Nga, Mỹ và cuộc đấu thế kỷ khốc liệt
VietTimes -- Kết thúc kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh, những tưởng thế giới sẽ bước vào thời kỳ hòa bình và thịnh vượng hơn. Nhưng ý đồ tạo ra một thế giới đơn cực, hy sinh lợi ích của thế giới cho sự thịnh vượng của 1/7 dân số trái đất đã khiến thế giới càng trở nên hỗn loạn. Hiện tại với nhiều quyền lực kinh tế đang nổi lên, xu hướng cho một trật tự thế giới mới là đa cực và bình đẳng hơn.
(tiếp theo kỳ trước)
Kết quả của bữa tiệc "cướp bóc" do Washington cho phép là sự nghèo khó, bần cùng hóa của hơn 10 triệu người. Điều này đã được nhà kinh tế nổi tiếng thế giới Joseph Stiglitz tổng hợp qua các sự kiện xảy ra tại Nga:
"Tại Nga, mọi người được nghe rằng chủ nghĩa tư bản đang đem lại những sự thịnh vượng mới, chưa từng có. Thực tế, nó đã đem tới sự nghèo khó chưa từng có được xác định không chỉ bởi việc tiêu chuẩn sống đi xuống, GDP đi xuống mà còn bởi khoảng cách giàu nghèo và những vấn đề lớn trong xã hội làm sa sút giá trị cuộc sống...
Sau khi chuyển đổi chế độ, nước Nga lâm vào một thời kỳ khủng hoảng với tỷ lệ nghèo đói tăng cao.
Vì theo đuổi những chính sách thắt chặt tiền tệ... các công ty không có tiền để trả cho nhân viên... Họ không có đủ tiền để trả cho những người hưởng lương hưu, những công nhân... Tiếp theo, với việc chính phủ không có đủ nguồn thu những khía cạnh khác của cuộc sống bị hủy hoại. Họ không có đủ tiền cho bệnh viện, trường học. Nga đã từng có một hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, chuyên môn giáo dục rất cao. Nhưng họ không còn có đủ tiền cho nó. Điều đó bắt đầu ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong mọi khía cạnh cuộc sống của họ".
Số lượng người nghèo tại Nga trong thời điểm đó tăng từ 2% lên tới khoảng giữa 40-50% với tỷ lệ 1 trong 2 trẻ em sống tại những gia đình dưới mức chuẩn nghèo. Nền kinh tế thị trường khi đó là kẻ thù tệ hơn là chế độ cũ. Nó mang lại những chiếc túi Gucci, những chiếc xe Mercedes, hoa trái của chủ nghĩa tư bản cho một số ít người... Nhưng nền kinh tế bị thụt lùi. GDP của Nga tụt xuống 40%. Trong một vài lĩnh vực của Liên Xô cũ, GDP rơi xuống dưới 70%. Với một miếng bánh nhỏ được chia không đồng đều, có một số người sẽ nhận được những phần ngày càng lớn hơn nhưng phần lớn dân số ngày càng hưởng ít hơn... (phỏng vấn của PBS với Joseph Stiglitz).
Bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, ông Putin trở nên cứng rắn với phương Tây. Giới tinh hoa phương Tây bắt đầu e ngại và gọi là "chuyên quyền" và "sát thủ KGB".
Vì vậy, khi nào Nga còn cởi mở với những thủ đoạn chính trị của phương Tây cùng những nhà buôn tham lam thì mọi thứ vẫn tuyệt vời. Nhưng ngay khi ông Vladimir Putin biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo (trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2) và bắt đầu khôi phục đất nước thì giới tinh hoa phương Tây bắt đầu e ngại và lên án ông "chuyên quyền" và là một "sát thủ KGB".
Cùng thời điểm, Washington ra sức tiến về phía đông lợi dụng tiềm lực quân sự của NATO để đạt được những tham vọng địa chính trị hòng kiểm soát những nguồn tài nguyên sống và công nghiệp trong khu vực đông dân và thịnh vượng nhất thế kỷ, lục địa Á Âu. Sau khi hứa với tổng thống Gorbachev rằng NATO sẽ không bao giờ "mở rộng 1 inch về phía đông", liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã kết nạp thêm 13 nước làm thành viên.
Tất cả những nước này đều nằm ở sườn tây nước Nga, và đều nằm ở cửa ngõ của Nga, các nước đều gây nên mối nguy hiểm thật sự tới sự tồn tại của Nga. Lúc này, lực lượng NATO thường tổ chức các cuộc tập trận khiêu khích Nga chỉ cách biên giới nước này vài kilomet trong khi bao vây Nga mọi phía bằng hệ thống tên lửa hiện đại. (Hãy thử tưởng tượng nếu Nga làm điều tương tự tại Vịnh Mexico hay tại biên giới Canada thì Washington sẽ đáp trả thế nào?)
