Đã khống chế được nguồn cung chất cấm trong chăn nuôi

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết tình trạng sử dụng chất cấm trong chă nuôi đã giảm đáng kể. Đặc biệt, nguồn cung chất Subtamol đã được khống chế.
Mới đây, khi kiểm tra và lấy 100 mẫu thức ăn chăn nuôi, cơ quan thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ phát hiện 1 mẫu có chất cấm. Ảnh minh họa: NL.
Mới đây, khi kiểm tra và lấy 100 mẫu thức ăn chăn nuôi, cơ quan thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ phát hiện 1 mẫu có chất cấm. Ảnh minh họa: NL.

Tại buổi tổng kết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PT-NT) sáng 5/1, Thủ tướng đã 2 lần nhắc về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.

Trong cuộc họp với báo chí chiều cùng ngày, vấn đề này lại tiếp tục làm nóng hội trường. 

Đã khống chế được nguồn cung chất Subtamol

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi đã giảm đáng kể. Mới đây, Bộ phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra 100 mẫu chỉ có 1 mẫu vi phạm ở Bắc Giang.

Ông Việt cũng cho biết, trong năm qua, các loại chất cấm cơ bản mà nhiều doanh nghiệp sử dụng trong thức ăn chăn nuôi đã bị phát hiện là vàng ô và Subtamol. Cả 2 chất này đều sử dụng cho cả gia súc và gia cầm. Trong đó, chất vàng ô là chất tạo màu công nghiệp, sử dụng trong nhuộm dệt may. Chất này đã cấm sử dụng trong chăn nuôi. 

Hiện tại, cơ quan chức năng đã khống chế được nguồn cung cấp của chất Sutamol. "Bộ đã phối hợp với C49 bóc được đường dây nhập khẩu, buôn bán, phân phối chất cấm này. Tôi khẳng định trong thời gian này, nguồn cung cấp Subtamol sẽ hạn chế nhiều", ông Việt nhấn mạnh.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Việt cũng cho biết, mặc dù tần suất sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm song đến năm 2016, nếu như còn tồn tại, thì đây vẫn là chiến dịch được đề cao của Bộ.  Song Bộ sẽ tăng cường thanh tra đột xuất, giảm tần suất thanh tra có kế hoạch. Khi việc xử lý chất cấm trong chăn nuôi giảm sẽ phải "đánh" chất cấm trong thủy sản.

“Hóa chất trong thủy sản chủ yếu là chất xử lý môi trường và kháng sinh để chữa bệnh cho động vật. Người dân lạm dụng nên việc tồn dư chất độc hại trong thực phẩm nhiều. Song việc này tương đối khó, bởi Subtamol chủ yếu nhập chính ngạch nhưng chất kháng sinh và hóa chất lần này tương đối khó bởi chủ yếu nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Song, cơ hội của chúng ta tương đối lớn bởi đã có kinh nghiệm trong chiến dịch thanh, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi”, ông Việt cho hay.

Nên hình sự hóa tội phạm buôn bán thực phẩm bẩn

Ngoài vấn đề chất cấm trong chăn nuôi thì việc phát hiện ngày càng nhiều những vụ buôn  bán, phân phối thực phẩm bẩn cũng là vấn đề nóng của những tháng cuối năm. Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, thực phẩm bẩn chủ yếu nhập theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Song, nếu cơ quan chức năng đánh vào cửu vạn, khuân vác thì khó có thể kiểm tra hết được.

Theo ông Thành, Bộ cần phải điều tra theo đường dây, đầu nậu mới xử lý được dứt điểm. Bên cạnh đó, nên có chế tài xử phạt như hình sự hóa tội phạm liên quan đến đường dây buôn bán, phân phối thực phẩm bẩn. “Hiện tại, một số biện pháp của chúng ta chưa đủ mạnh, chỉ mang tính chất răn đe như tiêu hủy, xử phạt hành chính…”, ông Thành cho hay.  

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, công tác nâng cao chất lượng quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ năm 2015. Song, có thể nói, kết quả thanh tra, kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm là bước đi đột phá của ngành nông nghiệp.

Cũng theo thứ trưởng, kết quả đạt được nhờ vào cuộc tổng kiểm tra một cách toàn diện, từ Bộ, chính quyền, địa phương. Tất cả các bộ phận, cơ quan chức năng đều vào cuộc như công an, bộ ngành liên quan, chính quyền, người dân.

"Năm 2016, chúng ta dứt khoát phải có cơ chế mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này. Nên chăng có bộ phận cấp Chính phủ chỉ đạo đồng bộ. Qua đó, bộ phận này sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đề nghị xử lý nghiêm minh hơn, sửa đổi hàng loạt hệ thống pháp luật và nghị định, tăng mức độ xử lý cho minh bạch. Có bài học rút ra từ năm 2015 thì chúng ta sẽ hoàn toàn làm được trong năm 2016”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ đã phối hợp với C49 - Bộ Công an tiến hành trinh sát khoảng 20 doanh nghiệp sản xuất TACN có dấu hiệu vi phạm. Khi đến để thanh tra thì 80% doanh nghiệp được thanh tra có sử dụng chất cấm là chất tạo màu vàng ô và chất Salbutamol vào sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo Thanh Niên