Trong khi đó, tổng dự trữ tiền mặt của tất cả các công ty phi tài chính của Mỹ tính đến cùng thời điểm trên là 1,7 nghìn tỷ USD.
Cũng theo tính toán của Moody's, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ giữ khoảng 1,2 nghìn tỷ USD lợi nhuận ở nước ngoài để tránh phải đóng thuế ở Mỹ.
Thông tin lượng tiền mặt tập trung vào một số công ty lớn của Mỹ có thể không gây ngạc nhiên nhưng đây là lần đầu tiên danh sách công ty nắm nhiều tiền mặt nhất chỉ bao gồm các công ty/tập đoàn công nghệ. Ngành công nghệ Mỹ là ngành có tỷ suất lợi nhuận đến từ bên ngoài biên giới Mỹ nhiều nhất so với tất cả các ngành khác.
Và đây cũng là ngành dính líu nhiều nhất đến cáo buộc trốn thuế của các cơ quan thuế tại cả Mỹ và châu Âu. Việc sở hữu lượng tiền mặt cao cũng cho thấy nhiều công ty/tập đoàn của Mỹ đang rất ngại đầu tư trong bối cảnh hoạt động kinh tế Mỹ dù đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua nhưng còn đối diện với nhiều thách thức và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu.
Báo cáo cũng cho thấy, 2015 là năm đầu tiên đầu tư của doanh nghiệp Mỹ giảm. Mức chi tiêu đầu tư mua sắm các thiết bị mới giảm 3% xuống 885 tỷ USD. Các công ty ngành năng lượng và khai mỏ thu hẹp mạnh đầu tư khi giá hàng hóa giảm sâu.
Apple hiện đang sở hữu dự trữ tiền mặt 216 tỷ USD, tương đương hơn 1/10 tổng dự trữ tiền của toàn bộ doanh nghiệp Mỹ. Hơn 93% dự trữ tiền của Apple là ở nước ngoài.
Hiện nay Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra hoạt động đóng thuế của Apple, cơ quan thuế hoài nghi liệu có phải Apple có nhiều tiền như vậy nhờ hàng loạt các thỏa thuận né thuế được thực hiện tại Ireland. Có thể Apple sẽ đối đầu với án phạt nhiều tỷ USD trong vòng 2 tháng tới.
Tuy nhiên, Moody's cho rằng tình trạng các công ty giữ doanh thu ở nước ngoài để né thuế tại Mỹ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra đặc biệt ở thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
“Khi nước Mỹ đang tập trung cho cuộc bầu cử, sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến việc sửa đổi chính sách thuế dù bất đồng giữa 2 đảng lớn có căng thẳng đến đâu đi chăng nữa”, chuyên gia phân tích tại Moody, ông Richard Lane khẳng định.
Rất nhiều cổ đông của các công ty Mỹ đã chỉ trích ban lãnh đạo khi họ giữ quá nhiều tiền bởi theo họ lãnh đạo doanh nghiệp đã không cố gắng đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để giúp sản xuất ra sản phẩm tốt hơn.
Theo VnEconomy