Chân dung 4 “ứng viên” vào cuộc đua thâu tóm Vinamotor

 Ngay khi Bộ GTVT quyết định bán toàn bộ Vinamotor cổ phần nắm giữ tại Vinamotor, đã có tới 4 nhà đầu tư nộp hồ sơ muốn mua lại.
Chân dung 4 “ứng viên” vào cuộc đua thâu tóm Vinamotor

Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã tiến hành cổ phần hóa cách đây một năm. Tuy nhiên, vào đợt IPO diễn ra hồi tháng 3/2014, Vinamotor chỉ bán được gần 3% trên tổng số 51 triệu cổ phiếu chào bán với mức giá bình quân đúng bằng giá khởi điểm, 10.000 đồng/cổ phiếu và thu về vỏn vẹn 15,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến đầu năm nay, ngay khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định chuyển nhượng toàn bộ 97,7% cổ phần nắm giữ tại Vinamotor, tương ứng với 85 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư, có tới 4 ứng viên lớn "xếp hàng" đợi "tuyển".

Trong số các ứng viên, có tới 3 doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề với Vinamotor là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, CTCP Ô tô Thành Công Ninh Bình và CTCP Ô tô TMT và một ứng viên "ngoại đạo" là CTCP Đầu tư và phát triển Sacom.

4 ứng viên "mỗi người một vẻ"

Theo giấy đăng ký kinh doanh được Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cấp phép, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) hoạt động trong lĩnh vực buôn bán sửa chữa, lắp ráp, bảo dưỡng ôtô xe máy, kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhà hàng và may mặc.

Mặc dù không phải là một cái tên được nhiều người biết đến nhưng Vinamco cũng khiến nhiều người không khỏi "giật mình" khi có vốn điều lệ lên tới 2.000 tỷ đồng mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 10 năm.

Vinamco cũng là một trong những đại lý đầu tiên của công ty Honda tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu một thương hiệu khá nổi tiếng là showroom Honda Ô tô Tây Hồ, trụ sở tại 197A - đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trong công văn doanh nghiệp gửi Bộ trưởng Giao thông mới đây, Vinamco đã trình bày nguyện vọng được trở thành cổ đông chiến lược của Vinamotor nhưng chưa nói rõ số lượng cổ phần muốn mua.

Trong khi đó, CTCP Ô tô Thành Công Ninh Bình được giới thiệu là Đại lý chính thức của Hyundai Thành Công (HTC) - Nhà phân phối độc quyền sản phẩm xe ô tô Hyundai tại thị trường Việt Nam. Ô tô Thành Công Ninh Bình chuyên bán các dòng xe ô tô du lịch xe tải hạng nhẹ của Hyundai cùng các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng chính hiệu.

Trong khi hai ứng viên này khá kín tiếng tại Việt Nam thì CTCP Ô tô TMT lại là một gương mặt khá "thân quen" với giới đầu tư bởi doanh nghiệp này đã lên sàn từ hồi đầu năm 2010. 

Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các dòng xe tải mang thương hiệu Cửu Long, TMT còn có dự định tới đây sẽ thành lập thêm TMT BUS để chuyên sản xuất, lắp ráp xe chở người từ 10 chỗ trở lên.

Trong những năm gần đây, tình hình kinh doanh của công ty liên tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, kết thúc năm 2014, TMT đạt 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 14 lần so với khoản lãi của năm 2013. Mặc dù đã điều chỉnh tăng gấp 4 lần kế hoạch nhưng TMT vẫn hoàn thành gấp 2,8 lần kế hoạch sau điều chỉnh.

TMT có thế mạnh bởi đây chính là công ty con của Vinamotor, với việc Vinamotor nắm giữ 21,5% vốn điều lệ. Trong khi đó, Chủ tịch TMT Bùi Văn Hữu cũng từng là Phó tổng giám đốc Vinamotor nên có nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hoạt động, cơ cấu tổ chức của Vinamotor.

Mặc dù không kinh doanh cùng ngành nhưng CTCP Đầu tư và phát triển Sacom (SAM) lại là đối tác đầu tiên công khai kế hoạch mua Vinamotor. 

SAM hoạt động trong ngành thiết bị điện, điện tử, viễn thông, là một trong những doanh nghiệp lên sàn sớm nhất, từ tháng 7/2000. Tại thời điểm 31/3/2015, tổng tài sản của Sacom là gần 2.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 2.400 tỷ đồng.

Mạnh - yếu tùy thuộc vào...điều kiện của Bộ 

Trong báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT, Vinamotor đã trình phương án thoái vốn, trong đó phương thức thoái vốn theo hình thức trọn lô có điều kiện. 

Thứ nhất, vốn chủ sở hữu tại thời điểm đăng ký đấu giá trên 855 tỷ đồng (tương đương với số vốn mà Nhà nước định thoái).

Thứ hai, nhà đầu tư phải cam kết không chuyển nhượng trong thời gian 5 năm.

Thứ ba, nhà đầu tư phải cam kết chào mua công khai số cổ phần của các cổ đông khác tại Vinamotor trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trở thành cổ đông của Vinamotor.

Với điều kiện vốn chủ sở hữu nhà đầu tư lớn hơn 855 tỷ đồng, đương nhiên các nhà đầu tư nhỏ sẽ khó có cơ hội mua. Tại thời điểm ngày 31/3/2015, vốn chủ sở hữu của TMT là 362 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 40% so với con số mà Bộ đưa ra. Đây sẽ là một cản trở rất lớn trên con đường thâu tóm Vinamotor của TMT. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Thành Công Ninh Bình mặc dù chưa được công bố nhưng được cho là khá khiêm tốn.

SAM và Vinamco có lợi thế hơn khi hai doanh nghiệp này đều có số vốn chủ sở hữu khá an toàn là hơn 2.400 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu như hai đối tác còn lại không kịp tăng vốn chủ sở hữu, có nhiều khả năng cuộc chơi sẽ chỉ còn lại hai ứng viên này.

Theo Bizlive