Gây chiến Gấu Nga, Mỹ-NATO chớ mong “cửa thắng”

VietTimes -- Chuyên gia phân tích về quân sự và chiến lược TheSaker đưa ra nhận định cả Nga và Mỹ đều sẽ không thành công nếu có một cuộc leo thang xảy ra giữa hai bên. Hai nước sẽ không bao giờ tấn công nhau nếu không có một sự kiện đột ngột xảy ra. Và nếu cuộc chiến xảy ra ở biên giới Nga thì Nga sẽ nắm hoàn toàn lợi thế, theo RI.

Trước đây, TheSaker từng viết: "trong mọi kịch bản có thể tưởng tượng ra thì Nga có tiềm lực để hoàn toàn hủy diệt nước Mỹ trong 30 phút và Mỹ cũng có thể làm vậy với Nga. Những người lên kế hoạch chiến tranh của Mỹ đều cần phải cân nhắc khả năng leo thang của bất cứ hành động quân sự nào chống lại nước Nga".

Nhưng vẫn còn có một câu hỏi bỏ ngỏ là: Liệu Nga có thể thách thức Mỹ trong trường hợp cả hai bên đều không sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm cả những vũ khí chiến thuật. Nếu hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân thì cán cân quyền lực giữa Nga và Mỹ sẽ như thế nào?

Tại sao số lượng hoàn toàn không có ý nghĩa?

Câu trả lời điển hình cho câu hỏi trên dựa vào điều mà các nhà hoạch định chiến tranh gọi là "đếm hạt". Các nhà báo thường sử dụng những nguồn tin từ IISS Militaty Balance hay Global Firepower và thống kê số lượng binh sĩ, xe tăng, các phương tiện vận chuyển thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh, máy bay, pháo, bom, tên lửa, tàu trên mặt nước, tàu ngầm... của mỗi bên thể hiện trên một biểu đồ.

Bảng xếp hạng lực lượng quân đội các nước năm 2018 của Global Firepower.
 Bảng xếp hạng lực lượng quân đội các nước năm 2018 của Global Firepower.

Nhưng thực tế là việc "đếm hạt" trên hoàn toàn không có ý nghĩa. Hãy thử lấy một ví dụ: nếu có chiến tranh xảy ra giữa Nga và Trung Quốc thì có một thực tế là Trung Quốc có tới 1.000 chiếc xe tăng ở Vân Nam nhưng điều này không tạo nên khác biệt trên chiến trường, đơn giản là vì chúng ở khoảng cách quá xa. Khi chúng ta áp dụng điều này để dự đoán cán cân quân sự thông thường (phi hạt nhân) giữa Nga và Mỹ, cần phải đặt ra hai câu hỏi cơ bản sau:

a. Thành phần nào trong đội quân toàn cầu của Mỹ có thể ngay lập tức để cho các chỉ huy Mỹ sử dụng trong trường hợp có chiến tranh với Nga?

b. Lực lượng này sẽ có bao nhiêu quân tiếp viện và thời gian đội quân này có thể tiếp cận chiến trường?

Cũng cần phải lưu ý rằng xe tăng, bom, pháo và những người lính không chiến đấu một cách riêng rẽ, họ chiến đấu cùng nhau trong một đội ngũ gọi là "quân liên hợp" trên chiến trường. Vì thế nếu Mỹ có thể gửi số lượng lính X tới một địa điểm A mà số lính này không có thành phần quân liên hợp khác hỗ trợ thì họ có thể biến thành những mục tiêu dễ dàng.

Lực lượng NATO tập trận sát biên giới Nga.
 Lực lượng NATO tập trận sát biên giới Nga.

Hơn nữa, bất cứ lực lượng chiến đấu này cũng cần tới một lượng hậu cần lớn. Có thể đưa máy bay X tới địa điểm A nhưng nếu tên lửa, các thiết bị bảo dưỡng và các chuyên gia không có mặt tại đó để hỗ trợ thì máy bay hoàn toàn vô dụng. Những lực lượng thiết giáp phải dùng một lượng lớn xăng, dầu và dầu nhớt. Theo một đánh giá, năm 1991 một sư đoàn thiết giáp của Mỹ chỉ duy trì hoạt động được trong 5 ngày, sau đó cần tái cung cấp nhiên liệu với số lượng lớn.

Cuối cùng, mỗi lực lượng mà Mỹ chuyển từ điểm A sang điểm B có thể không hoạt động được bình thường như tại điểm A. Ví dụ điểm A là Trung Đông hay Viễn Đông thì đó sẽ là một quyết định khó khăn cho những chỉ huy quân đội Mỹ.

