Tuy nhiên, khác với những lần trước, khi tin đồn ông bị bắt lan truyền không chính thống, lần này thị trường chứng khoán đã phản ứng một cách bình tĩnh như không hề có chuyện gì xảy ra.
Sự bình tĩnh của giới đầu tư chứng khoán nói lên rất nhiều điều. Hoặc tin tức khởi tố điều tra, bắt bớ tạm giam các quan chức lãnh đạo của một số ngân hàng đã trở nên “phổ biến”, không còn đáng quan tâm. Hoặc những vi phạm pháp luật từ nhỏ đến lớn (mà ở đây liên quan đến hoạt động kinh tế) đã gần như “chuyện thường ngày ở huyện”. Chúng không diễn ra một ngày, một tháng. Chúng đã tích tụ nhiều năm.
Thậm chí có vụ việc khởi nguồn từ các năm khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đến nay sự tích tụ đã không thể chất chứa được nữa. Nó bắt buộc phải bung ra và sự vào cuộc của các cơ quan thi hành pháp luật là chuyện tất yếu phải đến.
Một số lãnh đạo ngân hàng bị khởi tố, đã và sẽ ra tòa. Khi còn đương chức ở vị trí thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc... nói đúng hơn khi còn làm việc trong ngành tài chính, họ là những nguồn tin tại thời điểm đó của người viết bài này nói riêng, cánh báo chí nói chung.
Ngân hàng tài trợ cho các dự án nào, số tiền bao nhiêu, tín dụng tăng trưởng, lợi nhuận lên xuống, hay dự báo xu hướng lãi suất, tỷ giá... Ý kiến của họ đều được báo chí chú ý, trích dẫn, đăng tải. Từ chỗ là nguồn tin, giờ đây bản thân họ trở thành tin “nóng”.
Trong nền kinh tế, không có lĩnh vực nào ngồn ngộn thông tin với tầm quan trọng hàng đầu do ảnh hưởng của nó như tài chính - ngân hàng. Cuối tháng 11-2010, BIDV tổ chức một cuộc gặp mặt với giới doanh nghiệp cả trong và ngoài nước ở khách sạn New World, TPHCM. Đại diện các tổ chức đầu tư đều có mặt. Khi đó ông Trần Bắc Hà và dàn lãnh đạo BIDV vừa từ Nga trở về sau đợt khảo sát thị trường và khai trương ngân hàng liên doanh Việt - Nga ở Moscow. Khi lên phát biểu, không biết lấy thông tin từ đâu, ông Hà làm ngay “một gáo nước lạnh”: “Tôi vừa nhận được tin chỉ số CPI tháng này tăng 1,86% so với tháng trước”.
Ông Hà thường nói vo, không có bài viết chuẩn bị trước. Hôm ấy cũng vậy. Những tiếng nói chuyện rì rào trong hội trường im bặt. Lúc giải lao, hành lang New World trên lầu một đầy dân tài chính bàn tán, thảo luận. Ngày hôm sau, và hôm sau nữa, dĩ nhiên, thị trường chứng khoán đỏ quặt.
Đó chỉ là một trong số vô vàn thí dụ về thông tin từ BIDV và nhất là từ khi ông Hà còn đương chức, ảnh hưởng đến thị trường tài chính ra sao. Nó khiến người viết bài này nhớ lại năm 2006, khi CitiGroup cử một đoàn 60 người từ Trung Quốc sang đàm phán với Ngân hàng TMCP Đông Á để mua cổ phần. Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Đông Á lúc bấy giờ ông Trần Phương Bình phân trần: “Buổi làm việc đầu tiên chúng tôi chỉ có bốn người chính thức, hoàn toàn bị áp đảo về nhân lực”. Những ngày sau Đông Á huy động thêm “quân” - những người có trình độ và kinh nghiệm nhất từ các chi nhánh - tham gia thương lượng. Thông tin lan ra trong giới ngân hàng, đến nỗi 22 giờ đêm cùng ngày hôm ấy, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, còn gọi điện hỏi: “Có thật Đông Á đang đàm phán với CitiGroup?”.
