Tranh giả danh họa đã nhục mạ cả nền mỹ thuật Việt

VietTimes – Giới họa sĩ rầu lòng “phát hiện” liên tiếp thêm những bức tranh “kinh dị” đang được rao bán trên Sotheby’s có ký tên danh họa đều là đồ giả.
Một góc của bức tranh đề tên danh họa Lê Phổ gây tranh cãi khi em bé có hai ngón tay cái đang được rao bán trên Sotheby's
Một góc của bức tranh đề tên danh họa Lê Phổ gây tranh cãi khi em bé có hai ngón tay cái đang được rao bán trên Sotheby's

Tranh đề tên Lê Phổ có em bé hai ngón cái?

Thông tin mới nhất, theo catalogue của nhà Sotheby’s HK quảng cáo phiên đấu giá “Modern and Contemporary Southeast Asian Art” diễn ra tại Hongkong ngày 6/10 tới, sẽ bán ra một bức tranh lụa ghi tên danh họa Lê Phổ, có tên là “Mẫu tử”; chất liệu mực nho và bột màu trên lụa, cỡ 45x37 cm; giá đề xuất 220.000 — 380.000 HKD (khoảng 28.048 đến 48.446 USD).

Tuy nhiên, giới mỹ thuật còn chưa quên “phốt” cũ hồi năm 2017 Sotheby’s HK từng bán một bức tranh lụa đề tên Lê Phổ trong tranh bà mẹ có hai bàn tay trái, thì lần này, đến lượt đứa bé trong tranh có … hai ngón cái?

Giới mỹ thuật gọi đây là những bức tranh “kinh dị” và sôi sục đặt vấn đề không biết hai bức vẽ này có được tạo ra từ cùng một “lò” tranh giả danh họa?

Bàn tay của em bé trong bức tranh lụa đang đề tên Lê Phổ rao bán không thể xác định được là bàn tay úp hay ngửa? Đâu mới là ngón út và đâu là ngón cái?

Các họa sĩ bức xúc vì sự sai giải phẫu một cách trầm trọng này. Họa sĩ Thành Chương nhận định: “Úp hay ngửa đều sai”.

“Không bàn tay nào có thể đặt ngửa như thế được. Chỉ có họa nhân cắm bàn tay trái vào cổ tay phải thì mới thành như vậy. Một khi nền tảng cơ bản đã yếu thì cả thật lẫn giả đều là giả” – Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng nhận định.

“Cả hai bức sơn dầu và bức lụa đều vẽ sai bàn tay phải: ngón cái và ngón út lộn chỗ vì không có cách gì lộn ngược bàn tay như thế được (trừ khi tay em bé bị dị tật bẩm sinh!) Bản lụa chỉ vẽ rõ contour (đường viền) lên thôi. Hình họa của cả hai bức đều rất yếu” – Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng nói. 

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Long tóm tắt: “Chắc chắn đây là tranh rởm, chép hình yếu, sai về giải phẫu thẩm mỹ”.

Bức tranh đề tên danh họa Lê Phổ nghi là giả đang được rao bán trên Sotheby's
Bức tranh đề tên danh họa Lê Phổ nghi là giả đang được rao bán trên Sotheby's
Chi tiết em bé có hai ngón tay cái sai về giải phẫu khiến giới mỹ thuật bức xúc
Chi tiết em bé có hai ngón tay cái sai về giải phẫu khiến giới mỹ thuật bức xúc

Tranh đề tên Nguyễn Gia Trí trình độ thợ học việc

“Bức tranh phong cảnh đang đề tên Nguyễn Gia Trí theo quan sát của tôi về phẩm chất nghệ thuật thì hoàn toàn ko thể là tác phẩm của danh họa như nhà đấu giá quảng cáo, gắn tên. Quá nhiều lỗi “ngớ ngẩn” trong bức tranh này. Rất cần báo động, cảnh tỉnh các nhà sưu tập, nhà buôn, nhà môi giới” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhắc nhở.

