Nguyên quán ở thôn An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, nhưng cựu Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại sinh ra ở miền Bắc, vào năm 1956, trong thời gian cha ông - cán bộ cách mạng Trần Đình Châu - ra Bắc tập kết theo Hiệp định Genève 1954.
Ông Trần Bắc Hà sinh trưởng, học tập tại miền Bắc và có gần 10 năm được gắn bó bên cha. Tháng 1/1966 ông Trần Đình Châu trở lại chiến trường Bình Định, được Tỉnh ủy Bình Định cử về làm Phó Bí thư Huyện ủy Hoài Ân; Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Hoài Ân. Ngày 25/9/1969, ông Trần Đình Châu hi sinh trên đường đi công tác, ông Hà mồ côi cha ở tuổi 13.
Tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính), năm 1981, ông Trần Bắc Hà trở lại quê nhà Bình Định và công tác tại BIDV - Chi nhánh Bình Định.
Xuất phát điểm là một cán bộ bình thường, ông Hà phấn đấu, dần thăng tiến và lên đến chức vụ cao nhất của Chi nhánh ở độ tuổi 35 (năm 1991).
Giữ vị trí Giám đốc Chi nhánh trong vòng 9 năm, năm 1999, ông Hà được chuyển ra Hội sở - giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc BIDV. Bốn năm sau - năm 2003, ông Hà trở thành người đứng đầu Ban điều hành BIDV, giữ chức vụ Tổng Giám đốc; Cùng năm, ông cũng được bổ sung vào HĐQT BIDV.
Năm 2008, với sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Trần Bắc Hà được bầu làm Chủ tịch HĐQT, trở thành người đứng đầu BIDV, định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, sở hữu dòng vốn trị giá hàng chục tỷ USD và là điểm trung chuyển vốn, là đầu mối tín dụng cho nhiều dự án tầm cỡ quốc gia.
Tháng 9/2016, ông Hà nghỉ hưu theo chế độ - khi vừa tròn 60 tuổi, bất chấp trước đó có nhiều tin đồn, rằng nhiệm kỳ của nhà quản trị gốc Bình Định sẽ được kéo dài thêm, chờ đến khi BIDV hoàn tất kỷ niệm 60 năm thành lập (16/4/1957 - 26/4/2017).
(Infographic: Hoàng Nguyên)
|
Cả sự nghiệp gắn bó với BIDV, với 5 năm trên ghế Tổng Giám đốc và 8 năm trên ghế Chủ tịch, ông Trần Bắc Hà là nhà lãnh đạo BIDV quyền uy và nổi tiếng nhất. Ông Hà được đánh giá đã xây dựng một "đế chế" ở BIDV, trọng dụng nhiều thuộc cấp thân tín quê Bình Định và cũng bố trí một số người nhà vào các vị trí ở BIDV. Khi tại vị, ông Hà - thông qua BIDV - cũng tích cực trả nghĩa với quê hương, bằng nhiều công trình tâm linh, cộng đồng, quà tặng và làm từ thiện.
Có nhiều giai thoại về quyền lực của ông Hà ở BIDV và cả ngoài tầm BIDV; Tin đồn khởi tố, bắt giam ông Trần Bắc Hà cũng nổi lên nhiều lần - cả khi tại nhiệm, lẫn lúc về hưu.
Mỗi khi tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà nổi sóng, hàn thử biểu của nền kinh tế - thị trường chứng khoán - lại một phen chao đảo. Nó cũng phần nào cho thấy "tầm ảnh hưởng" của ông Hà với nền kinh tế, mà nhiều người tin rằng, không chỉ giới hạn như một Chủ tịch nhà băng đơn thuần.
Vướng không ít thị phi nhưng những người từng làm việc với cựu Chủ tịch BIDV đa phần đánh giá ông là người quyết đoán, quyết liệt, quyền biến, cương cường, có năng lực và có sức làm việc bền bỉ. Một số người từng có giao tình với ông Hà chia sẻ với VietTimes cảm nhận, rằng ông Hà là người "chơi được".
"Những điều thị phi về ông Trần Bắc Hà rất nhiều do tính cách và quyền lực của ông ấy. Tuy nhiên, điều mà dư luận ít biết nhưng những ai ở BIDV nói riêng và biết ông ấy nói chung đều thấy rằng có rất nhiều người có khả năng và chính trực làm việc cho/với ông ấy", chuyên gia kinh tế Fulbright - TS. Huỳnh Thế Du - từng viết về người sếp cũ của mình.
...
Quý IV/2018, những tin đồn về việc khởi tố ông Trần Bắc Hà lại nổi lên. Đến ngày 29/11/2018, cựu Chủ tịch BIDV bị bắt thật, tại Lào. Không còn là tin đồn! Nhưng thị trường chứng khoán cũng không còn phản ứng quá mạnh.
Nhiều thuộc cấp thân tín gốc Bình Định của ông Trần Bắc Hà - như bộ đôi P.TGĐ Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng - và đáng tiếc, cả người con trai - là Trần Duy Tùng (Chủ tịch CTCP Tập đoàn An Phú) - cũng theo ông vướng vòng lao lý, khép lại "đế chế" một thời ở BIDV và ở giác độ nào đó, là giới tài chính.
Dự định phát triển kinh tế gia đình, với những dự án địa ốc quy mô, những dự án nông nghiệp khổng lồ - ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia - mà ông Hà ấp ủ, và dày công chuẩn bị cho ngày nghỉ hưu dang dở, để lại những khoản dư nợ lớn, mà phần nhiều hơn cả thuộc BIDV và LaoVietBank - cánh tay nối dài ở Lào của BIDV mà nhà ông Hà đã có 10% cổ phần.
Hôm nay 18/7/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin "Ông Trần Bắc Hà đã chết". Ông Hà được cho là đã trút hơi thở cuối cùng tại trại tạm giam T771 thuộc Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng (Ba Vì, Hà Nội), vì bệnh tật.
Nhà quản trị quyền uy bậc nhất của giới buôn tiền Việt Nam khép lại cuộc đời, khi vụ án mà ông đóng vai trò trung tâm vẫn đang trong quá trình điều tra. Nhưng dĩ nhiên, vụ án mới chỉ đóng lại với ông Trần Bắc Hà...
------
Để xem thêm về các thông tin về ông Trần Bắc Hà, sự nghiệp và các thương vụ nổi bật của ông Hà và nhóm ảnh hưởng, quý độc giả có thể truy cập dòng sự kiện: "Ông Trần Bắc Hà và BIDV" do VietTimes khởi tạo.
Một số bài viết đáng chú ý:
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu