Đi tìm giải pháp chống gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế

VietTimes – Bộ Y tế đang triển khai, nghiên cứu nhiều hoạt động liên thông giữa bảo hiểm y tế (BHYT) xã hội và BHYT thương mại. Điều này sẽ đảm bảo công khai minh bạch và chống sự gian lận, trục lợi BHYT.
Đi tìm giải pháp chống gian lận, trục lợi BHYT
Đi tìm giải pháp chống gian lận, trục lợi BHYT

Ngày 18/12, tại TP HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2015 - 2019 và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi. 

Theo báo cáo, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT số 25/2008/QH12, Bộ Y tế đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.

Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHYT đã gia đăng đáng kể, tăng từ 71,3% dân số năm 2014 lên khoảng 89,8% dân số năm 2019. Theo thống kê, số lần khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT tăng dần theo các năm: năm 2015 có khoảng 130 triệu lượt; năm 2017, có 168,889 triệu lượt và năm 2018 có 176 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.

Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập trong tổ chức thực hiện Luật BHYT. 

Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2015 - 2019 và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi.
 Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2015 - 2019 và xin ý kiến dự thảo Luật BHYT sửa đổi.

Theo ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT -  một số bất cập trong quy định pháp luật về BHYT, trong tổ chức thực hiện Luật BHYT là: các văn bản ban hành thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng,… dẫn đến vận dụng không thống nhất, phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện; nhiều văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền,…

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ về chính sách BHYT, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe,... nên chưa tham gia BHYT.

Đáng nói, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức, quản lý khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã còn khó khăn, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực còn hạn chế. Hiện tại có khoảng 30% Trạm Y tế xã chưa có bác sỹ làm việc, 35% số Trạm Y tế cần được nâng cấp.

Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, thậm chí là trục lợi BHYT vẫn đã và tiếp tục là một thách thức.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai việc liên thông giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại.

Cụ thể, để quản lý, hiện nay cơ quan BHYT đã có hệ thống giám định và các dữ liệu này có thể sử dụng cho cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm thương mại dùng để thanh toán cho người bệnh.

Điều này sẽ đảm bảo công khai minh bạch và chống sự gian lận, trục lợi BHYT, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thương mại. Nếu các thông tin số liệu không đảm bảo khách quan, đầy đủ, trung thực thì dễ bị lạm dụng.

Thời gian qua, BHYT, BHYT thương mại cũng phản ánh rất nhiều trường hợp gian lận. Nhiều trường hợp không đi khám bệnh nhưng xin được giấy ra viện, yêu cầu thanh toán BHYT.

Với việc áp dụng hệ thống giám định BHYT thì các thông tin đều được chuyển lên hệ thống giám định công khai, minh bạch, sẽ không còn tình trạng gian lận nói trên.