Chiến tranh "hạng nặng"

Chúng ta có một ví dụ điển hình về cách Mỹ tiến hành chiến tranh. Đó là Chiến dịch Lá chắn Sa mạc. Trong chiến dịch lớn này, Mỹ đã mất 6 tháng và những nỗ lực về hậu cần chưa từng thấy để có lực lượng cần thiết tấn công Iraq.

Máy bay F-15E của Mỹ trong chiến dịch Lá chắn sa mạc.
 Máy bay F-15E của Mỹ trong chiến dịch Lá chắn sa mạc.

Hơn nữa, Ả rập Xê-út đã chuẩn bị hàng thập kỷ để có một lực lượng lớn như vậy (để chiều theo học thuyết của Carter) và những nỗ lực của Mỹ hoàn toàn không bị tổng thống Saddam Hussein chống lại. Tiếp theo sẽ là những câu hỏi:

a. Trong trường hợp có chiến tranh với Nga, đất nước láng giềng nào của Nga sẽ có cơ sở hạ tầng tương đương với Ả rập Xê-út như trên - với các thiết bị đặt sẵn, các căn cứ lớn, đường băng, cảng nước sâu...? Câu trả lời là không có nước nào như vậy.

b. Liệu Nga có để cho Mỹ thời gian 6 tháng để chuẩn bị chiến tranh mà không có bất cứ hành động nào? Câu trả lời là không thể.

Có thể có người phản đối rằng không phải mọi cuộc chiến tranh đều tiến hành theo một kịch bản "nặng nề" như Bão táp Sa Mạc. Vậy nếu Mỹ chuẩn bị cho một cuộc can thiệp rất "nhẹ", chỉ sử dụng lực lượng phản ứng nhanh thường trực của Mỹ và NATO?

Chiến tranh nhẹ (phản ứng nhanh)

Thực tế Nga không sợ mối đe dọa quân sự của NATO. Nga đã phản ứng với những bước đi gần đây nhất của NATO (thiết lập các căn cứ mới cùng nhân sự tại Trung Âu...) bằng cách gọi đó là hành động khiêu khích. Nhưng tất cả các quan chức Nga đều nhấn mạnh Nga có thể xử lý mối đe dọa quân sự.

Như một đại diện của Nga đã nói: "5 nhóm chiến đấu đánh vu hồi là vấn đề chúng ta có thể giải quyết bằng một quả tên lửa". Câu nói tuy hơi cường điệu nhưng nói lên chính xác tình hình.

Quyết định nhân đôi lực lượng đặc nhiệm dù và nâng cấp trung đoàn tinh nhuệ đặc biệt số 45 lên thành lữ đoàn đã được Nga thực hiện. Có thể nói Nga đã đón trước việc NATO lập ra đội quân 10.000 lính bằng cách nâng lực lượng cơ động dù của mình từ 36.000 lên 72.000 quân.

Lực lượng dù đặc biệt của Nga thực hiện huấn luyện.

Điều này điển hình cho ông Putin. Trong khi NATO đang ồn ào thông tin rằng họ sẽ tạo ra lực lượng mũi nhọn phản ứng nhanh với con số 10.000 thì tổng thống Nga đã gấp đôi lực lượng dù đặc biệt lên 72.000 người một cách yên lặng.

Lực lượng đặc nhiệm dù dày dạn trên chiến trường của Nga có năng lực chiến đấu hơn lực lượng 5.000 quân NATO đến từ 28 nước rất khó phối hợp với nhau. Các sĩ quan chỉ huy Mỹ hiểu rất rõ điều đó.

Nói cách khác, Nga trội hơn trong cuộc chiến "nhẹ" hay "phản ứng nhanh" và đây không phải kiểu xung đột mà Mỹ và NATO có thể hy vọng thắng thế. Bên cạnh đó, khi cuộc chiến "nhẹ" kéo dài đủ lâu nó sẽ leo thang thành chiến tranh "hạng nặng" và lúc đó Mỹ hay Nga sẽ có lực lượng gần hơn?

Sốc và kinh hoàng

Có một mô hình chiến tranh nữa mà các chỉ huy Mỹ gọi là "sốc và kinh hoàng": họ sẽ tấn công bằng tên lửa hành trình với số lượng lớn và hỗ trợ bằng máy bay ném bom. Nhưng đánh bom Nga không như đánh bom Iraq và hệ thống phòng không Nga là những hệ thống hiệu quả nhất trên thế giới.

Có thể nhớ tới thất bại của Mỹ khi tấn công quân đoàn Serbia tại Kosovo: trong 78 ngày không kích của Mỹ và NATO có hơn 1.000 máy bay với hơn 38.000 lượt xuất kích với kết quả là hơn 10 máy bay Serbia bị bắn rơi, 20 xe tăng thiết giáp bị tiêu diệt cùng hơn 1.000 lính chết hoặc bị thương. Trong khi đó lực lượng Serbia có 130.000 lính, hơn 80 máy bay, 1.400 pháo, 1.270 xe tăng và 825 xe thiết giáp. Quân đoàn số 3 của Serbia thậm chí còn không bị thiệt hại trong chiến dịch ném bom lớn này và đi vào lịch sử là thất bại tồi tệ nhất của không quân phương Tây.

Hệ thống phòng không S-500 của Nga.
 Hệ thống phòng không S-500 của Nga.

Nhưng ngay cả khi cho rằng Mỹ thành công trong trận chiến "từ xa", thì cũng không ai tin rằng điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quân đội Nga hay bẻ gãy ý chí của người dân Nga. Người dân Leningrad (St.Petersburg) không chỉ tồn tại trong 78 ngày, họ đã sống sót qua 900 ngày bom đạn tàn phá và chưa bao giờ có ý định đầu hàng quân phát xít Đức trong thế chiến thứ hai.

Thực tế, về mặt phòng thủ Nga có lợi thế hơn Mỹ rất nhiều ngay cả khi chỉ tính đến các loại vũ khí thông thường. Và nếu cuộc xung đột xảy ra tại Ukraine hay các nước Baltic, khoảng cách gần về địa lý cho Nga một lợi thế quyết định với bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ và NATO. Các sĩ quan chỉ huy Mỹ hiểu rất rõ điều này dù đôi khi họ làm ra vẻ ngược lại.

Ngược lại, một cuộc tấn công của Nga vào Mỹ hay NATO cũng không xảy ra với cùng những lý do. Nga không thể phóng chiếu sức mạnh ra quá xa biên giới của mình. Với cách Nga sắp xếp, cấu trúc và huấn luyện quân đội, có thể thấy đây là một lực lượng chủ yếu để tiêu diệt kẻ thù trên biên giới Nga hay trong khoảng 1.000km đổ lại. Dù máy bay ném bom, các tàu mặt nước, tàu ngầm của Nga đi tới những nơi xa nhưng chúng thực hiện những nhiệm vụ "giương cờ" chứ không phải việc huấn luyện chiến đấu cho những kịch bản chiến tranh thực thụ.

Tên lửa hành trình JASSM AGM-158 mới nhất của Mỹ.

Mục đích duy nhất của quân đội Mỹ là thường đánh lại những nước nhỏ, yếu về phòng thủ, để chiếm nguồn tài nguyên, lật đổ một chính phủ thách thức bá quyền thế giới của mình hay để dằn mặt đối thủ. Quân đội Mỹ không được "thiết kế" để đánh một trận chiến lớn chống lại kẻ thù mạnh. Chỉ có lực lượng hạn nhân chiến lược của Mỹ là có nhiệm vụ bảo vệ Mỹ chống lại cường quốc hạt nhân khác (như Nga và Trung Quốc) hay để đánh trong một trận chiến lớn. Còn quân đội Nga hoàn toàn được thiết kế với mục đích phòng thủ và không có khả năng đe dọa bất cứ ai tại châu Âu và càng không phải là Mỹ.

Tất nhiên, truyền thông phương Tây sẽ vẫn tiếp tục "đếm đầu" với lực lượng của Mỹ và Nga. Và những lời tuyên truyền này nhắm đến việc tạo nên cảm giác khẩn cấp và sợ hãi cho công chúng. Nhưng sự thật là trong tương lai gần có thể dự đoán là cả Mỹ và Nga đều không có tiềm lực để tấn công thành công ngay cả chỉ với vũ khí thông thường.

Mối nguy hiểm duy nhất là sự leo thang đột ngột dẫn tới một cuộc chạm trán mà cả hai bên đều không chuẩn bị đối phó. Cuộc tấn công của Israel vào Lebanon năm 2006 hay vụ tấn công của Georgia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga năm 2008 là hai cảnh báo đáng sợ về việc đôi khi những chính trị gia thiếu suy nghĩ đưa ra những quyết định thiển cận.