Đánh bom đẫm máu ở Afghanistan, hy vọng hòa đàm có vụt tắt?

VietTimes -- Vụ đánh bom tự sát kinh hoàng xảy ra tại một đám cưới ở thủ đô của Afghanistan đã khiến 63 người thiệt mạng và 182 người khác bị thương - Bộ Nội vụ nước này cho hay - trong bối cảnh tình trạng bạo lực không có dấu hiệu giảm nhẹ bất chấp hy vọng về một thỏa thuận rút quân của Mỹ.
Nhân viên thu dọn hiện trường vụ đánh bom xảy ra trong sảnh cưới ở thủ đô Kabul, Afghanistan (Ảnh: Reuters)
Nhân viên thu dọn hiện trường vụ đánh bom xảy ra trong sảnh cưới ở thủ đô Kabul, Afghanistan (Ảnh: Reuters)

Vụ đánh bom xảy ra trong lúc lực lượng Taliban và Mỹ đang nỗ lực đàm phán để đạt một thỏa thuận mà trong đó Mỹ rút quân để đổi lấy cam kết của Taliban trong việc tổ chức hòa đàm với Chính phủ Afghanistan mà Mỹ hậu thuẫn.

Taliban đã lên tiếng bác bỏ sự dính líu tới vụ nổ xảy ra tại sảnh của đám cưới ở thủ đô Kabul. Theo phát ngôn viên Bộ Nội vụ Afghanistan Nasrat Rahimi, rất nhiều phụ nữ và trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng.

Vụ đánh bom đẫm máu xảy ra vào đêm hôm thứ Bảy, chỉ 1 ngày sau một vụ đánh bom khác nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo ở Pakistan, khiến 1 người họ hàng của thủ lĩnh Taliban Haibatullah Akhundzada thiệt mạng. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 20 người bị thương này.

Một số bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội hôm 18/8 cho thấy nhiều thi thể nằm la liệt trên đất, bàn ghế xô lệch tại sảnh của đám cưới, nhiều vết máu loang lổ trên thảm.

"Mọi người chạy trong hoảng loạn" - một nhân viên lễ tân tại sảnh, Sayed Agha Shah, kể lại - "Một số nhân viên của chúng tôi cũng thiệt mạng hoặc bị thương".

Ông Mohammad Hasan, một người dân sống gần đó, kể lại rằng ông đã lao ngay tới hiện trường vụ đánh bom sau khi nghe tiếng nổ lớn: "Tôi trông thấy nhiều phụ nữ, trẻ em đang la hét và khóc lóc".

Dịch vụ tổ chức đám cưới đã trở thành một ngành làm ăn béo bở ở Kabul trong lúc mà nền kinh tế Afghanistan đang dần phục hồi, các gia đình có xu hướng chi nhiều tiền hơn để tổ chức đám cưới. Trên nhiều tuyến phố thủ đô, các địa điểm tổ chức đám cưới mọc lên khá nhiều. Tháng 11 năm ngoái, ít nhất 40 người thiệt mạng trong một vụ nổ cũng ở một sảnh cưới tại Kabul.

Trong hôm 18/8, 2 phát ngôn viên của Taliban lần lượt đưa ra các tuyên bố bác bỏ sự liên quan tới vụ đánh bom xảy ra vào tối thứ Bảy. Được biết, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng hoạt động mạnh ở Afghanistan và thường xuyên thực hiện các vụ đánh bom đẫm máu ở nhiều thị trấn, thành phố, một số vụ nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi'ite.

Giày dép của các nạn nhân được xếp bên ngoài sảnh cưới sau khi vụ nổ xảy ra (Ảnh: Reuters)
Giày dép của các nạn nhân được xếp bên ngoài sảnh cưới sau khi vụ nổ xảy ra (Ảnh: Reuters)

Đổ máu và hòa đàm

Trong những tháng gần đây, chiến sự và các vụ đánh bom ở Afghanistan vẫn không có dấu hiệu ngừng lại, bất chấp Mỹ và Taliban đã tích cực đàm phán kể từ hồi cuối năm ngoái. Ở tỉnh Balkh nằm ở phía Bắc, 11 thường dân đã thiệt mạng trong hôm Chủ nhật khi một trái bom đặt bên vệ đường phát nổ - theo lực lượng cảnh sát địa phương.

Taliban đã chiến đấu nhằm hất cẳng các lực lượng nước ngoài khỏi lãnh thổ Afghanistan và thiết lập lại một nhà nước Hồi giáo kể từ sau khi bị đánh bại vào tháng 10/2001, chỉ vài tuần sau sự kiện khủng bố ngày 11/9 ở nước Mỹ.

Hiện nay, cả các nhà đàm phán của Mỹ và Taliban đều xác nhận về tiến triển sau 8 vòng đàm phán liên tiếp được tổ chức kể từ cuối năm ngoái.

Trong hôm thứ Bảy, giới chức của Taliban tuyên bố rằng, vụ đánh bom ở thành phố Quetta, Pakistan khiến 1 người anh em của thủ lĩnh của họ thiệt mạng sẽ không ảnh hưởng tới các vòng hòa đàm với Mỹ. Hiện Taliban đang chuẩn bị cho các vòng đàm phán sắp tới, với hy vọng sẽ thu hẹp được sự khác biệt của các bên. Hiện chưa có ngày cụ thể cho vòng đàm phán thứ 9.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi đó, không ngần ngại tuyên bố về mong muốn rút hết binh sỹ khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ. Các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ đã thông báo vắn cho ông Trump về tiến trình đàm phán với Taliban trong hôm thứ Sáu tuần này.

Giới chức Afghanistan, trong khi đó, lại đặt ra nhiều mối quan ngại sâu sắc về các vòng đàm phán với Taliban. Họ lo sợ rằng Afghanistan sẽ bị đẩy vào một cuộc nội chiến mới, và rồi Taliban sẽ trở thành thế lực thống trị. Theo thỏa thuận được kỳ vọng, Taliban sẽ đảm bảo rằng Afghanistan không chứa chấp các nhóm phiến quân có kế hoạch tổ chức các vụ khủng bố ở nước ngoài. Taliban cũng cam kết sẽ mở các vòng đàm phán về chia sẻ quyền lực với Chính phủ mà Mỹ hậu thuẫn và chấp nhận một lệnh ngừng bắn.

Mỹ hiện vẫn duy trì khoảng 14.000 binh sỹ ở Afghanistan, chủ yếu đóng vai trò huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng an ninh nước này, tổ chức các chiến dịch chống phiến quân.

Theo Reuters