Đài Loan lần đầu tiên chính thức xác nhận có tên lửa hành trình Vân Phong tầm bắn hơn 1.000 km

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cựu Viện trưởng Khoa học Trung Sơn Đài Loan, lần đầu tiên xác nhận trong hồi ký tên lửa hành trình siêu thanh do viện này phát triển có tầm bắn hơn 1.000 km.
Đài Loan phóng thử tên lửa Hùng Phong-2E, biến thể Hùng Phong-2E/B được cho là có tầm bắn trên 1000km (Ảnh: LTN).
Đài Loan phóng thử tên lửa Hùng Phong-2E, biến thể Hùng Phong-2E/B được cho là có tầm bắn trên 1000km (Ảnh: LTN).

Theo Chinatimes ngày 13/12, Viện nghiên cứu Lịch sử hiện đại Đài Loan gần đây đã xuất bản cuốn "Hồ sơ phỏng vấn ông Củng Gia Chính (Gong Jiazheng)", Trung tướng quân đội về hưu, cựu Viện trưởng Khoa học Trung Sơn, lần đầu tiên tiết lộ bí mật nội bộ về việc nghiên cứu phát triển và thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên của Đài Loan có thể bắn qua Bắc Kinh.

Theo lời ông Củng Gia Chính, Dự án Vân Phong (Yunfeng) là tên chương trình phát triển tên lửa hành trình siêu thanh có bí số là W-99. Tên lửa W-99 (Vân Phong) sử dụng động cơ phản lực “ramjet”, sau khi tên lửa rời bệ phóng đến một độ cao nhất định, động cơ sẽ được kích hoạt và phóng đi với tốc độ rất nhanh, khoảng trên Mach 3, rơi thẳng đứng, nhắm vào mục tiêu và tấn công, có sức xuyên phá và hủy diệt rất mạnh. Tên lửa Vân Phong có tầm bắn đạt hơn 1.000 km, là tên lửa hành trình siêu âm tầm cao, rất khó bị đánh chặn và có tác dụng răn đe; thời điểm đó mới chỉ có Mỹ và Nga đang phát triển loại tên lửa này, Đài Loan cũng tự nghiên cứu phát triển tên lửa của riêng mình.

Ông Củng Gia Chính, cựu Viện trưởng Khoa học Trung Sơn, Đài Loan (Ảnh: Chinatimes).

Ông Củng Gia Chính, cựu Viện trưởng Khoa học Trung Sơn, Đài Loan

(Ảnh: Chinatimes).

Dự án này được xây dựng trong nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui). Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, cơ quan Quốc phòng Đài Loan đã quyết định chấm dứt, không tiếp tục dự án nữa…

Tuy nhiên, sau khi ông Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) lên nắm quyền đến Viện Khoa học Trung Sơn kiểm tra và tìm hiểu tiến độ phát triển và kết quả phát triển các loại vũ khí và thiết bị. Sau đó ông chỉ đạo cơ quan Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho dự án đi đến thành công để thành lập lực lượng răn đe chiến lược.

Từ trước đến nay cơ quan Quốc phòng Đài Loan chưa bao giờ xác nhận tên lửa hành trình siêu thanh tầm cao Vân Phong của họ đã được phát triển thành công hay chưa. Đây lần đầu tiên cựu Viện trưởng Khoa học Trung Sơn tiết lộ ông đã cùng các nhà khoa học phát triển và hoàn thành thành công “đánh giá chiến thuật” vũ khí này trong nhiệm kỳ của mình. Tên lửa siêu thanh W-99 Vân Phong, có tầm bắn hơn 1.000 km và có thể bao phủ Bắc Kinh, đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên truyền thông.

Bìa cuốn sách có liên quan (Ảnh: LTN).

Bìa cuốn sách có liên quan (Ảnh: LTN).