Ngày 27-11-2018, khi ông Trần Phương Bình và các đồng phạm ra tòa trong vụ xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến ngân hàng này, nguyên tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần đã nghỉ hưu, nói với giọng buồn rười rượi trên điện thoại: “Trời ơi, bà Nguyễn Thị Xuyến tóc bạc phơ, ông Bình tóc bạc phơ, mặt già nua, không nhận ra”.
Làm ngành ngân hàng, ở tuổi ngoài 50 tóc không bạc mới lạ. Từ 5-7 năm trước tóc ông Trần Phương Bình đã bạc, đến nỗi hồi đó khi ông làm chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM, mọi người đùa “Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ gì mà tóc bạc hết thế kia”.
BIDV quãng thời gian trước và sau khi ông Trần Bắc Hà được điều động về hội sở khác nhau nhiều. Khác như thế nào thì thật khó diễn tả trong điều kiện hiện nay. Như một tấm gương có hai mặt, hoạt động ngân hàng không bao giờ chỉ toàn màu hồng hoặc toàn màu xám. Năm 1997 tại Hà Nội lần đầu tiên người viết bài này có cuộc phỏng vấn Tổng giám đốc BIDV bà Phùng Thị Vân Anh - một người phụ nữ không lập gia đình, cả đời gắn bó với BIDV, cả đời vì công việc. BIDV ngày đó có lẽ không “lớn tiếng”, không dáng vẻ quy mô, không “anh cả”, mang dáng dấp một định chế tài chính hiền lành ở bình minh của một ngày nắng đẹp.
Phải ba năm sau đó ông Hà mới ra hội sở BIDV Hà Nội. Cho đến ngày ông Hà nghỉ hưu là mười mấy năm. Sau khi nghỉ hưu, ông Hà không còn tiếp xúc với báo chí. Một lần, có tin đồn ông Hà bị bắt, một người quen ở BIDV nói đại ý “ông Hà giờ không thuộc diện quản lý của ngân hàng, nơi cần hỏi tin tức phải là địa phương, tổ dân phố...”. Về nguyên tắc, thì đúng là thế còn gì!
Thông tin hành lang là dạng tin tức mà cánh báo chí có thể lọc được ở các tần số khác nhau. Các phóng viên đã từng đặt cả trăm câu hỏi về khả năng ông Trần Bắc Hà liệu có mặt tại tòa khi vụ án sơ thẩm giai đoạn hai Ngân hàng Xây dựng diễn ra. Có những thông tin mà ngay cả khi đặt nó dưới dạng “hành lang” đôi khi người viết cũng không thể diễn đạt được.
Tháng 5-2016, một hội chợ hàng Việt Nam được tổ chức ở Moscow. Nhân dịp đó tập đoàn TH True Milk làm lễ khai trương dự án đầu tư xây dựng trang trại bò sữa tỉ đô ở ngoại ô thủ đô nước Nga. TH True Milk làm lễ buổi sáng, BIDV khai trương văn phòng đại diện tại Moscow đầu giờ chiều. Từ nơi đặt trang trại của TH True Milk về Khu phức hợp Hà Nội - Moscow hơn 200 cây số. Cánh báo chí muốn tham dự cả hai sự kiện chỉ có “vắt chân lên cổ” mà chạy. Cũng may là chúng tôi được đi nhờ xe của sứ quán.
Lần khai trương văn phòng đại diện này ông Hà không phát biểu. Ông chỉ tham gia cắt băng khánh thành và ông gần như là người cắt trước tiên. Những thủ tục sau đó như trao bức tranh kỷ niệm cho đại diện phía Nga, ông Hà luôn đứng ngoài cùng, ở rìa. Ông cũng không bắt tay tất cả mọi người. Với những người ưa quan sát, điều đó có gì đó khó giải thích.
Ba tháng sau đấy ông Hà chính thức nghỉ hưu. Thông tin hành lang về ông vẫn chảy nhưng chúng chẳng bao giờ xuất hiện trên báo chí cho đến ngày ông bị bắt tuần trước.
Theo TBKTSG
Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/282499/khi-nguon-tin-thanh-tin-nong-.html