Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn từ năm 2011 – 2023.
Với kết quả này, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 – 2023.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07% (đóng góp 9,28%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13% (đóng góp 11,87%); khu vực dịch vụ tăng 6,33% (đóng góp 78,85%).
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%; ngành khai khoáng giảm 1,43%; ngành xây dựng tăng 4,74%.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 0,67% so với tháng 12/2022 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.
Tính đến ngày 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26%; tăng trưởng tín dụng đạt 3,13%.
Trên thị trường cổ phiếu, tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.118 tỉ đồng/phiên, giảm 35,7% so với bình quân năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 5.596 tỉ đồng/phiên, giảm 27,2%./.