Ngoài hồi ký của Củng Gia Chính, vào tháng 9 năm nay, ông Tô Ngọc Bản (Su Yuben), viện sĩ của Viện Khoa học Trung Sơn, đã được quân đội Đài Loan tặng "Huân chương Juguang hạng A". “Bộ trưởng Quốc phòng” Khưu Quốc Chính (Qiu Guozheng) ca ngợi ông Tô “đã đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo việc tích hợp và phát triển các hệ thống cơ điện liên quan đến tên lửa và rocket”, "đặt nền móng cho việc nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống tên lửa của quân đội, đồng thời thực hiện nghiên cứu và phát triển phương tiện bay hành trình siêu thanh, ngoài việc nâng cao khả năng phòng thủ của Đài Loan, còn chiếm vị trí hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan trên toàn thế giới."

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan luôn kín tiếng về chủ đề tên lửa Vân Phong, Viện trưởng lập pháp Đài Loan Dư Tích Khôn (Yu Xikun) đã đề cập trong một bài phát biểu qua truyền hình vào tháng 6 năm nay: Khi còn là Viện trưởng Hành chính, ông đã biết rằng tên lửa Vân Phong có thể tấn công Bắc Kinh, nhưng ông không thể nói rằng tên lửa Vân Phong đã được sản xuất hàng loạt. Ông cũng nói, “Đài Loan sẽ không chủ động tấn công Bắc Kinh và đập Tam Hiệp, nhưng trước khi Bắc Kinh muốn tấn công Đài Loan, họ phải cân nhắc rằng Đài Loan đã có khả năng tấn công Bắc Kinh. Đại Lục phải suy nghĩ kỹ trước khi tấn công Đài Loan."

Ông Trần Thủy Biển (áo trắng) đến thăm Viện Khoa học Trung Sơn, nghe giới thiệu về dự án phát triển tên lửa (Ảnh: Chinatimes).

Ông Trần Thủy Biển (áo trắng) đến thăm Viện Khoa học Trung Sơn, nghe giới thiệu về dự án phát triển tên lửa (Ảnh: Chinatimes).

Ông Trần Quốc Minh (Chen Guoming), quan chức "Tạp chí Phòng thủ Toàn cầu" của Đài Loan nói, mặc dù tầm bắn của tên lửa Vân Phong có thể bao trùm Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng điều đó là vô nghĩa. Việc các tên lửa hành trình truyền thống tấn công một đô thị và trông đợi đối thủ khuất phục là điều không khả thi. Chiến tranh Nga-Ukraine là một ví dụ, Nga phóng nhiều tên lửa hành trình nhưng không tiêu diệt được Ukraine.

Trần Quốc Minh nói: "Số lượng tên lửa siêu thanh do Đài Loan phát triển là có hạn và chúng phải được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự có giá trị cao, chẳng hạn như các sân bay và cầu cảng tuyến đầu dọc theo bờ biển Phúc Kiến."

Một số loại tên lửa của Đài Loan và tầm bắn. Loại (5) là Hùng Phong-2E, (6) là Vân Phong (Ảnh: Zhihu).

Một số loại tên lửa của Đài Loan và tầm bắn. Loại (5) là Hùng Phong-2E, (6) là Vân Phong (Ảnh: Zhihu).

Về việc liệu tên lửa Vân Phong có thể có tác dụng răn đe Bắc Kinh hay không, ông Trương Thành (Zhang Cheng) Tổng công trình sư chế tạo tên lửa Hùng Phong-E cho rằng: "Việc đánh tới Bắc Kinh vô nghĩa về mặt chiến thuật. Điều quan trọng nhất đối với Đài Loan là làm suy yếu khả năng tác chiến vượt biển. Nhưng về chiến lược có ý nghĩa ngăn chặn phía bên kia bờ eo biển tấn công."

Trương Thành cũng phân tích tác chiến phòng vệ eo biển Đài Loan không phải là tấn công, mà mục đích là "đánh vào nguồn", nhằm làm suy yếu các hoạt động vượt biển của PLA và tăng cường khả năng tiêu diệt kẻ thù trên biển và bờ biển. Để tấn công lực lượng tập kết ở bờ đối diện, chỉ cần tên lửa có tầm bắn 500 km; khi lực lượng tác chiến bổ sung tuyến hai của PLA được tập kết, cần tên lửa có tầm bắn 1.000 km.

Củng Gia Chính cũng đã đề cập trong hồi ký của mình chi tiết về tên lửa hành trình đất đối đất "Xiong-2E" (Hùng Phong-2E) của quân đội Đài Loan. Hùng Phong-2E được chia thành hai loại, Hùng Phong-2E/A có tầm bắn 500 km , và Hùng Phong-2E/B có tầm bắn 1.000 km. Trương Thành nói rằng điều này phù hợp hơn với nhu cầu tác chiến ở eo biển Đài Loan.

Yết Trọng (Jie Zhong), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội tầm nhìn chiến lược Đài Loan nói: khi tên lửa Vân Phong đang lao tới mục tiêu ở độ cao lớn, do tốc độ cực nhanh của nó, PLA rất khó đánh chặn. Gia tốc trọng trường khi lao gần như thẳng đứng xuống mục tiêu cho phép tên lửa có một lực xuyên phá nhất định đối với các boong-ke kiên cố và thậm chí cả các cơ sở dưới lòng đất, nếu các đầu đạn đặc biệt được phát triển trong quá trình sản xuất hàng loạt, nó có thể tấn công các mục tiêu quân sự có giá trị cao trong nội địa Trung Quốc, được bảo vệ bằng boong-ke kiên cố, thậm chí dưới lòng đất.

Tuy nhiên, không giống như Mỹ có hệ thống vệ tinh hoàn chỉnh cho các mục tiêu PLA ở khoảng cách xa, đặc biệt là các mục tiêu di động, quân đội Đài Loan thiếu khả năng theo dõi và giám sát thời gian thực và không có khả năng đánh giá kết quả tấn công sau đó. Do đó, nếu Đài Loan muốn tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa, họ phải chịu nhiều hạn chế

"Tên lửa Vân Phong không có đầu đạn hạt nhân. Với nguồn lực quốc phòng hạn chế, Đài Loan cũng không thể triển khai một số lượng lớn tên lửa Vân Phong, khó có thể gây sát thương hàng loạt hoặc phá hoại quy mô lớn. Muốn hình thành một lực lượng răn đe chiến lược đối với Trung Quốc Đại Lục là hơi ảo tưởng", Yết Trọng thẳng thắn.

Truyền thông Đài Loan đưa tin về tiết lộ của ông Củng Gia Chính, khẳng định tên lửa Vân Phong (1) có thể bắn trùm qua Bắc Kinh (Ảnh: LTN).

Truyền thông Đài Loan đưa tin về tiết lộ của ông Củng Gia Chính, khẳng định tên lửa Vân Phong (1) có thể bắn trùm qua Bắc Kinh (Ảnh: LTN).

Ông nhắc nhở, đừng mơ tưởng rằng việc sử dụng Vân Phong và các loại tên lửa tầm xa khác để tấn công đập Tam Hiệp hay các kiến trúc chỉ định ở Bắc Kinh, Thượng Hải là có thể có tác dụng răn đe đối với Trung Quốc. Cho dù nó có thể gây ra thiệt hại cụ thể cho đập Tam Hiệp, nếu Đài Loan thực sự gây thiệt hại và gây ra một số lượng lớn thương vong cho Trung Quốc, Trung Quốc sẽ chỉ còn cách tăng cường trả đũa, mà Trung Quốc lại có vũ khí hạt nhân chiến thuật, các biện pháp trả đũa sẽ càng mạnh hơn.

Tuy ông Củng Gia Chính xác nhận Đài Loan đã có một số lượng nhất định tên lửa hành trình siêu thanh Vân Phong, nhưng cho đến nay hình ảnh cụ thể cũng như các thông số kỹ thuật của nó vẫn được giữ bí mật.