Giá vàng lên đỉnh cao, bất ngờ lợi nhuận của 'ông lớn' DOJI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

DOJI nơi ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch Hội đồng sáng lập là một trong số các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2023, doanh nghiệp này tiếp tục lãi hàng trăm tỷ đồng.

Giá vàng lên đỉnh cao, bất ngờ lợi nhuận của 'ông lớn' DOJI

CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI của nhà đại gia Đỗ Minh Phú vừa công bố thông tin tình hình kinh doanh trong năm 2023 tới các trái chủ. Theo đó, DOJI ghi nhận mức lãi sau thuế đạt hơn 491 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/ngày.

Mức lãi trong năm 2023 của DOJI giảm khoảng 50% so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm 2022, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với năm 2021.

DOJI ghi nhận lợi nhuận ở mức cao trong 2 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường trái phiếu tê liệt, bất động sản trầm lắng, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm nhanh. Vàng là lựa chọn của nhiều người.

Lợi nhuận giảm nhưng cũng giúp DOJI ghi nhận vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2023 tăng gần 400 tỷ đồng so với cuối năm 2022, lên hơn 6.745 tỷ đồng. Nhưng tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng vọt so với cuối năm 2022, lên hơn 15.850 tỷ đồng.

1.jpg
Kết quả kinh doanh của DOJI trong năm 2023.

Tới cuối năm 2023, DOJI đã trả hết nợ trái phiếu. Giai đoạn 2020-2021, ông lớn ngàng vàng từng phát hành nhiều lô trái phiếu trị giá vài nghìn tỷ đồng với lãi suất quanh ngưỡng 9-10%/năm. Trong đó, có nhiều lô đáo hạn năm 2026. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu đổ vỡ sau sự kiện Tân Hoàng Minh khiến nhiều chủ doanh nghiệp xoay vốn mua lại trái phiếu trước hạn.

Trên thị trường vàng Việt Nam, không có nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh vàng. Số ít có thể kể đến như SJC, Bảo Tín, PNJ và DOJI. Còn lại đều là các thương hiệu vàng không mấy tên tuổi ở các địa phương và không có hệ thống cửa hàng lớn như các doanh nghiệp kể trên.

Ngoài SJC có vốn Nhà nước, 3 doanh nghiệp còn lại là tư nhân. PNJ và DOJI là các doanh nghiệp phát triển sau nhưng có hệ thống cửa hàng phát triển rất nhanh.

DOJI có doanh thu lớn nhưng so với doanh nghiệp cùng ngành là đại gia bán lẻ vàng bạc trang sức - CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thì lợi nhuận của DOJI khá khiêm tốn. Trong năm 2023, PNJ ghi nhận lợi nhuận 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm trước đó.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, PNJ đạt 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận của PNJ vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng từ năm 2019 và duy trì từ đó cho tới nay.

Với DOJI, một điều khá bất ngờ là, lợi nhuận doanh nghiệp này suy giảm trong năm 2023 khi giá vàng tăng mạnh. Trong năm 2023, giá vàng tăng khoảng 10 triệu và đạt mức trên 76 triệu đồng/lượng vào cuối năm. Thị trường vàng cũng sôi động trong tháng cuối năm.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường ghi nhận lợi nhuận tăng trong bối cảnh giá vàng tăng, giá biến động mạnh và thị trường sôi động. Các doanh nghiệp vàng hưởng lợi từ chênh lệch giá mua - bán, được kéo giãn rộng ra (lên tới 2-3 triệu đồng/lượng thời điểm sốt nóng) và doanh thu tăng.

Kết quả kinh doanh của PNJ trong nửa cuối năm 2023 và những tháng đầu 2024 cho thấy điều này.

PNJ là một doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán và có nhiều cổ đông nước ngoài. DOJI là doanh nghiệp tư nhân, của gia đình nhà ông Đỗ Minh Phú.

Ông Đỗ Minh Phú đã giao đế chế vàng cho con và chuyển qua mảng ngân hàng, làm Chủ tịch Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).

Hiện ông Đỗ Minh Đức là Phó Chủ tịch thường trực, còn bà Đỗ Vũ Phương Anh là Tổng giám đốc DOJI. Cả hai đều là con của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập DOJI. Hồi tháng 10/2023, bà Đỗ Vũ Phương Anh - con cả ông Đỗ Minh Phú - được bầu làm Tổng giám đốc DOJI.

1.jpg
Giá vàng tăng vọt và chênh lệch với giá thế giới rất lớn có thể đem lại lợi nhuận khủng cho các đại gia kinh doanh vàng. Ảnh: Minh Hiền

Tập đoàn DOJI có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán trên cả nước.

Theo DOJI, tại tập đoàn này, tính đến đầu tháng 3/2022, bà Đỗ Vũ Phương Anh là một trong 3 cổ đông góp vốn cùng với bố và em trai Đỗ Minh Đức. Trong đó, ông Đỗ Minh Phú sở hữu 70% vốn, 30% còn lại được chia đều cho Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức.

Với vốn chủ sở hữu của tập đoàn tính đến cuối năm 2023 ở mức 6.745 tỷ đồng, khối tài sản của bà Phương Anh và em trai Đỗ Minh Đức tại DOJI nếu với tỷ lệ trên thì có giá trị 1.012 tỷ đồng mỗi người.

Ngoài DOJI, Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức cũng là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất tại Ngân hàng TPBank khi sở hữu gần 24,5 triệu cổ phần mỗi người, tương đương 1,11% vốn điều lệ/người.

Gia đình ông Đỗ Minh Phú được Forbes xếp hạng nằm trong danh sách 20 gia tộc kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.