Muốn cứu bất động sản, phải chữa “bệnh nền”

VietTimes – Các doanh nhân của CLB Doanh nhân Sao Đỏ tỏ ra lạc quan với triển vọng của thị trường bất động sản hậu Covid-19 dù nhiều “bệnh nền” vẫn còn tồn tại.
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: P.D)
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: P.D)

Buổi tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” dự kiến được tổ chức vào lúc 3h chiều ngày hôm nay (6/6), song đã bắt đầu trễ hơn khoảng 30 phút, dù khán phòng đã chật kín khách mời.

Sự kiện chỉ được bắt đầu khi có sự xuất hiện của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) với mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo, sau khi thăm quan một vòng quần thể FLC Sầm Sơn.

Đây cũng là lần đầu tiên ông Đỗ Anh Dũng, người được trao danh hiệu Doanh nhân Sao Đỏ năm 2003, đi dự hội nghị bất động sản.

“Thời điểm vàng để mua nhà”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Văn Quyết tỏ ra lạc quan về thị trường bất động sản, không có lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan. Vị Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết từng nhiều lần thể hiện quan điểm bản thân luôn lạc quan về thị trường bất động sản, đặc biệt là sau khi chèo lái tập đoàn vượt qua những đợt khủng hoảng năm 2008, 2013 với những kết quả tích cực.

“Đây là thời điểm vàng để những người có tích lũy nhỏ, cho đến nhà đầu tư lớn, mua bất động sản” - ông Quyết nói và cho biết đây là thời điểm nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro, tránh việc khi xuống tiền mua đã quá muộn.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm của ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh) thì thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

"Hà Nội có trên dưới 1.000 cao ốc, là rất nhỏ so với Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore với hàng trăm nghìn tòa nhà" - ông Dũng cho biết. Bên cạnh đó, giá căn hộ tại Việt Nam có mức trung bình khoảng 1.000 USD/m2, là rất rẻ nếu so với mức 15.000 USD/m2 của Singapore, trong khi chi phí cấu thành, chất lượng chênh nhau rất ít.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: P.D)
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: P.D)

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Hải (Chủ tịch Tập đoàn Alphanam), thị trường bất động sản sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, nhưng phải đợi đến năm 2023 do những vấn đề cải cách pháp lý - một trong những “bệnh nền” mà doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt.

Theo ông Hải, dịch Covid-19 đã để lại cho nền kinh tế nhiều bài học, làm lộ rõ những vấn đề nội tại. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản cần chữa sớm “bệnh nền” như cách chữa bệnh nền cho người nhiễm Covid-19.

“Chúng tôi thấy rằng cần phải đi “chữa các bệnh nền” khi làm bất động sản. Một là pháp lý. Thứ hai là tập trung vào các nhu cầu “thiết yếu” của khách hàng. Lúc này là cơ hội để chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ sắp tới” - ông Hải cho biết.

Riêng với Alphanam, theo lời chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Hải, “bệnh nền” của tập đoàn không nhiều và dễ chữa. Tuy nhiên, những trường hợp như Alphanam chỉ là thiều số, thị trường chung sẽ ảm đạm và khó khăn. Thị trường bất động sản mà khó khăn, thì các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của tập đoàn cũng gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam (Ảnh: P.D)
Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam (Ảnh: P.D)

Vấn đề pháp lý cũng là một trong những chủ đề được nhiều thành viên CLB Doanh nhân Sao Đỏ đề cập trong suốt buổi tọa đàm. Theo ông Trịnh Văn Quyết, khoảng 2 năm trở lại đây, tính pháp lý đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của một dự án bất động sản.

Nếu trước đây, FLC mất 11 tháng vừa hoàn thiện pháp lý vừa thực hiện thi công thì bây giờ không cho làm như vậy mà phải mất ít nhất 3 năm hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý thì mới có thể thi công.

“Pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ" - ông Quyết đánh giá.

10 năm va đập, thay đổi nhận thức về bất động sản

Tại sự kiện, TS. Võ Trí Thành cho biết lĩnh vực bất động sản là nơi trong 10 năm qua có sự va đập về nhận thức lớn nhất. Đây cũng là thị trường xảy ra sự va đập rất lớn giữa các dòng vốn.

