Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, chứng khoán sẽ có sóng?

Các đây 10 năm, khi Tổng thống Bush thăm Việt Nam, VN-Index đã liên tục lập kỷ lục và 1 năm sau đã vượt được mức 1.000 điểm. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama cũng sẽ giúp chứng khoán Việt Nam tạo sóng. Kỳ vọng này liệu có cơ sở?
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, chứng khoán sẽ có sóng?

Thị trường đã có tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ khá tích cực và VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng cản tâm lý mạnh 600 điểm, đặc biệt là phiên cuối tuần, thị trường đã tăng khá ấn tượng. Trong tuần mới, một số dự đoán áp lực chốt lời sẽ gia tăng, nhưng số khác cho rằng, hị trường sẽ tạo đà để bứt phá lên các mốc cao mới và VN-Index sẽ chinh phục mốc đỉnh của năm 2014. Quan điểm của các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Áp lực chốt lời luôn luôn có, nhưng tôi thấy rằng, đà tăng VN-Index đang rất mạnh vì dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm bluechip. Trong những phiên sau lễ, dù VN-Index tăng, nhưng số mã giảm áp đảo mã tăng, HNX-Index đều điều chỉnh giảm trong những phiên VN-Index tăng.

Bởi thế, nhiều nhà đầu tư nắm giữ các mã khác ngoài nhóm bluechips lớn sẽ khó có lời, nên họ cũng chẳng thể chốt được, chốt lời chủ yếu tập trung các mã lớn, nhưng các mã này vốn là các dòng tiền dài hạn nắm giữ, nên sẽ khó có thể chốt lời trên diện rộng. Theo tôi, xu hướng thị trường sẽ tiến lên vùng kháng cự mạnh mạnh 630-645.

Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS

VN-Index đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp với tổng mức tăng đến gần 15 điểm và chính thức vượt vùng kháng cự mạnh 600-605, lên mức cao nhất trong gần 6 tháng.

Thanh khoản của thị trường cũng được duy trì ở mức cao cho thấy đà tăng và dòng tiền vào thị trường khá ổn định. Lực cầu của khối ngoại có dấu ấn mạnh mẽ trong đợt tăng này khi mà khối ngoại đã mua ròng khá đều đặn trong suốt 3 tuần qua và góp phần giúp ổn định tâm lý trên thị trường.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, chứng khoán sẽ có sóng? ảnh 1

Bà Lê Nguyệt Ánh 

Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index trong vài phiên gần đây chủ yếu là do áp lực mua vào ở một vài nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng trong khi số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn số cổ phiếu tăng giá.

Áp lực bán ra vẫn đều đặn xuất hiện vào cuối phiên cho thấy áp lực chốt lời vẫn khá lớn. Ngoài ra, tâm lý "bán tháng 5" cũng sẽ ảnh hưởng khá lớn tới thị trường trong giai đoạn tới.

Về dài hạn, triển vọng thị trường vẫn tích cực với triển vọng tăng trưởng kinh tế khá lên trong quý 2, lãi suất ổn định và lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện. Dù vậy, VN-Index có thể cần thêm thời gian để vượt đỉnh 640 của năm 2015.  

Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Vẫn còn sớm để khẳng định chỉ số VN-Index sẽ chinh phục mức đỉnh năm 2014 khi thị trường đang phải đối mặt ngưỡng kháng cự gần nhất là mức 610 của chỉ số VN-Index.

Tôi đánh giá đây cũng là ngưỡng kháng cự mạnh. Ngoài ra, thị trường còn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ bên ngoài như TTCK thế giới đang bước vào chu kỳ điều chỉnh của tháng 5 và thị trường vẫn còn thiếu các thông tin hỗ trợ mạnh.

Bên cạnh đó, dòng tiền chưa phân bổ đều toàn thị trường mà chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu Largecaps, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.

Đúng như dự báo của một số chuyên gia tuần trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sức hút mạnh trong tuần qua, giúp VN-Index chính thức vượt qua mốc 600 điểm. Liệu nhóm cổ phiếu này có duy trì được đà tăng trong tuần tới, theo các ông/bà? Ngoài nhóm ngân hàng, các ông/bà còn có lưu ý thêm nhóm cổ phiếu đáng chú ý nào nữa?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Thật ra chỉ có VCB là cổ phiếu ngân hàng tăng điểm mạnh nhất, còn lại các mã khác đều đứng giá hoặc tăng rất nhẹ không đáng kể. Tuy nhiên, VCB có mức ảnh hưởng mạnh vào VN-Index (chỉ thua VNM), nên giúp tác động tích cực đến thị trường chung.

