Kể từ đầu năm 2019, đã có 4 quân nhân Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan. Điều đó cho thấy, mặc dù Washington cố gắng chấm dứt cuộc chiến 17 năm (kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ), nhưng những khó khăn và trở ngại không giảm xuống mà tiếp tục tăng lên.
Bộ tư lệnh hỗn hợp quân đội Mỹ và NATO trong sứ mệnh Kiên quyết Hỗ trợ (Resolute Support) cho biết, theo chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, tên họ của các quân nhân thiệt mạng trong trận đánh sẽ được giữ bí mật đến khi Chính phủ Mỹ thông báo cho thân nhân gia đình.
Bản tuyên bố không xác định vị trí của trận chiến hoặc cho biết những người lính Mỹ đã hi sinh trong tình huống nào.
"Vụ việc đang được điều tra và chúng tôi không có thêm thông tin nào để cung cấp", Debra Richardson, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh sứ mệnh Kiên quyết Hỗ trợ cho biết.
Có khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ đang tham chiến ở Afghanistan, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang Afghanistan. Hiện lực lượng này đang bị bao vây trên nhiều khu vực và phải chiến đấu trên hai mặt trận: lực lượng Taliban đang hồi sinh và chiếm lĩnh gần một nửa đất nước; lực lượng khủng bố IS, đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát ở Afghanistan nhằm thay thế cho "Caliphate" – Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã sụp đổ ở Syria và Iraq.
Quân đội Mỹ đã tấn công đánh bại Taliban trong chiến dịch viễn chinh của liên minh quân sự quốc tế do NATO dẫn đầu năm 2001 sau cuộc khủng bố ngày 11.09. Nhưng lực lượng Taliban đã hồi sinh khi Washington chuyển binh lực sang đối phó với ông Saddam Hussein tại Iraq. Đến năm 2009, cuộc chiến Afghanistan hoàn toàn rơi vào vũng lầy không lối thoát.
Lầu Năm Góc trong năm qua đưa ra kế hoạch rút một nửa lực lượng Mỹ tại Afghanistan, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực đàm phán với Taliban.
Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad, đại diện của chính quyền tổng thống Donald Trump đã kết thúc cuộc chạy đua đàm phán marathon đầu tháng 03.2019 kéo dài 13 ngày với các thủ lĩnh của tổ chức nổi dậy khét tiếng cực đoan Taliban.
Sau nhiều vòng đàm phán diễn ra tại Qatar, nơi Taliban duy trì một văn phòng đối ngoại, Khalilzad cho biết hai bên đạt được hai "dự thảo thỏa thuận" là việc Mỹ rút quân và Taliban đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành thánh địa của "những kẻ khủng bố".
Nhưng đại diện của Nhà Trắng không thể thuyết phục Taliban thực hiện các cuộc đàm phán với chính phủ Afghanistan. Taliban liên tục từ chối tổ chức đối thoại với chính phủ Kabul, nói rằng đây là một "con rối Mỹ".
Hai bên dường như thỏa thuận về việc rút các lực lượng vũ trang do Mỹ dẫn đầu, nhưng khác biệt về thời gian và số quân nhân Mỹ còn lại trên đất nước này. Năm 2018, có 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan.
Cho đến lúc này, Taliban đang là lực lượng cực đoan và cứng rắn nhất hơn cả IS. Giữa Taliban và IS có sự thù địch rõ ràng, nhưng cũng có những tương đồng về tư tưởng. Chính vì vậy, có thể thấy rõ, Taliban chỉ muốn Mỹ và NATO rút quân ngay lập tức, nhưng vấn đề IS vẫn chưa rõ ràng và việc “không biến Afghanistan” trở thành thánh địa khủng bố không có gì bảo đảm.
Việc IS có thể phát triển ở quốc gia này là hoàn toàn có thể - nếu IS không tấn công Taliban mà chỉ tấn công chính quyền Kabul và các quốc gia láng giềng, trong đó có Nga và Trung Quốc. Rất có thể sẽ có một tình huống tương tự như Syria và Iraq. Nhưng Mỹ sẽ không để tâm tới hậu quả này.