"Tôi có thể giành chiến thắng cuộc chiến đó trong một tuần" - Tổng thống Trump nói trước báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Imran Khan - "Nhưng tôi không muốn giết hại 10 triệu người dân...Afghanistan có thể bị xóa sổ khỏi mặt đất. Tôi không muốn đi con đường đó...Tôi có một kế hoạch giúp giành chiến thắng trong một khoảng thời gian rất ngắn...".
Cuộc chiến mà Mỹ phát động ở Afghanistan hiện là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử của Lầu Năm Góc, bắt đầu từ năm 2001 sau khi sự kiện khủng bố ngày 11/9 xảy ra. Vụ khủng bố đẫm máu được thực hiện bởi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, một đồng minh của Taliban, nhóm vũ trang thống trị cuộc nội chiến ở Afghanistan thời điểm bấy giờ.
Dù tầm kiểm soát và sức mạnh của các phe phái thay đổi trong nhiều năm qua, nhưng Taliban đến nay lại trỗi dậy mạnh mẽ và buộc chính quyền Trump phải lựa chọn tổ chức đàm phán hòa bình thay vì vùi dập nhóm này.
Cảnh sát Afghanistan có mặt tại hiện trường một vụ đánh bom ở Kandahar ngày 18/7 (Ảnh: Newsweek)
|
Phát ngôn mà ông Trump mới đưa ra khiến nhiều người quan ngại rằng ông có thể đang cân nhắc về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Afghanistan. Tướng 4 sao về hưu Barry McCaffrey - hiện là chuyên gia phân tích chính trị - đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn trên trên Twitter.
"Rất quan ngại khi nghe buổi họp báo chung giữa ông Trump và Thủ tướng Pakistan tại Phòng Bầu Dục. Ông ta tuyên bố rằng chúng ta đã phân tích và cân nhắc về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để sát hại hàng triệu người ở Afghanistan như một giải pháp cho cuộc xung đột. Ông Trump đang nghĩ gì vậy?" - ông McCaffrey viết.
"Hãy đảm bảo rằng không có kế hoạch quân sự nào triển khai vũ khí hạt nhân ở Afghanistan" - ông McCaffrey viết thêm.
Tổng thống Trump từng công bố chiến lược của ông về Afghanistan vào tháng 8/2017, kêu gọi chấm dứt "xây dựng quốc gia", thay vào đó tập trung vào việc "tiêu diệt những kẻ khủng bố", chỉ vài tháng sau khi ông chỉ thị cho quân đội Mỹ thả trái bom phi hạt nhân lớn nhất (GBU-43/B, hay Mẹ của tất cả các loại bom (MOAB) nhằm vào nơi ẩn náu của IS ở tỉnh Nangarhar. Nhưng từ sau đó, tầm kiểm soát của Taliban ngày càng mở rộng, chính phủ mà Lầu Năm Góc hậu thuẫn đã suy yếu, gây ra mối quan ngại không chỉ cho Mỹ mà cả các nước trong khu vực như Pakistan.
Dù ông Trump và ông Khan từng trao đổi nhiều ngôn từ hà khắc với nhau trong quá khứ, và Mỹ đã cắt hàng triệu USD tiền viện trợ quân sự cho Pakistan do nghi ngờ nước này che giấu các nhóm phiến quân, nhưng hai nhà lãnh đạo hiện đang nỗ lực tăng cường hợp tác về vấn đề Afghanistan. Sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc cuộc gặp, Nhà Trắng tung ra một biên bản trong đó nêu rõ rằng ông Trump "đang tăng cường hợp tác với Pakistan về các vấn đề quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Nam Á".
Trung Quốc, đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ và có mối quan hệ thân thiết với Pakistan, cũng đang tìm kiếm vai trò ở Afghanistan, nơi mà Nga và Ấn Độ cũng đang đóng vài trò ngày càng tích cực. Đầu tháng này, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã tạm gạt bỏ bất đồng địa chính trị và nhấn mạnh rằng họ "hoan nghênh Pakistan tham gia các cuộc tham vấn và tin rằng Pakistan có thể đóng vài trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan" trong một tuyên bố chung ký kết ở Islamabad.
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia tham gia vào vấn đề Afghanistan trong lúc mà ông Trump muốn giảm sự hiện diện quân sự Mỹ ở nước này, và tận dụng đòn bẩy của Pakistan để thúc giục Taliban ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Ông Trump trong hôm đầu tuần nói rằng Mỹ "đã rút một số lượng binh sỹ" khỏi Afghanistan.
"Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch một cách chậm rãi và an toàn. Và chúng tôi đang làm việc với Pakistan, đàm phán với Taliban. Chúng tôi đang làm rất tốt" - ông Trump nói - "Chúng tôi đang hợp tác với Pakistan về một giải pháp".
Về phần mình, Thủ tướng Khan nhấn mạnh rằng "không có giải pháp quân sự cho Afghanistan", thêm rằng "nếu các bạn lựa chọn giải pháp quân sự, hàng triệu người sẽ thiệt mạng".