Doanh nghiệp huy động hơn 1 tỉ USD trái phiếu sau Nghị định 08

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lượng trái phiếu phát hành kể từ khi Nghị định 08 có hiệu lực chiếm 96% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý 1/2023, đạt mức 23.825 tỉ đồng.
Hơn 24.700 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong quý 1/2023
Hơn 24.700 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong quý 1/2023

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong quý 1/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành đạt 24.708 tỉ đồng. Riêng khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08 có hiệu lực là 23.825 tỉ đồng, tương đương 96% tổng khối lượng.

Lãi suất bình quân của các đợt phát hành là 7,75%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, 99,99% khách hàng là nhà đầu tư tổ chức, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong 3 tháng đầu năm 2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỉ đồng.

Trong số đó, có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với khối lượng khoảng 9.600 tỉ đồng, tương đương 50% khối lượng chậm thanh toán.

Về thị trường trái phiếu chính phủ, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2023, tổng khối lượng huy động đạt 104.873 tỉ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỉ đồng) và 97,1% kế hoạch quý 1/2023 (108.000 tỉ đồng).

Bộ Tài chính cho biết, do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10/3/2023, mặt bằng lãi suất giao dịch trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm và nhu cầu mua tăng trở lại, tỷ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân tháng 3/2023 đạt 3,39 lần, cao hơn mức 2,99 lần trong tháng 2/2023.

Trong báo cáo trái phiếu mới công bố, FiinRatings nhận định doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trước tình trạng cầu yếu, đồng thời chờ đợi những thay đổi hỗ trợ từ phía chính quyền như Nghị định 08 và chính sách về giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023.

Về xu hướng tình hình TPDN trong năm 2023 và 2024, FiinRatings cho rằng vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396.300 tỉ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản trong tổng giá trị TPDN lưu hành.

Nhóm phân tích dự báo tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và môi trường kinh doanh được cải thiện.

Lý do là 107.500 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023, trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, với động thái hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay, việc ra đời Nghị quyết 33 và Nghị định 08 được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả/.