NATO thường tổ chức các cuộc tập trận khiêu khích Nga ở gần biên giới nước này. Cuộc tập trận gần đây nhất có quân số lên tới 40.000 lính.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã có một bản tổng kết tuyệt vời về lịch sử hậu Chiến Tranh Lạnh trong cuộc họp tại Tổ chức Korber tại Berlin năm 2017. Những người Mỹ bị tẩy não, những người đổ lỗi cho Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cần chú ý tới những gì ông nói:
"Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ chúng tôi đã "xòe bài ra", cố gắng một cách tốt nhất để khẳng định những giá trị công bằng của quan hệ đối tác trong những vấn đề quốc tế... Quay trở lại đầu những năm 1990, chúng tôi đã rút quân khỏi đông và trung Âu cùng các nước vùng Baltic và giảm một lượng lớn quân ở biên giới phía tây của chúng tôi.
Khi kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Nga đã hy vọng điều đó sẽ trở thành thắng lợi chung của chúng ta - thắng lợi của cả những nước từng theo chủ nghĩa cộng sản và phương Tây. Những giấc mơ về việc chia sẻ hòa bình và hợp tác có vẻ gần như đơm hoa kết trái Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh của họ quyết định tuyên bố họ là những người chiến thắng duy nhất, từ chối hợp tác để tạo ra kiến trúc của một nền an ninh bình đẳng và không chia rẽ. Họ đã quyết định quay sang chia cắt những đường biên giới của chúng tôi - thông qua việc mở rộng NATO và thi hành chương trình đối tác phía đông của EU.
Vì giới tinh hoa của các nước phương Tây đã thi hành một chính sách chính trị và kinh tế chống lại nước Nga, những mối đe dọa cũ đã tăng lên và những mối nguy mới nổi lên trên thế giới và những nỗ lực để mặc những hành động của họ đã không thành công. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính là do hình mẫu của sự toàn cầu hóa với "phương Tây là trung tâm" đã phát triển theo phương thức phá hủy kiến trúc lưỡng cực và nhắm tới việc đảm bảo sự thịnh vượng của 1/7 dân số thế giới bằng cái giá của phần còn lại. Điều này chắc chắn sẽ không thể xảy ra. Càng ngày càng rõ ràng là một nhóm nhỏ của "những người được lựa chọn" sẽ không thể đảm bảo sự phát triển vững chắc của nền kinh tế thế giới và giải quyết được những thách thức lớn về sự nghèo đói, biến đổi khí hậu, thiếu lương thực và những tài nguyên sống khác.
Những sự kiện gần đây nhất là bằng chứng rõ ràng cho thấy những cố gắng dai dẳng để hình thành một thế giới đơn cực đã không thành công... Những trung tâm phát triển kinh tế mới đi kèm với ảnh hưởng chính trị đang gánh vác trách nhiệm cho trạng thái của những vấn đề trong khu vực của họ. Hãy để tôi tóm lại rằng sự nổi lên của một thế giới đa cực là thực tế và hiện thực. Tìm cách để kéo lùi tiến trình này và giữ những vị trí đặc quyền không công bằng sẽ chẳng đi tới đâu cả. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều ví dụ hơn về các nước đã lên tiếng bảo vệ quyền tự quyết của họ...".
Truyền thông phương Tây cáo buộc ông Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, buộc tội Nga hủy hoại niềm tin dân chủ của xã hội Mỹ.
Những người dân Mỹ cần phải có cái nhìn vượt qua những gì được tuyên truyền và nắm lấy những gì đang thực sự xảy ra. Nga không phải là kẻ thù của Washington mà là một người bạn đang cố gắng "thúc" người Mỹ vào một hướng đi sẽ tăng những cơ hội cho hòa bình và thịnh vượng trong tương lai. Ông Lavrov đã chỉ ra một cách đơn giản là một thế giới đa cực là không thể tránh được khi các sức mạnh kinh tế đang lan rộng, phổ biến. Hiện thực đang nổi lên này khiến Mỹ cần phải thay đổi hành vi của mình, hợp tác với các nước có chủ quyền khác, tuân theo luật quốc tế, và tìm những phương pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Điều đó sẽ mang lại sự ngang hàng giữa các quốc gia, sự công bằng hơn trong các quyết định quốc tế và khoảng cách hẹp hơn giữa các nước thắng và bại trên thế giới.
Chẳng ai không muốn điều đó. Mọi người đều muốn chấm dứt những cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu, những sự giết chóc, phá hủy những nền văn minh, những cái chết của những người vô tội, phụ nữ, trẻ em... Mọi người đều muốn đôi cánh diều hâu của Washington bị cắt đi để những vụ giết chóc vô lý phải dừng lại và hàng triệu người tị nạn có thể trở về nhà.