Nguồn cung mới và biến động giá tại thị trường miền Bắc
|
Trích dẫn số liệu từ CBRE, báo cáo cập nhật ngành bất động sản Quý 2/2020 của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, tổng cung tại thị trường Hà Nội trong Quý 2 đạt 5.569 căn, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, SSI cho rằng, kết quả này tốt hơn nhiều so với thị trường trong Quý 1, bởi thị trường Quý 2 tăng 240% so với trong Quý 1, đến từ 11 dự án mới được phân bổ đều ở các quận xung quanh thành phố. Hầu hết trong số đó là các dự án trung cấp, chiếm gần 90% tổng số dự án mới mở bán.
Giá bán trung bình tại Hà Nội gần như không thay đổi khi chỉ tăng 1% so với Quý 1, duy trì mức giá trước dịch bệnh Covid-19. Số lượng căn đã bán trong Quý 2 đạt 5.100 căn, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 137% so với Quý 1.
Nguồn cung mới và biến động giá tại thị trường miền Nam
|
Mặt khác, SSI cho biết, theo CBRE, tổng nguồn cung mới trong Quý 2/2020 tại thị trường miền Nam chỉ đạt 1.644 căn, con số thấp nhất trong 5 năm. Đã có 7 dự án mới mở bán, chủ yếu tập trung vào quận 2, 9, Thủ Đức và Nhà Bè.
Phân khúc trung cấp chiếm 55%, trong khi phân khúc cao cấp là 35% và phần còn lại dành cho phân khúc hạng sang. Với nguồn cung thấp như vậy, giá bán trung bình của tất cả các phân khúc tiếp tục tăng, cao hơn nhiều so với thị trường Hà Nội.
Cụ thể, theo SSI, tại thị trường miền Nam, giá bán phân khúc hạng sang là 6.300 USD/m2, phân khúc cao cấp là 2.564 USD/m2, phân khúc trung cấp là 1.479 USD/m2 lần lượt tăng 5%, 4%, 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
SSI cho biết, hiện nay, giá bán trung bình cho nhà chung cư và các bất động sản khác tại TP. Hồ Chí Minh hiện cao hơn 15-30% so với Hà Nội. SSI dự kiến mức chênh lệch này vẫn sẽ được duy trì trong thời gian sắp tới.
Nguồn cung hạn chế gây khó khăn cho người mua nhà
SSI nhận định, nguyên nhân thị trường kém là do cả người mua để ở và đầu cơ đều đang theo dõi thị trường, nhưng không vội vã tham gia vào các giao dịch mua bán. Điều này bắt nguồn từ thực tế, mức giá hiện tại cho phân khúc trung cấp đã tăng lên khoảng giá mới, làm giảm số lượng người mua nhà.
Đặc biệt, trong bối cảnh sau Covid-19, giá cho thuê cũng giảm đáng kể khiến một số hộ gia đình trì hoãn quyết định mua nhà mới, thay vào đó chọn tiếp tục thuê, trong khi các nhà đầu tư mua để cho thuê nhận thấy lợi suất cho thuê kém hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, tương tự như người mua nhà, các chủ đầu tư trong thị trường sơ cấp cũng rất thận trọng. So với các quý trước, số lượng căn tung ra thị trường giảm.
Do đó, các chủ đầu tư đang cố gắng duy trì phạm vi giá cao trong năm 2018-2019 bằng cách chủ động hạ nguồn cung mới cho thị trường, nhằm kiểm soát nhu cầu và tăng áp lực mua của các căn hiện có trên thị trường.
Hiện nay, một số chủ đầu tư vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức về việc có thể tiếp tục thực hiện dự án hay bị đình chỉ, chẳng hạn như dự án Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai đang có nguy cơ bị thu hồi.
Trong khi đó, chính quyền địa phương tiếp tục quản lý nghiêm ngặt thị trường bằng cách giới hạn số lượng cấp phép cho các dự án mới và tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối với chủ đầu tư.
SSI cho rằng, thị trường chung với nguồn cung hạn chế sẽ không đổi trong giai đoạn 2020-2021, gây ra nhiều khó khăn hơn cho người mua nhà để ở./.