Hoạt động điều hành chính sách vì thế cũng không hề đơn giản. Chính phủ phải cân đối, làm sao vừa phát triển bất động sản những cũng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

“Sợ nhất là thị trường bất động sản đóng băng, nhưng chúng ta cũng không được để xảy ra bong bóng” - ông Thành chia sẻ.

Sự kiện cũng là nơi các vị doanh nhân tham dự chia sẻ lại quá trình 10 năm phát triển của thị trường bất động sản, từ năm 2010 - đến năm 2020 với nhiều thăng trầm.

Ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) nhớ lại, trước đây, bất động sản bị cho là phi hàng hóa, không đưa vào danh mục ưu tiên phát triển, bị coi như đứa “con nuôi” của nền kinh tế.

Có những chính sách 20 năm chưa thay đổi, không phù hợp với thị trường. Ông Dũng lấy dẫn chứng, có khu đất của Tân Hoàng Minh mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa thể xây dựng vì những vướng mắc pháp lý.

Tọa đàm thu hút được sự quan tâm lớn (Ảnh: P.D)
Tọa đàm thu hút được sự quan tâm lớn (Ảnh: P.D)

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết mình nhận giải thưởng Sao Đỏ vào năm 1999, khi đó tập đoàn chỉ tập trung và sản xuất, nhà thầu, vất liệu xây dựng thay thế cho hàng nhập khẩu.

“Năm 2001, tôi bắt đầu suy nghĩ chuyển đổi đến đầu tư tài chính, dẫn đến việc mua được nhiều doanh nghiệp có nhiều đất cát với phương châm chỉ mua cái gì thấy được, sờ được. Khi đó, thị trường bất động sản chưa bùng nổ. Lúc đó, chúng tôi đi rất nhiều tỉnh thành, mua được rất nhiều đất chỉ với giá 1-2 triêu/m2 (nay khoảng 100 - 200 triệu/m2)” - ông Hải nói.

Theo vị doanh nhân này, năm 2013, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn lịch sử. Riêng Alphanam có lúc 2 tháng bán hết 1 dự án bất động sản. Thị trường cũng dần hình thành các nhà phát triển bất đống sản chuyên nghiệp hơn.

“Đến bây giờ, Alphanam có một chút vị thế trong bất động sản, coi lĩnh vực này là chủ lực dù vẫn có nhiều nhà máy sản xuất. Doanh nghiệp đang tập trung vào bất động sản du lịch, với 16 khách sạn đồng loạt triển khai” - ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Hồng (Tổng Giám đốc Eurowindow) thị trường bất động sản 10 năm qua được chia làm 2 giai đoạn chính.

Trong đó, giai đoạn 2010-2013 là giai đoạn về đáy của bất động sản, do là thị trường còn mới và ảnh hưởng của khủng hoảng. Bước sang giai đoạn 2014 - 2020, khi Nhà nước có những chính sách giải cứu, thị trường dần phục hồi.

“Đây là giai đoạn khởi sắc của ngành bất động sản với những công ty chuyên nghiệp từ góc độ tổ chức đến sản phẩm” - ông Nguyễn Cảnh Hồng đánh giá.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Quyết, thị trường bất động sản chỉ thực sự sôi động 6 năm trở lại đây. Giai đoạn từ giữa 2010 đến cuối 2013, thị trường này rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, vô cùng khó khăn dù Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách để giải cứu.

“Đến cuối năm 2013, tôi đã nghĩ các nhà phát triển bất động sản đã ngủ đông, ngủ không biết bao giờ dậy. Lúc đó, tôi mới vào bất động sản (năm 2007), may mắn những năm đó chúng tôi đứng ngoài cuộc. Đất vàng cho (bắt xây) cũng không ai dám nhận. Tới năm 2014, thị trường bất động sản khởi sắc. Trong 6 năm gần đây, thị trường phát triển với tốc độ chưa bao giờ thấy, đến độ rực rỡ” - ông Quyết nói.

Đáng chú ý, vị Chủ tịch FLC chia sẻ sẽ “sống chết theo đuổi lĩnh vực bất động sản tới năm 2050”./.