Đây là thông tin đánh giá về tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội được đưa ra trong báo cáo nhận định nguy cơ của đợt bùng phát dịch COVID tại Hà Nội và khuyến nghị do TS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia) – và nhóm nghiên cứu Woolcock thực hiện.
10 quận, huyện có số ca nhiễm SARS-CoV 2 cao nhất trong 2 tuần qua
Theo báo cáo nhận định nguy cơ của đợt bùng phát dịch COVID tại Hà Nội và khuyến nghị của nhóm nghiên cứu 5F, căn cứ vào số liệu tính từ ngày 5/7-27/8 của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Hà Nội đang tăng lên nhưng tốc độ tăng đang được kiềm chế, chưa thấy bằng chứng của việc tăng ca bệnh theo hàm mũ (exponential) như đã thấy ở một số địa phương ở khu vực phía Nam. Vào đầu tháng 8, cần 1 tuần để số ca bệnh tích lũy tăng gấp đôi với trung bình 70 ca/ngày thì tới hôm nay, số ca bệnh tích lũy tăng gấp đôi sau 3 tuần, với trung bình 60 ca/ngày.
Biểu đồ số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hà Nội |
Nhóm nghiên cứu nhận định: Dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố nhưng tập trung nhiều ở các khu đông dân tại quận/huyện Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, và Đông Anh.
Các quận huyện phát hiện nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất |
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, các ca nhiễm virus tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 19 - 49; nữ cao hơn 17% so với nhóm nam. Trẻ em chiếm tới ⅓ số ca nhiễm.
Đợt dịch COVID-19 này đã phát hiện ra các ca nhiễm là người lao động bị lây khi làm việc cùng F0 (công nhân xây dựng, đóng gói); người bán hàng tại chợ, nhân viên bán thuốc, nhân viên shipper hoặc bưu chính là những người tiếp xúc xã hội nhiều. Hiện không có dữ liệu công bố về đặc điểm xã hội của các ca nhiễm nên nhóm nghiên cứu không thể phân tích sâu hơn.
Cứ 10 ca nhiễm SARS-CoV-2 thì có 1 ca phát hiện qua sàng lọc
Theo nhóm nghiên cứu, các ca nhiễm virus được phát hiện chủ yếu qua xét nghiệm F1 và sàng lọc bằng nhiều phương pháp.
Trong tổng số 2.937 ca mắc COVID-19, phát hiện từ 27/4 đến nay, có tới 52% số ca được phát hiện tại cộng đồng. Riêng trong tháng 8, có tới gần 80% số ca nhiễm virus là người tiếp xúc gần của những ca ho sốt tại cộng đồng được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV 2. Cứ 10 ca nhiễm virus thì có 1 ca phát hiện qua các biện pháp sàng lọc. Điều này cho thấy sàng lọc có vai trò nhất định trong phát hiện sớm các ổ dịch, từ đó truy vết F1. Đông Anh, Thanh Trì, Thanh Xuân và Đống Đa là các quận, huyện phát hiện tới hơn 50% tổng số ca dương tính là F1 của người ho sốt tại cộng đồng.
Tỷ lệ % F0 phát hiện qua các hình thức xét nghiệm |
Tính đến ngày 27/8, dịch COVID-19 tại Hà Nội đang tập trung tại nhiều ổ dịch phức tạp, đang lây lan âm thầm trong cộng đồng và lan rộng. Theo kết quả 2 đợt xét nghiệm cộng đồng tại Hà Nội, tỷ lệ người dương tính với SARS-CoV-2 là 0,01% (83/1.116.127) chứng tỏ rằng dịch tại Hà Nội chưa lan rộng mà khu trú tại một số điểm nóng. Đợt dịch này tại Hà Nội gồm nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư, tạo nên các làn sóng lây nhiễm điệp trùng, kéo dài trong nhiều ngày.
Tính tới hôm nay, ngày 28/8, Hà Nội có 4 ổ dịch có nguy cơ bùng phát cao là Văn Chương - Văn Miếu kéo dài dai dẳng (từ 23/7 kéo dài tới nay với 145 ca) và 3 ổ dịch mới xuất hiện là Linh Đàm (từ 19/8 với 36 ca), Kim Đồng (từ 25/8 với 34 ca), và Nguyễn Trãi (từ 23/8 với 164 ca).