Bên cạnh đó, các bluechips lớn khác như VNM, BVH, VIC, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngành thép nổi sóng hay nhóm penny như khoáng sản tăng điểm lại.

Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS

Nhóm ngân hàng trong tuần qua được khối ngoại mua vào với khối lượng lớn và thúc đẩy VN-Index tăng điểm ấn tượng. Đợt tăng này của cổ phiếu ngân hàng làm nhà đầu tư nhớ tới sóng ngân hàng 2015 cũng bắt đầu bằng lực mua với khối lượng lớn của khối ngoại đã khiến các cổ phiếu ngân hàng tăng trên 100%.

Tuy nhiên, nợ xấu, chất lượng tài sản, áp lực tăng vốn và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận thấp vẫn là lực cản chính của cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới.

VCB được cho là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất và có tốc độ tăng lợi nhuận khá nhất trong năm 2016, thì đã có mức giá khá cao ngay cả so với cổ phiếu ngân hàng trong khu vực. Với lực cầu hiện tại, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ duy trì đà tăng tích cực torng tuần tới. Tuy nhiên, để VN-Index vượt lên vùng đỉnh mới, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VNM, VIC, GAS cũng cần tham gia đà tăng mới.

Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính đà tăng của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu đang phải đối mặt với các ngưỡng kháng cự gần nhất, đặc biệt là cổ phiếu dẫn dắt VCB đang tiến về gần mức đỉnh cũ 49.3 trong tháng 11/2015. Do đó, quan điểm của tôi, là nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ điều chỉnh trong tuần giao dịch tới và sẽ ảnh hưởng lên xu hướng của thị trường chung.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, chứng khoán sẽ có sóng? ảnh 2

 Ông Nguyễn Thế Minh

Nhóm cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền trong thời điểm hiện tại có thể là nhóm ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, với đà tăng mạnh của thị trường trong thời gian qua thì cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ nhóm cổ phiếu này cũng sẽ rất khó khăn.

Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam ngay trong tháng 5 này sẽ tác động như thế nào đến TTCK trong thời gian tới, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng

Sự kiện này đã được nhiều nhà đầu tư bàn luận và phần nào tác động đến giá thời gian gần đây. Họ cũng kỳ vọng kỳ tích sẽ lập lại như năm 2006 khi Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush thăm Việt Nam và thăm Sở GDCK TP. HCM, đã giúp thị trường liên tục lập kỷ lục và 1 năm sau đã vượt được mức 1.000 điểm.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam, chứng khoán sẽ có sóng? ảnh 3

Ông Phan Dũng Khánh 

Dù khó có thể kỳ vọng thị trường có thể đạt được đến tầm cao như vậy do 2 thời điểm cách nhau 10 năm, đã có quá nhiều sự khác biệt như quy mô thị trường, vốn hóa, số lượng doanh nghiệp niêm yết..., nhưng vẫn là một yếu tố tích cực không thể bỏ qua.

Nếu các thông tin vĩ mô khác cũng ủng hộ theo tôi thị trường có thể vượt được mốc 650 điểm trong thời gian sắp tới, mà trong suốt 16 năm lịch sử của chứng khoán Việt Nam, chỉ có duy nhất 1 lần năm 2006 là vượt qua được.

Bà Lê Nguyệt Ánh, CFA, Giám đốc Phân tích CTCK ACBS

Việc Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam sẽ gây tác động tích cực cho thị trường do các cơ quan quản lý thường sẽ giới thiệu các chính sách tích cực, mở cửa trong quan hệ hai nước. Ngoài ra, các dự án thường được ký kết trong các chuyến thăm chính thức, cũng có tác động tích cực đến thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh, phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK Bản Việt (VCSC)

Sự kiện này sẽ tác động tích cực và nhiều đối tác Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, cho nên tâm lý nhà đầu tư sẽ có chiều hướng tích cực, nhưng tôi đánh giá sự tích cực có thể phải đến vào đầu tháng 6 và nhà đầu tư sẽ chưa hành động ngay trong tháng 5 này.

Theo ĐTCK