Giới hạn số tiền cho vay đối với các công ty tài chính tiêu dùng

VietTimes -- Kể từ 15/3/2017, công ty tài chính tiêu dung không được cho một khách hàng vay quá 100 triệu đồng (tổng dư nợ).
Cho vay tiêu dùng đang rất cần hành lang pháp lý rõ ràng
Cho vay tiêu dùng đang rất cần hành lang pháp lý rõ ràng

Theo thông tư 43/2016/TT-NHNN vừa ban hành, kể từ 15/3/2017, một khách hàng không được vay tại một công ty tài chính tiêu dùng vượt quá 100 triệu đồng (tổng dư nợ). Tuy nhiên, mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với hình thức cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô làm tài sản đảm bảo cho chính khoản vay đó.

NHNN yêu cầu các công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và phải gửi cho NHNN để cơ quan này giám sát.

Bên cạnh đó, trên hợp đồng cho vay tiêu dùng, công ty tài chính tiêu dùng phải nêu rõ mục đích vốn vay, thời hạn trả nợ, phương thức cho vay, lãi suất, quy định về việc trả nợ trước hạn cũng như các biện pháp nhắc và thu hồi nợ, chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp KH không trả đúng hạn.

Đồng thời, các công ty tài chính tiêu dùng phải cung cấp cho KH dự thảo hợp đồng cho vay để KH xem xét trước khi ký, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ trung thực các nội dung cụ thể của hợp đồng khi có yêu cầu của KH. Công khai, niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng trên website  và trụ sở của công ty.

Trước đó, Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, cơ quan này nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của người dân về việc một số công ty tài chính tiêu dùng khi tư vấn thường đưa ra mức lãi suất hấp dẫn (2-3%/tháng). Thủ tục cho vay nhanh gọn, người dân có thể ký hợp đồng vay ngay. Nhưng khi ký hợp đồng hcinsh thức, người vay mới giật mình với lãi suất “cắt cổ” lên đến 60-80%/năm, thậm chí là 84%/năm. Tuy nhiên, những mức lãi suất này được thể hiện “khéo léo” bằng những thuật ngữ chuyên môn khiến người dân có những hiểu lầm dẫn đến những tranh chấp, phát sinh không đáng có. Nhiều vụ tranh chấp pháp sinh dẫn đến những phiền toái khi nhân viên tài chính tiêu dùng vào tận nhà đe dọa, gọi điện giữa đêm, hăm dọa… Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân những sự việc đáng tiếc nêu trên là do chưa có hành lang pháp lý đối với cho vay tiêu dùng. Với thông tư 43/2016/TT-NHNN vừa ban hành, hy vọng với những quy định cụ thể, cùng với sự giám sát của NHNN sẽ giải quyết triệt để những tồn tại nêu trên và thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển.