Cho vay là chức năng hết sức bình thường của một ngân hàng, nhưng với những tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, việc cấp tín dụng tạm thời bị ngưng, mọi hoạt động chuyển tiền ra, tiền vào đều bị giám sát chặt chẽ.
Hoạt động chủ yếu mà các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt phải tập trung làm là xử lý các khoản nợ, chi trả các khoản tiền gửi đến hạn cho khách hàng. Thông thường thời gian kiểm soát đặc biệt kéo dài sáu tháng, sau đó Ngân hàng Nhà nước tùy tình hình có thể gia hạn hoặc bãi bỏ.
Đông Á chỉ cần hơn 60 ngày đã được cho vay trở lại, đó quả là một nỗ lực đáng ghi nhận của ban kiểm soát đặc biệt tại đây và nhất là của bản thân ngân hàng.
“Thời gian đầu khi mới rơi vào kiểm soát đặc biệt, chúng tôi chủ động trấn an khách hàng, chia sẻ để khách hàng hiểu, thông cảm và tích cực làm việc với ban kiểm soát để tháo gỡ vướng mắc của khách hàng. Nhờ đó NHNN đã ban hành bốn văn bản tháo gỡ tạo điều kiện cho mọi hoạt động của Đông Á trở lại bình thường. Nghiệp vụ tín dụng, thanh toán thời gian qua bị hạn chế, thì nay đã được tháo gỡ”, ông Nguyễn An nói.
Đông Á là một trong số ít trường hợp hiếm hoi mà khi công bố kết luận thanh tra, cơ quan quản lý ngành ngân hàng thông báo công khai bị kiểm soát đặc biệt. Trước Đông Á đã có những ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt, thậm chí phải vay tái cấp vốn của NHNN, nhưng không bị công bố công khai.
Đông Á ngược lại, cho đến giờ vẫn đảm bảo được thanh khoản, vẫn chưa sử dụng bất kỳ sự hỗ trợ vốn nào từ NHNN thông qua tái cấp vốn. “Ngoài việc cho vay trở lại, chúng tôi còn cho vay trên thị trường liên ngân hàng”, ông An nhấn mạnh.
Đông Á đã nhanh chóng ổn định được hoạt động, đã vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất. Tất nhiên, nói thế không có nghĩa với Đông Á con đường phía trước đã hết ngập ghềnh, nhưng ít nhất Đông Á đã giải quyết được một phần những tồn tại mà một số ngân hàng yếu kém khác không thể tháo gỡ trong thời gian ngắn.
Sự khác nhau giữa Đông Á và một số ngân hàng yếu kém có lẽ là ở nền tảng cốt lõi. Nếu có một cái nền tương đối vững và căn bản, nhất là về nhân lực, thì một “cú trượt chân” vẫn có thể sửa chữa được.
Nhìn rộng ra, hiệu quả của tự tái cơ cấu hay tái cấu trúc với sự hỗ trợ của NHNN hoặc hỗ trợ của một ngân hàng khác do NHNN chỉ định đối với một số tổ chức tín dụng chỉ có thể mang lại hiệu quả một khi cơ chế thích hợp đi kèm với nhận thức của lãnh đạo và nhân viên các cấp, các bộ phận về thách thức mà họ phải vượt qua.
Người viết bài này đã đến một số chi nhánh của Đông Á tại TPHCM ở những thời điểm khác nhau kể từ khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và điều không thể không ghi lại đây là nhân viên Đông Á vẫn vui vẻ khi khách hàng đến rút tiền những ngày đầu, vẫn nhẫn nại giải thích cho khách hàng vay vốn vì sao họ đã trả xong nợ cả gốc và lãi, mà vẫn chưa lấy được tài sản đảm bảo ra (vì tài sản ấy còn phải thông qua ban kiểm soát xem xét phê duyệt).
Một lãnh đạo của Đông Á lúc bấy giờ nói rằng ông lo đến mất ngủ vì nếu ban kiểm soát xem xét lâu, cân nhắc lâu rồi mới trả tài sản đảm bảo cho khách hàng, mới cho người ta rút nốt số tiền còn lại nếu thế chấp bằng sổ tiết kiệm, thì Đông Á có thể mất khách hàng, tài sản quý báu mà ngân hàng mất bao nhiêu năm mới xây dựng được.
Hiện tại lượng khách hàng gửi tiết kiệm ở Đông Á có thể chưa đạt được mức của đầu năm nay hay năm ngoái, năm kia như tâm sự của một cô nhân viên quầy giao dịch trực tiếp với khách hàng, nhưng đã tăng hơn nhiều so với cách đây một tháng. Đấy là một trong những tín hiệu đáng mừng. Đông Á cần thêm nhiều tín hiệu nữa cho sự hồi sinh.
Theo TBKTSG