Đài Loan trình làng UAV tự sát mệnh danh “sát thủ tàu sân bay”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Học viện Công nghệ Trung Sơn, Đài Loan hôm 15/11 đã trưng bày một loạt máy bay không người lái, trong đó có loại UAV tự sát chống bức xạ được họ gọi là “Sát thủ tàu sân bay”.
Máy bay không người lái tự sát chống bức xạ Jianxiang và xe phóng được Đài Loan trưng bày hôm 15/11 (Ảnh: Chinatimes).
Máy bay không người lái tự sát chống bức xạ Jianxiang và xe phóng được Đài Loan trưng bày hôm 15/11 (Ảnh: Chinatimes).

Theo trang mạng Huanqiu của Trung Quốc, chiếc máy bay không người lái chống bức xạ mang tên “Jianxiang” (Kiếm Tường) này đã được giới thiệu trước các nhà báo. Theo giới thiệu thì đây là loại máy bay không người lái tấn công chống bức xạ radar có bán kính hoạt động trên 1000km, có thể đưa hầu hết các trạm radar của Trung Quốc ở các tỉnh ven biển Đông Nam vào tầm tấn công và có thể tấn công tất cả các tàu biển hoạt động trên eo biển Đài Loan, bao gồm các tàu chiến và tàu sân bay của Trung Quốc.

UAV tự sát chống bức xạ Jianxiang của Đài Loan được trình làng hôm 15/11 (Ảnh: Chinatimes).

UAV tự sát chống bức xạ Jianxiang của Đài Loan được trình làng hôm 15/11

(Ảnh: Chinatimes).

Ông Tề Lập Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu hàng không Đài Loan nói, máy bay không người lái “Jianxiang” giúp thực thi chiến thuật tác chiến phi đối xứng của quân đội Đài Loan. Máy bay thể tích nhỏ, có thể ở trên không liên tục 5-6 giờ, tốc độ bay đạt 200km/h, tốc độ bổ nhào 500-600km/h, có tính cơ động mạnh, có thể trong thời gian ngắn hoàn thành nhiệm vụ phóng và tấn công mục tiêu. Chiếc máy bay không người lái này có hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), sau khi được phóng có thể tự chủ né tránh mạng lưới hỏa lực của đối phương và tự tìm kiếm mục tiêu để tấn công.

Báo chí Đài Loan đưa tin chiếc Jianxiang là hạng mục trọng điểm trong “Kế hoạch nâng cao sức mạnh chiến đấu” của cơ quan phòng vệ Đài Loan. Cơ quan này đã chi ra 11,9 tỉ Đài tệ, dự tính mỗi năm xuất xưởng 48 chiếc trở lên và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

UAV cỡ lớn Tengyun (Đằng Vân) được trưng bày (Ảnh: Chinatimes).

UAV cỡ lớn Tengyun (Đằng Vân) được trưng bày (Ảnh: Chinatimes).

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, hệ thống Jianxiang có thể tấn công chính xác các hệ thống radar vũ khí khác nhau. Chỉ cần các tàu thông thường trong eo biển có hoạt động của radar, chúng sẽ khó tránh khỏi đòn tấn công chính xác của Jianxiang.

UAV chống bức xạ "Jianxiang" có kích thước nhỏ, khả năng cơ động cao và thời gian hoạt động lâu dài trên không. Ngoài ra, việc lập kế hoạch nhiệm vụ có thể được thực hiện trước khi phóng và có thể sử dụng đường bay tối ưu để bay đến phía trên khu vực mục tiêu để tìm kiếm, né tránh các mối đe dọa, phòng ngừa bị pháo và tên lửa phòng không của đối phương tấn công.

UAV Ruiyuan-1 (Ảnh: Chinatimes).
UAV Ruiyuan-1 (Ảnh: Chinatimes).

Để đáp lại sự quan tâm chú ý của giới truyền thông, Viện Công nghệ Trung Sơn cho biết họ đã hợp tác với các nhà sản xuất Đài Loan để phát triển, sản xuất các thành phần, loại trừ việc sử dụng các bộ phận do Trung Quốc Đại Lục sản xuất. Tất cả các doanh nghiệp hợp tác đều được tiến hành điều tra lai lịch doanh nghiệp để chứng minh rằng họ không có vốn của Trung Quốc và không có hoạt động kinh doanh với Trung Quốc; tất cả người ra vào đều bị kiểm tra an ninh, bảo mật chặt chẽ v.v… khi qua đơn vị giám sát, kiểm tra đảm bảo không còn tình trạng linh kiện do Trung Quốc sản xuất lọt vào.

Theo truyền thông Đài Loan, UAV Jianxiang đã vượt qua đánh giá tác chiến ban đầu, có khả năng bay qua eo biển Đài Loan và thực hiện cuộc "tấn công tự sát" vào radar phòng không trên bộ ven biển của Trung Quốc. Jianxiang có khả năng phân tích tham số điện tử và tự động di chuyển, đồng thời có thể thực hiện "cuộc tấn công tự sát" tốc độ cao sau khi phát hiện tín hiệu radar của đối phương. Nó chỉ cần khả năng bay một chiều, vì vậy nó không giống như các loại UAV tấn công hoặc trinh sát khác cần xem xét các vấn đề thu hồi tái sử dụng.

