Sau dịch COVID-19, tình trạng thiếu thuốc, vật tư xảy ra ở hàng loạt bệnh viện. Chính phủ và Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, do còn vướng mắc trong tổ chức đấu thầu, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số đơn vị, địa phương, nên đến tháng 10/2023, vẫn có gần 40% cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư...
Tình trạng bệnh nhân "dài cổ" chờ phẫu thuật tiếp tục diễn ra đầu năm 2024, khi các văn bản tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu hết hiệu lực.
Chờ 3 tháng chưa được phẫu thuật
Đoàn Tiến Đồng (21 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) bị phù tủy lồi cầu xương đùi, đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm trong, dịch khớp gối. Vào Bệnh viện Việt Đức - bệnh viện ngoại khoa tuyến Trung ương - từ giữa tháng 12/2023, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Nhưng đến nay, ca mổ vẫn chưa thể tiến hành vì bệnh viện hết vật tư.
Gia đình ban đầu nghĩ rằng “cơn khát vật tư” chỉ kéo dài vài tuần nhưng hơn 3 tháng trôi qua, bệnh nhân vẫn chưa được mổ.
Cuộc sống của bệnh nhân này bị xáo trộn do phải chịu đựng nỗi đau âm ỉ, đi lại khó khăn. Bóng đá là môn thể thao yêu thích nhưng thanh niên này phải từ bỏ. Đi đâu xa, Đồng phải nhờ bố mẹ hỗ trợ.
75 tuổi, ông Nguyễn Văn Cớt (ở Hải Phòng) gãy cổ xương đùi do tai nạn giao thông. Bệnh viện ở Hải Phòng sau khi sơ cứu đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật. Nhưng sau khi khám, bác sĩ cũng thông báo hết vật tư nên chưa thể mổ.
Hôm ông Cớt đến Bệnh viện Việt Đức, nhiều bệnh nhân bị tai nạn cũng được đưa vào khám nhưng phải chuyển sang cơ sở y tế khác vì phẫu thuật chưa thể thực hiện. "Thực tế là Bệnh viện đang thiếu thuốc, vật tư, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến bệnh nhận", lãnh đạo của Bệnh viện Việt Đức nói với VietTimes.
Một bác sĩ quen đã tư vấn nên cho ông Cớt chuyển viện. Gia đình lập tức đưa bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai, nhưng nằm chờ mấy ngày vẫn chưa đến lượt phẫu thuật. Đây là một trong số ít các bệnh viện còn thuốc, vật tư, nên nhiều bệnh nhân đổ về, gây nên tình trạng quá tải.
"Vào bệnh viện, thấy bệnh nhân nằm la liệt chờ đến lượt mổ. Tuy nhiên, chờ đợi mà được phẫu thuật còn hơn là không", người nhà ông Cớt cho biết.
Còn tại Bệnh viện K, bà Trần Thị Lan (ở Thái Nguyên) chờ cả buổi sáng để khám ung thư. Nhưng khi đến lượt xét nghiệm, bác sĩ cho biết bệnh viện không còn hoá chất. Nhân viên y tế đề nghị bà sang Bệnh viện Quân y 103.
Hôm đó, bệnh nhân bắt xe ôm đi đi lại lại giữa 2 bệnh viện để làm xét nghiệm và nhận kết quả. Có bảo hiểm y tế nhưng bà Lan vẫn phải trả tiền cho các xét nghiệm ở Bệnh viện Quân y 103.
Một bệnh nhân khác là anh Phạm Bá Dũng (ở Hưng Yên) mới đây phải mổ u não. Do Bệnh viện K không đủ vật tư nên gia đình phải mua dao mổ ở bên ngoài giá hơn 5 triệu đồng. Thêm chi phí mua bông băng gạc và các vật tư khác, tổng số tiền gia đình anh Dũng phải bỏ ra mua vật dụng trước ca phẫu thuật là hơn chục triệu đồng.
"Không dám đấu thầu vì thiếu hướng dẫn"
Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế diễn ra trầm trọng sau dịch COVID-19, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế. Trước tình hình đó, đầu tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Hơn 3 tháng sau, Bộ Y tế ra Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập. Hai văn bản này cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc trong đấu thầu, tuy nhiên chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023.
Việc mua sắm hiện nay thực hiện theo Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ 1/1/2024. Do đó, lãnh đạo một số bệnh viện nhận định trong năm 2024, tình hình thiếu thuốc, vật tư, hoá chất, trang thiết bị ở các bệnh viện sẽ nặng nề hơn năm 2023.
"Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ đầu năm nay nhưng sau 2 tháng mới có Nghị định 24 quy định thi hành Luật và hiện gần hết quý I vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Có thông tư hướng dẫn, các bệnh viện mới mở thầu, thì phải mất 3-5 tháng nữa mới có thuốc, vật tư để phục vụ khám chữa bệnh. Tức là ít nhất cuối quý III năm nay tình hình mới ổn định", lãnh đạo một bệnh viện nói.
Theo giám đốc một bệnh viện công ở Hà Nội (đề nghị giấu tên), Nghị định 24 giải quyết khá nhiều vấn đề liên quan quy trình đấu thầu nhưng cũng ghi rõ Bộ Y tế cần phải làm thêm một số bước như phân loại thuốc, trang thiết bị, vật tư theo nhóm cần đấu thầu tập trung và nhóm giao cho các bệnh viện tự chủ. Do đó, trong khi Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng các thông tư hướng dẫn, nhiều bệnh viện không thể triển khai đấu thầu, mua sắm hàng hoá.
Từ góc nhìn lãnh đạo cơ sở y tế đang còn vật tư, thuốc để khám chữa bệnh, khi chia sẻ với các thành viên câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện khu vực phía Bắc, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nói rằng các đơn vị có thể vận dụng Nghị định 24 vào mua sắm, đấu thầu phục vụ nhu cầu cấp bách vì thủ tục mua sắm cấp bách đã được rút gọn nhiều so với trước. Tuy nhiên, có tâm lý lo lắng về tính trung thực và chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp đưa ra.
Theo ông Cơ, các bệnh viện lo sợ những mặt hàng chỉ một doanh nghiệp cung ứng, hoặc doanh nghiệp có sản phẩm lập nhiều công ty để tham gia thầu và đưa ra mức giá gần như nhau. Khi đó, báo giá, kê khai trên hệ thống chưa chắc đã an toàn. Bệnh viện mua thuốc, vật tư giá cao thì đến khi thanh tra, kiểm toán lại bị xử lý.
Trong khi các bệnh viện tiếp tục chờ hướng dẫn thì mỗi ngày, lại có thêm nhiều bệnh nhân "dài cổ" chờ được phẫu thuật. Cảnh gia đình đôn đáo tìm cách chuyển viện, bỏ tiền tự mua dao mổ vẫn tiếp diễn.
Trong kỳ sau, VietTimes đề cập đến lý giải của Bộ Y tế về việc thiếu thuốc, vật tư y tế. Theo cơ quan quản lý, việc thiếu vật tư do bệnh viện không nghiên cứu kỹ quy định, sợ làm sai.
Quý bạn đọc từng gặp các vấn đề phát sinh liên quan việc bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế vui lòng chia sẻ với VietTimes qua email: toasoan@viettimes.vn
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu