách vũ khí của bộ tư lệnh này.
Mặc dù AC-130J đã công bố khả năng chiến đấu ban đầu vào tháng 9/2017, nhưng đánh giá của Lầu Năm Góc vào tháng 1/2018 cho thấy hệ thống điều khiển hỏa lực của pháo hạm có nhiều khiếm khuyết. Sau khi sự cố được giải quyết, theo đánh giá của Lầu Năm Góc vào đầu năm 2019, AC-130J "được trang bị và phù hợp" để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ đường không tầm gần. Từ tháng 3/2019, Phi đội Tác chiến Đặc biệt số 4 thuộc Liên đội Tác chiến Đặc biệt số 1 của Không quân Mỹ đã nhận được phiên bản nâng cấp đầu tiên của AC-130J, được trang bị phần mềm và hệ thống điện tử hàng không Block 30 đã được cải tiến.
Sau một thời gian kiểm nghiệm trong chiến đấu thực tế ở Afghanistan cùng với lực lượng đặc nhiệm Mỹ, nay Không quân Mỹ quyết định lắp đặt hệ thống vũ khí laser năng lượng cao trên không (AHEL) cho AC-130J sẽ khiến nó càng trở nên mạnh mẽ hơn.