Hệ thống ngân hàng sau sáp nhập sẽ ra sao?

Hệ thống ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào sau một loạt thương vụ sáp nhập được thực hiện vào quý III năm nay? Vietinbank hay BIDV sẽ là ngân hàng lớn nhất Việt Nam? Liệu Sacombank có trở thành NHTM cổ phần lớn nhất trong top 5 sau sáp nhập?
Sau sáp nhập, Vietinbank soát ngôi đầu về vốn điều lệ
Sau sáp nhập, Vietinbank soát ngôi đầu về vốn điều lệ

Theo kế hoạch, trong tháng 7 này Sacombank và SouthernBank sẽ sáp nhập với nhau. Trước đó, BIDV cũng đã nhận vào hệ thống MHB. VietinBank cũng dự kiến sẽ bắt đầu sáp nhập PGBank vào hệ thống từ cuối tháng 7 này.

Sacombank soát ngôi đầu top 5

MaritimeBank cũng đang đợi quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước về việc nhận MDB vào hệ thống. Dự kiến trong tháng 7 này Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chính thức và MaritimeBank sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 8 tới.

Sau những thương vụ sáp nhập này, hệ thống ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào? Thực tế, Sacombank vẫn luôn nằm trong top 5 NHTM cổ phần lớn tại Việt Nam kể cả khi chưa sáp nhập Southerbank với tổng tài sản khoảng 183.000 tỷ đồng và vốn điều lệ là 12.425 tỷ đồng. Cần phải nói rằng, top 5 NHTM cổ phần hàng đầu được thị trường mặc định là Sacombank, Techcombank, ACB, Eximbank, MB.

Top 5 NHTM đã có sự xáo trộn sau những thương vụ sáp nhập

 Sau khi sáp nhập Sacombank sẽ vượt lên đứng đầu top 5 NHTM cổ phần với vốn điều lệ sẽ đạt trên 18.853 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 290.861 tỷ đồng. Như vậy, Sacombank sẽ vượt MB để giành vị trí đầu bảng về tổng tài sản. Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của MB xếp vị trí đầu bảng với khoảng 200.000 tỷ đồng. Trật tự này được sắp xếp lại sau vài thương vụ sáp nhập sẽ diễn ra.

Nếu tính tổng tài sản, SCB “vượt mặt” MB vươn lên vị trí thứ 2 sau Sacombank với tổng tài sản là 242.222 tỷ đồng. MB tụt xuống vị trí thứ 3 sau Sacombank, SCB. Eximbank sẽ đứng vị trí cuối trong top 5 này với tổng tài sản khoảng 150.000 tỷ đồng, sau cả ACB với tổng tài sản là 187.000 tỷ đồng và Techcombank là 179.000 tỷ đồng.

Còn nếu tính vốn điều lệ thì MB hiện là 11.256 tỷ đồng, sẽ đứng vị trí thứ 4 sau Sacombank, Eximbank, SCB. Theo sau là ACB với vốn điều lệ là 9.377 tỷ đồng và Techcombank với vốn điều lệ là 8.879 tỷ đồng. Eximbank hiện có vốn điều lệ là 12.355 tỷ đồng, SCB là 12.295 tỷ đồng.

Rõ ràng, sau một loạt thương vụ sáp nhập đã và đang thực hiện, trật tự trong hệ thống ngân hàng đã có sự thay đổi, riêng top 5 NHTM đã có sự xuất hiện của một vài nhân tố mới. Theo đó, PVcomBank, SCB đã lọt vào nhóm NHTM cổ phần có vốn điều lệ lớn. Cụ thể, SCB có vốn điều lệ 12.295 tỷ đồng và trở thành NHTM cổ phần có vốn điều lệ lớn thứ 3 sau Sacombank, Eximbank.

Sau thương vụ sáp nhập MDB vào hệ thống, MaritimeBank trở thành NHTM có vốn điều lệ lớn thứ 4 sau Sacombank, Eximbank, SCB. Cụ thể, sau sáp nhập, Maritime Bank có tổng tài sản lên tới 113.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng. Nếu không thực hiện tăng vốn điều lệthành công trong năm 2015, vị trí thứ 5 về vốn điều lệ sẽ do MB nắm giữ.

Ngân hàng số 1: Vietcombank hay Vietinbank?

Riêng ba ông lớn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank và BIDV sẽ có vị trí thế nào sau khi nhận ngân hàng khác vào hệ thống? Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Vietcombank là chưa chốt đối tượng sẽ nhận vào hệ thống, còn Vietinbank và BIDV đã có. Riêng BIDV đã nhận MHB vào hệ thống từ cuối tháng 5 vừa qua. Sau sáp nhập BIDV nâng tổng tài sản tăng lên trên 700.000 tỷ đồng và vốn điều lệ lên trên 34.000 tỷ đồng.

Còn Vietinbank, theo dự kiến cuối tháng 7 sẽ chính thức nhận PGBank vào hệ thống bằng việc thay đổi nhận diện thương hiệu toàn bộ mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch hiện có của PGBank. Sau sáp nhập Vietinbank sẽ có vốn điều lệ 40.234 tỷ đồng và tổng tài sản trên 600.039 tỷ đồng.

Việc Vietcombank chưa nhận đối tượng sáp nhập vào hệ thống khiến thị trường đoán định được vị trí của 3 ông lớn này sau sáp nhập, đặc biệt là Vietinbank và Vietcombank đang trong cuộc chạy đua giành vị trí số 1 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vô tình khởi xướng từ giữa năm 2014.

Tuy nhiên, với số vốn điều lệ hiện nay, Vietinbank sẽ là NHTM lớn nhất Việt Nam. Tiếp đó là BIDV, theo sau là Agribank với vốn điều lệ29.605 tỷ đồng và cuối cùng là Vietcombank với vốn điều lệ là 26.650 tỷ đồng.

Nhưng nếu xét về yếu tố tổng tài sản, hiện Agribank vẫn ở vị trí thứ nhất với con số là 762.869 tỷ đồng. Tiếp đến là BIDV, Vietinbank và đứng sau cùng vẫn là Vietcombank với con số 640.000 tỷ đồng.

Tất nhiên, đây chỉ là những con số mang tính thống kê. Việc đánh giá một ngân hàng hàng đầu còn có nhiều chỉ số khác như tỷ suất sinh lời trên vốn, ROA, ROE… Hơn nữa, con số hiện nay của Vietcombank chưa được cộng hưởng bởi đối tượng được sáp nhập vào hệ thống.

Bình luận về những thương vụ sáp nhập ngân hàng của Việt Nam trong thời gian qua, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng việc sáp nhập một số ngân hàng đã diễn ra hay đã được lên kế hoạch thực hiện trong năm 2015 giúp giảm gánh nặng quản lý hành chính đối với Ngân hàng Nhà nước.

“Tuy nhiên, việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém giúp giải quyết các vấn đề trước mắt. Chính phủ vẫn cần có một chiến lược toàn diện cụ thể và rõ ràng để tái cơ cấu ngân hàng. Những kế hoạch này cần dựa trên kết quả thanh tra tại chỗ kỹ lưỡng, qua đó cho thấy mức độ nợ xấu thực sự và nhu cầu cấp vốn bổ sung của ngân hàng”, ông Sanjay bình luận.

Ông Sanjay đánh giá tốt về việc Ngân hàng Nhà nước mua lại 2 ngân hàng yếu kém. “Nhưng đây chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền”.

 Theo Bizlive