Biểu đồ số F0/ngày tại Hà Nội – trung bình 3 ngày liên tiếp |
Nguyên nhân khiến 4 ổ dịch trên có nguy cơ bùng phát cao và kéo dài là do phát hiện muộn, xuất phát từ ca bệnh đầu tiên là người có triệu chứng, không rõ nguồn lây, một số ca chỉ tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm khi đã xuất hiện triệu chứng 4-5 ngày, đồng thời, nhiều ca cộng đồng cũng có triệu chứng và có tải lượng virus cao. Điều này cho thấy ổ dịch đã lây lan trước thời điểm phát hiện một thời gian. Một số ổ dịch xuất phát từ lái xe luồng xanh đi từ TP. HCM ra Hà Nội (Kim Đồng) và ca lây nhiễm từ nơi khác (Linh Đàm).
Thực tế đã phát hiện nhiều người nhiễm virus là người có tần suất tiếp xúc xã hội cao như người bán lẻ đường phố/ở chợ, làm việc tại hiệu thuốc hoặc cư dân trong khu vực có lịch sử đi làm tới các phường khác trước khi phát hiện bị lây nhiễm.
Hiện, ổ dịch Văn Chương - Văn Miếu kéo dài hơn 1 tháng, nguy cơ lan rộng ngoài vòng phong tỏa là rất cao. Ổ dịch này được phát hiện do 1 người dân đi khám bệnh viện do ho sốt, được xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện; tới ngày 26/8 đã có gần 140 ca. Sau 5 tuần, các ca nhiễm lan rộng dần ra, tạo thành cánh cung Văn Chương, Văn Miếu, bao trọn khu vực nằm giữa đường Nguyễn Thái Học, Cát Linh, Hàng Bột, Khâm Thiên và Lê Duẩn. Đây là khu vực rất đông dân, nhiều nhà nhỏ hẹp trong các ngõ ngách, gần ga tàu hỏa là nơi nối trục giao thông với các tỉnh miền Trung và Nam Bộ.
Ổ dịch này đã lan ra xa hơn, tới Linh Quang, Trung Liệt, thậm chí đến Láng Thượng, cách nơi xuất phát từ 2-6km. Nếu không phong tỏa rộng, xét nghiệm lặp lại và hỗ trợ an sinh cho người dân thì đây có thể trở thành một ổ dịch khó kiểm soát. Bản đồ các ca nhiễm virus theo tuần tại ổ dịch Văn Chương - Văn Miếu được biểu diễn dưới đây:
Bản đồ các ca nhiễm virus theo tuần tại ổ dịch Văn Chương - Văn Miếu |
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, khu vực có ổ dịch là những địa phương có mật độ dân cao với các khu nhà trọ san sát hoặc chung cư lớn có diện tích nhà nhỏ và đông hộ gia đình. Chùm Thanh Xuân Trung với đường kính vùng lõi dịch bệnh tới 2km, nằm trong khu vực có đường kính 4,5km bao phủ các ca rải rác của chùm bệnh. Mật độ dân cư của khu này lên tới 40.000 người/km2, cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội. Đây là tín hiệu của một ổ dịch lớn, đòi hỏi nguồn lực tập trung rất nhiều.
Chùm ca bệnh tại Thanh Xuân Trung được phát hiện từ một ca ho sốt cộng đồng đi khám tại cơ sở y tế, được xét nghiệm sàng lọc. Trong 6 ngày đầu tiên, số ca nhiễm đã tăng lên thành 164 ca. Người nhiễm virus trong chùm này gồm những người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở hoặc tại các cửa hàng nhỏ, nhân viên nhà thuốc, nhân viên bán hàng, bảo vệ siêu thị, người hay đi chợ/mua đồ/cắt tóc và cả những người thường xuyên ở nhà nên không rõ nguồn lây. Nhiều người đã có dấu hiệu ho sốt, chứng tỏ chùm ca bệnh này đã lây lan 1 thời gian. Phân bố tuổi, giới của các ca nhiễm cho thấy đây là một chùm lây lan cộng đồng. Cho đến nay vẫn không rõ nguồn lây. Bản đồ chùm ca nhiễm SARS-CoV-2 Thanh Xuân, chấm mầu càng đậm tức là càng gần với ngày 27/8.
