Theo đó, nhà đầu tư muốn tham gia đợt đấu giá này sẽ phải mua toàn bộ 85,58 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.612 đồng/cổ phần, tương ứng giá khởi điểm của cả lô là hơn 1.250 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư có nhu cầu mua trọn lô cổ phần trên gửi hồ sơ đăng ký trước ngày 11/1/2016 tại HNX. Được biết, mục đích của việc thoái vốn Nhà nước lần này là đem về khoản lớn cho Ngân sách để đầu tư vào các dự án quan trọng.
Danh sách các nhà đầu tư đáp ứng điều kiện sẽ được công bố vào ngày 4/1 và phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2016.
Vinamotor đã tiến hành cổ phần hóa cách đây một năm. Tuy nhiên, vào đợt IPO diễn ra hồi tháng 3/2014, Vinamotor chỉ bán được gần 3% trên tổng số 51 triệu cổ phiếu chào bán với mức giá bình quân đúng bằng giá khởi điểm, 10.000 đồng/cổ phiếu và thu về vỏn vẹn 15,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến đầu năm nay, ngay khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định chuyển nhượng toàn bộ 97,7% cổ phần nắm giữ tại Vinamotor, tương ứng với 85 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư, có tới 4 ứng viên lớn "xếp hàng" đợi "tuyển".
Trong số các ứng viên, có tới 3 doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề với Vinamotor là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, CTCP Ô tô Thành Công Ninh Bình và CTCP Ô tô TMT và một ứng viên "ngoại đạo" là CTCP Đầu tư và phát triển Sacom.
Trong báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT, Vinamotor đã trình phương án thoái vốn, trong đó phương thức thoái vốn theo hình thức trọn lô có điều kiện.
Thứ nhất, vốn chủ sở hữu tại thời điểm đăng ký đấu giá trên 855 tỷ đồng (tương đương với số vốn mà Nhà nước định thoái).
Thứ hai, nhà đầu tư phải cam kết không chuyển nhượng trong thời gian 5 năm.
Thứ ba, nhà đầu tư phải cam kết chào mua công khai số cổ phần của các cổ đông khác tại Vinamotor trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trở thành cổ đông của Vinamotor.
Theo Bizlive