Đối với việc mặt hàng dưa hấu thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa thông tin người dân trồng dưa bị thương lái ép bán dưa với giá 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền khẳng định: “Theo thông tin báo cáo của các địa phương có liên quan, tính đến thời điểm này, việc sản xuất, tiêu thụ và thu mua dưa hấu của bà con nông dân vẫn diễn ra bình thường với mức giá tương đối khả quan”.
Hiện nay, dưa hấu được trồng tại Nam Trung Bộ tập trung chủ yếu 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với tổng diện tích vào khoảng gần 4.000 ha, sản lượng năm 2015 đạt trên 100 nghìn tấn. Đây là loại dưa có mùa vụ ngắn, chất lượng tốt và được trồng tập trung ở 2 – 3 huyện mỗi tỉnh chứ không trồng rải rác.
Ông Võ Văn Quyền cho hay, năm nay, mặc dù vụ dưa hấu đến sớm hơn những năm trước khoảng 2 tuần nhưng theo thông tin Vụ Thị trường trong nước nắm bắt được thông qua báo cáo cũng như làm việc trực tiếp với phòng Kinh tế - Sở Công Thương các địa phương này, nhìn chung, việc tiêu thụ vẫn diễn ra tương đối tốt. Nhiều địa phương đã tiêu thụ được khoảng gần 80%, trong đó cá biệt có Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết. Riêng Quảng Nam có khoảng 700 – 800 ha dưa thu hoạch đúng vào mùa lũ nhưng đến nay, tình hình tiêu thụ cũng rất khả quan.
Đối với dưa hấu xuất khẩu, mặc dù lượng dưa đổ về qua cửa khẩu Tân Thanh khá lớn dẫn đến ùn tắc nhưng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, lượng dưa ùn ứ đã nhanh chóng giảm xuống. Giá dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, tùy chất lượng quả.
Nâng cao vai trò của doanh nghiệp
Ông Võ Văn Quyền cũng chia sẻ, đối với mặt hàng dưa hấu nói riêng và nông sản nói chung, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như đàm phán nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xây dựng các kênh phân phối để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Nhà nước có chức năng xây dựng các cơ chế chính sách, công cụ hỗ trợ, hỗ trợ việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… Còn các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc khai thác thị trường và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người nông dân và hợp đồng xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện nay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng nông sản nói chung, mặt hàng dưa hấu nói riêng, các cơ quan chức năng phía Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận với phía Trung Quốc. Theo đó, hiện phía Trung Quốc đã quyết định dành riêng một kho bãi trong hệ thống kho bãi tại cửa khẩu cho mặt hàng dưa hấu Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã thông tin đến doanh nghiệp về sức chứa của cửa khẩu Tân Thanh cũng như khuyến cáo thương lái không ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu.
Riêng với tiêu thụ trong nước, thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại về tiêu thụ nông sản gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tổ chức và trên thực tế các kênh phân phối lớn như Co.opmart, Hapro, Metro, Big C, chợ đầu mối… đã tích cực thu mua dưa để bán trong chuỗi siêu thị của mình. Thương lái cũng thu mua dưa hấu để bán trong hệ thống chợ truyền thống. Điều này cho thấy, những giải pháp kết nối cung cầu của ta đã thu được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, cũng như các mặt hàng khác mặt hàng dưa hấu phải cần được tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi để bảo đảm sự ổn định và bền vững. Nhà nước đóng vai trò xây dựng cơ chế, cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quy hoạch giống cây con, quy trình trồng, công nghệ sản xuất, v.v… Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp, liên kết cùng người nông dân tổ chức sản xuất kinh doanh trên cơ sở nắm rõ dung lượng thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm, giá bán cũng như nhu cầu của từng nhóm khách
Công tác đã và đang triển khai của Bộ Công Thương
Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản cho bà con nông dân trong nước nói riêng, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục tập trung triển khai những hoạt động trọng tâm. Đó là:
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức với quy mô rộng hơn Chương trình kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối, gắn với việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản).
Thứ ba, tiếp tục nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Thứ tư, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định những mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực để xuất khẩu trong từng thời kỳ để làm cơ sở điều chỉnh linh hoạt chính sách xuất khẩu những mặt hàng này.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu rau quả; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng theo nội dung Bản Ghi nhớ phối hợp công tác giữa hai Bộ đã được ký kết vào tháng 6 năm 2014.
Được biết, năm 2014, khi xảy ra tình trạng vải thiều ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đã đứng ra kêu gọi người dân trong nước mua vải ủng hộ nông dân, qua đó đã góp phần tích cực trong việc giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm này trong thời điểm chính vụ.
Theo Báo Công thương