Hai “đại gia” Tây Hồ tham gia cuộc đua thâu tóm Vinamotor

Với mức giá khởi điểm "khủng" hơn 1.250 tỷ đồng, chỉ có hai ứng viên chấp nhận tham gia cuộc đua này là Cty TNHH Motor N.A Việt Nam và CTCP Phát triển TN. Những cái tên được nhắc tới trước đó như TMT, Sacom đều vắng bóng.
Hai “đại gia” Tây Hồ tham gia cuộc đua thâu tóm Vinamotor

Chỉ hai "tay chơi" tham gia cuộc đua nghìn tỷ

Sở GDCK Hà Nội vừa công bố danh sách nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia phiên đấu giá trọn lô 85,58 triệu cổ phiếu, chiếm 97,7% vốn của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor).

Theo đó, tổng cộng đã có hai nhà đầu tư bao gồm Cty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và CTCP Phát triển TN tham gia đấu giá. Đây là những nhà đầu tư đã được Hội đồng thẩm định năng lực xem xét và đánh giá. Số lượng nhà đầu tư lớn hơn một (01) đã giúp phiên đấu giá tránh tình trạng bị hủy.

Phiên đấu giá trọn lô cổ phần Vinamotor dự kiến được tổ chức vào ngày 11/1/2016. Giá khởi điểm một cổ phần là 14.612 đồng/cổ phần, tương đương mức khởi điểm trọn lô cổ phần là hơn 1.250,5 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp lỡ hẹn

Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã đánh tiêng tham gia mua trọn lô cổ phần Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận Tải nhưng lại không xuất hiện trong danh sách này. Cụ thể, đầu năm 2015, đã có 4 nhà đầu tư xin trở thành cổ đông chiến lược của Vinamotor bao gồm Vinamco, Thành Công Ninh Bình phải cạnh tranh với hai cái tên khác là Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (Sacom).

Trong một nghị quyết được đưa ra gần đây, HĐQT Sacom đã quyết định không tham gia đấu giá cổ phần Vinamotor. Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dây cáp điện và sau đó lấn sân sang mảng bất động sản, quyết định của Sacom mua toàn bộ cổ phần Vinamotor từ Bộ GTVT khiến giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi.

Ô tô TMT (mã TMT-HoSE) cũng bất ngờ rút lui. Doanh nghiệp này còn từng lên kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ việc mua lại cổ phần của Vinamotor. Giữa TMT và Vinamotor có quan hệ về mặt sở hữu khi DNNN này đang nắm giữ tới 21,85% vốn của TMT. Luật doanh nghiệp 2014 không cho phép công ty con góp vốn, mua cổ phần vào công ty mẹ (Khoản 2 Điều 189). Một kịch bản có thể xảy ra nếu TMT trở thành công ty mẹ nắm giữ 97,7% vốn Vinamotor đó là Vinamotor phải thoái vốn khỏi TMT để đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Chân dung hai "đại gia" Tây Hồ muốn mua lại 97,7% vốn Vinamotor

Vinamco là cái tên duy nhất còn sót lại trong danh sách bốn nhà đầu tư tiềm năng vào Vinamotor. Được biết, trong đơn gửi Bộ GTVT, bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Vinamco cho biết, DN này sẵn sàng đồng hành với Vinamotor với vai trò là cổ đông chiến lược trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ô tô và cơ khí công trình.

Theo công bố từ phía Vinamco, năng lực tài chính của doanh nghiệp này khá đáng nể với 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Vinamco hiện đang sở hữu một thương hiệu khá nổi tiếng trong giới buôn xe ô tô ở Hà Nội, đó là showroom Honda Ô tô Tây Hồ tại 197A - đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây cũng là trụ sở của Vinamco. M

CTCP Phát triển TN hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh trong đó bao gồm cả buôn bán và sản xuất các sản phẩm cơ khí, ô tô, xe máy... Công ty này có trụ sở tại số 33, đường Tây Hồ, Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Cả hai doanh nghiệp này đều mới chỉ thành lập cách đây khoảng 10 năm và đều có trụ sở tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Xét về thời gian hoạt động, hai ứng viên này đều tham gia vào cuộc đua nghìn tỷ thâu tóm 97,7% vốn tại Vinamotor một doanh nghiệp đã có lịch sử hoạt động 20 năm từ tay Bộ GTVT.

Theo NDH