Bản đồ chùm ca nhiễm SARS-CoV-2 Thanh Xuân |
Người cao tuổi hầu như chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19
Tính đến ngày 27/8, gần 50% người lớn tại Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện chưa có số liệu công bố về tỷ lệ người được tiêm đủ 2 mũi.
Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, người cao tuổi là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine do tỷ lệ tử vong cũng như số lượng tử vong cao nhất ở độ tuổi 50 trở lên (biểu đồ 5). Bên cạnh đó, tỷ lệ % người trong độ tuổi có nguy cơ tử vong cao (50+) đang có xung hướng tăng nhẹ tại Hà Nội (biểu đồ 6). Tuy nhiên, đây lại là nhóm tuổi khó tiếp cận với chương trình tiêm chủng nhất do nhiều phường yêu cầu người 65+ phải tới bệnh viện tiêm chủng nhưng lại không có cơ chế đăng ký tiêm chủng cho họ.
Trong bối cảnh vaccine về nhỏ giọt, việc thực hiện Chỉ thị 16 sẽ giúp Hà Nội có thêm thời gian để chờ vaccine, tăng nhanh năng lực ứng phó với dịch bệnh và năng lực điều trị cho kịch bản xấu. Từ ngày 24/7, Hà Nội đã áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố. Mức độ di chuyển của người dân đã giảm đi đáng kể, theo thang đo di chuyển của Google, Facebook và Apple. Bước đầu đã thấy số ca phát hiện hàng ngày vẫn đang tăng nhưng đà tăng có xu hướng chậm lại.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của TP. HCM cho thấy, ở các khu đô thị lớn, mật độ dân cư cao, việc đi lại nội vùng (các khu vực rất nhỏ) và việc tăng giao lưu tiếp xúc ở các khu nhà trọ chật chội, không thông thoáng sẽ làm cho virus lây lan âm thầm và chỉ phát hiện được khi đã số ca nhiễm tăng lên chóng mặt, vượt qua mọi năng lực kiểm soát. Ví dụ với chùm ca Nguyễn Trãi (hình ảnh dưới đây): Bản đồ ngõ 328-330 Nguyễn Trãi (vùng trong vòng tròn mầu xanh), nơi có chùm ca bệnh lớn nhất hiện nay cho thấy mật độ dân cư rất đông. Ngay bên cạnh đó là khu dân cư lớn hơn, nhiều nhà diện tích nhỏ gồm các khu trọ rẻ tiền, có mật độ đông không kém (mầu vàng).
Bản đồ ngõ 328-330 Nguyễn Trãi và hình ảnh 1 ngách trong ngõ 328 Nguyễn Trãi |
Nhanh chóng tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi, tiếp tục giãn cách xã hội
Để chủ động phòng, chống dịch, nhóm nghiên cứu cho rằng các đơn vị cần nhanh chóng dồn nguồn vaccine ít ỏi cho toàn bộ người trên 50, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Ưu tiên vaccine có thời gian giữa 2 mũi ngắn để tạo miễn dịch.
Về việc giãn cách xã hội khi chưa bao phủ đủ vaccine cho cộng đồng, cần xác định rằng mặc dù số ca nhiễm chưa tăng đột biến nhưng bất cứ khu dân cư nào cũng có thể trở thành ổ dịch. Cần bảo vệ thành quả mà Hà Nội đã duy trì và giữ vững trong thời gian qua.
Từ đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị: Cần phong tỏa chặt các đơn vị hành chính (phường hoặc quận) có từ 100 ca nhiễm trong 2 tuần qua/100.000 dân trở lên; phong tỏa các đơn vị hành chính (phường hoặc quận) có từ 50 ca nhiễm trong 2 tuần qua/100.000 dân trở lên.
Thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố cho tới sau 2 tuần tiêm mũi thứ 2 cho toàn bộ nhóm trên rồi tùy vào tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch mở từ từ một cách thận trọng kết hợp truyền thông cho người dân để thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục 5K và tiếp tục tiêm cuốn chiếu vaccine dựa trên số vaccine có sẵn. Truyền thông và hỗ trợ an sinh cho người dân sống tại các khu trọ, khu ở chật chội, khu ổ chuột để người dân an tâm “ở yên tại nhà”.
Khu vực vùng xanh ở phường Trúc Bạch (Ảnh - UBND Q. Ba Đình) |
Thiết lập các tiêu chí vùng xanh dựa trên tiêu chí tỷ lệ người cao tuổi được tiêm vaccine, năng lực cho tổ COVID cộng đồng trong việc tư vấn sàng lọc và tuyên truyền bên cạnh khả năng kìm tốc độ lây lan dịch khi độ bao phủ vaccine chưa đạt.
Xây dựng chiến lược xét nghiệm cho từng giai đoạn dịch và năng lực của hệ thống.
Để chuẩn bị cho kịch bản xấu, nhóm nghiên cứu cho rằng các bệnh viện, cơ sở y tế cần thực hiện các hoạt động sau:
Thiết lập trung tâm điều phối các hoạt động cứu trợ y tế (cấp cứu, chuyển viện, chuyển oxy và thuốc, chữa trị tại nhà), an sinh xã hội, vận chuyển hàng hóa trong đại dịch; chuyển đổi mô hình chăm sóc, điều trị để bảo vệ hệ thống y tế khỏi bị sụp đổ để lên kế hoạch cho các kịch bản xấu.
Thiết lập chương trình quản lý, chăm sóc, điều trị F0, nghi F0 tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng.
Xây dựng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả cho các F0, nghi F0 và người cần chăm sóc y tế trong cộng đồng tới các bệnh viện khi họ có dấu hiệu thiếu oxy hoặc các dấu hiệu cấp cứu khác.
Lên kế hoạch và thiết lập các trạm cấp cứu tạm thời tại cộng đồng để dự phòng trường hợp bệnh viện quá tải.
Huy động đội ngũ tình nguyện trẻ, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine tới hỗ trợ cán bộ y tế ở tất cả các tuyến.
Xây dựng các bể oxy lỏng tại bệnh viện tuyến quận/huyện trở lên, trạm oxy nhỏ tại cộng đồng và dự trù các thiết bị đi kèm như bình đựng, van, ống nối,…, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị và các thuốc hỗ trợ, vật tư y tế cho kịch bản nhiều ca nhiễm.
Tăng nhanh năng lực xét nghiệm PCR cũng như xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo và ứng phó khẩn cấp bằng việc xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao (nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà chăm sóc, nhân viên dịch vụ/bán lẻ, lái xe và nhân viên giao hàng, khu công nghiệp, khu trọ chật hẹp) và giám sát triệu chứng ho sốt tại cộng đồng; xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực để giúp ra quyết định khẩn cấp cũng như mạng lưới chuyên gia đa ngành có thể huy động và phối hợp nhanh chóng; thay đổi các quy trình, thủ tục hành chính, quy trình dự toán/đấu thầu/mua sắm/quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các ngành để quản trị xuyên suốt toàn bộ các khâu, các mảng hoạt động, các ngành một cách tổng thể.
Theo nhóm nghiên cứu, để nới lỏng giãn cách, cần đạt được ít nhất 2 tiêu chí về độ bao phủ tiêm chủng, và năng lực xét nghiệm, điều trị và y tế công cộng. Cần xây dựng kế hoạch nới lỏng cần được thực hiện theo từng giai đoạn, thảo luận với chuyên gia đa ngành, thử nghiệm và điều chỉnh kịp thời với diễn biến mới của dịch và các thông tin mới về SARS-CoV-2. Việc nới lỏng cần thực hiện thận trọng, bắt đầu bằng một số khu vực hẹp, và giám sát bằng tỷ lệ xét nghiệm dương tính, số ca mới và số ca tử vong mỗi ngày.
(Ảnh trong bài viết do nhóm nghiên cứu Woolcock cung cấp)