UAV trực thăng trinh sát chiến thuật tầm gần (Ảnh: Chinatimes).

UAV trực thăng trinh sát chiến thuật tầm gần (Ảnh: Chinatimes).

Được biết, từ năm 2019, Bộ Tư lệnh Tên lửa phòng không của Không quân Đài Loan đã chuẩn bị ngân sách 5 năm là 80 tỷ Đài tệ để xây dựng một hệ thống phương tiện bay không người lái chống bức xạ với tên gọi "Dự án Jianxiang". Dự án này đã được Viện lập pháp thông qua. Các máy bay không người lái chống bức xạ kiểu bầy ong này có thể nhắm mục tiêu nguồn sóng điện từ của hệ thống radar và vũ khí của tàu đối phương để tiến hành một cuộc tấn công.

Viện Khoa học Trung Sơn đánh giá: hệ thống Jiangxiang rẻ hơn tên lửa chống bức xạ “Tianjian-2A” (Thiên Kiếm-2A) và càng rẻ hơn loại AGM-88 do Mỹ sản xuất, có giá hàng trăm triệu nhân dân tệ. Theo báo chí, giá thành của Jianxiang UAV không quá 25 triệu Đài tệ.

Biểu diễn UAV trực thăng trinh sát (Ảnh: Chinatimes).

Biểu diễn UAV trực thăng trinh sát (Ảnh: Chinatimes).

Viện Khoa học Trung Sơn cho biết Jiangxiang hiện đang ở vào giai đoạn sản xuất hàng loạt và sẽ trở thành trang bị tiêu chuẩn của Bộ chỉ huy tên lửa phòng không. Dự kiến ​​sẽ sản xuất 104 UAV Jianxiang trong vòng 6 năm từ năm 2019 đến 2025; các UAV Jianxiang có thể bay cảnh giới trên không một thời gian dài, khi mục tiêu được tìm thấy, nó sẽ thực hiện một cuộc tấn công tự sát. Vì vậy, Jianxiang vừa là máy bay và cũng là tên lửa. Sau khi Jianxiang được phóng đi, nó sẽ không được thu hồi.

Các UAV Jianxiang do Viện Công nghệ Trung Sơn trưng bày đều được đặt trên xe phóng và một xe phóng có thể chở 12 UAV. Ông Tề Lập Bình chỉ ra rằng máy bay không người lái này có thể được sử dụng đơn chiếc để tấn công hoặc "tấn công kiểu bầy ong" và chế áp được tất cả các nguồn bức xạ bao gồm các trạm radar trên đất liền, tàu biển của các quốc gia khác.

Các xe phóng UAV Jianxiang có thể cơ động động và triển khai trên các đảo bên ngoài đảo chính Đài Loan, thậm chí có thể phóng từ mô-đun phóng trên tàu.

Mỗi xe phóng có thể mang và phóng 12 chiếc Jianxiang (Ảnh: Chinatimes).

Mỗi xe phóng có thể mang và phóng 12 chiếc Jianxiang (Ảnh: Chinatimes).

Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc Đại Lục cho rằng, mặc dù Cơ quan phòng vệ và Viện nghiên cứu Hàng không Đài Loan ra sức quảng bá cho uy lực của máy bay không người lái Jianxiang song giới chuyên môn bày tỏ nghi ngờ hiệu quả thực nó có tầm hoạt động 1000km hay không vì không thấy trên chiếc máy bay thể tích nhỏ này có thùng nhiên liệu tương ứng.

Theo Chinatimes, ngày 15/11, Học viện Công nghệ Trung Sơn Đài Loan đã mời giới truyền thông đến tham quan, tìm hiểu quá trình phát triển của các UAV quân sự để giới thiệu những thành tựu nghiên cứu và phát triển độc lập của các UAV của Đài Loan. Lần đầu tiên tiết lộ, quân đội Đài Loan đã chi 780 triệu Đài tệ để mua 50 bộ 100 chiếc máy bay lên thẳng không người lái "phương tiện trinh sát và tìm kiếm không người lái tầm ngắn chiến thuật", có các chức năng như cất cánh và hạ cánh tự động có bán kính hoạt động hơn 30 km, thời gian bay trên không hơn 1 giờ, chịu được gió mạnh cấp 6. Nó sẽ đảm nhận nhiệm vụ trinh sát và giám sát chiến thuật ở các khu vực xa bờ và ven biển. Ngoài ra, còn có loại UAV cỡ lớn Tengyun (Đằng Vân), UAV Ruiyuan-1 (Thụy Diên-1).

Truyền thông Trung Quốc đưa tin về UAV Jianxiang và các UAV của Đài Loan

(Nguồn: Sohu).

Trong đó, nhiệm vụ chính của UAV cỡ lớn Tengyun là tìm kiếm mục tiêu và trinh sát điện tử từ khoảng cách xa. Bán kính hoạt động lớn hơn 1.100 km và thời gian bay liên tục trên không hơn 20 giờ, có khả năng dẫn đường và điều khiển qua vệ tinh. Hiện đã hoàn thành đánh giá R&D, sau khi hoàn thành đánh giá hoạt động vào năm sau, sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt theo nhu cầu của Không quân.