“Với bức sơn mài “Tranh phong cảnh” đề tên Nguyễn Gia Trí, trình độ hội họa (bố cục, tạo hình) quá xấu, kỹ thuật sơn mài non. Kết quả là tạo ra một bức tranh ngô nghê, thậm chí so với nhiều bức mỹ nghệ thì còn thua xa” – Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long buồn bã nói.

“Ta có thể so sánh luôn với một bức mà nhà đấu giá giới thiệu là sơn mài phong cảnh của Nguyễn Gia Trí (đã bán đấu giá hồi năm 2017) để độc giả xem tham khảo thì thấy hai bức khác nhau một trời một vực. Tranh bên trái đặt cạnh bức bên phải, trông như sơn ta của một anh học việc tồi đặt bên cạnh tác phẩm của một thợ cả. Bức bên phải lớp lang, có chiều sâu, bố cục hài hòa, các chi tiết phong phú, tạo hình đẹp, cuốn hút thị giác. Kỹ thuật sơn mài của bức bên phải cũng rất cao” – Nhà nghiên cứu phân tích.

“Bức bên trái (đang rao bán) ghi là vẽ năm 1944, bức bên phải ghi là vẽ năm 1940. Cùng một khung thời gian mà sao bút lực lại khác nhau một trời một vực thế? Giai đoạn những năm này, cụ Nguyễn Gia Trí vẽ đang rất sung sức, đang “lên”, sao có thể bị tụt hẫng xuống trình độ thợ học việc như vậy được? Tóm lại, có thể khẳng định chắc chắn bức tranh đang đề tên Nguyễn Gia Trí là tranh giả. Chỉ là một bức tranh trình độ học việc như thế mà dám ghi tên danh họa và bán với mức giá đó sao?” – Nhà nghiên cứu Phạm Long bức xúc đưa ý kiến. 

Bức tranh đề tên danh họa Nguyễn Gia Trí đang được rao bán trên Sotheby's với mức giá 1.200.000 đến 1.800.000 Đô la Hong Kong (tương đương từ 153.006 đến 229.509 USD)
Bức tranh đề tên danh họa Nguyễn Gia Trí đang được rao bán trên Sotheby's với mức giá 1.200.000 đến 1.800.000 Đô la Hong Kong (tương đương từ 153.006 đến 229.509 USD)
Bức bên trái quá mờ nhạt, bị đánh giá chỉ xứng tầm học trò so với bức bên phải cũng đề tên Nguyễn Gia Trí, đã được đấu giá hồi năm 2017
Bức bên trái quá mờ nhạt, bị đánh giá chỉ xứng tầm học trò so với bức bên phải cũng đề tên Nguyễn Gia Trí, đã được đấu giá hồi năm 2017 

Chỉ vì lợi nhuận “khủng”?  

Sau khi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lên tiếng về bức sơn mài “Dân quê Việt” đang đề tên danh họa Nguyễn Sáng, nhiều họa sĩ đồng nghiệp cũng lên tiếng trên các diễn đàn, cho rằng chắc chắn bức “Dân quê Việt” là tranh giả danh Nguyễn Sáng.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khẳng định rằng những bức tranh giả đề tên danh họa đã "nhục mạ cả một nền mỹ thuật Việt". 

“Làm tranh, vật phẩm nghệ thuật giả đã có lịch sử lâu đời, nước nào cũng có. Cái hại của tranh giả là nó chối từ sự vượt trội của bản gốc về mặt thẩm mỹ. Trong khi các bản chép đã được xác nhận bao giờ cũng có giá thấp hơn bản gốc, thì tranh giả có giá ngang bản gốc. Họa sĩ càng danh tiếng thì tranh giả danh họa sĩ đó càng nhiều.

Thực chất, việc làm tranh giả và buôn bán tranh giả là hành vi lừa đảo và trộm cắp. Dĩ nhiên, tệ nạn trộm cắp và lừa đảo trong một quốc gia là nỗi nhục. Ở các nước văn minh, những vụ làm tranh giả, buôn bán tranh giả bị pháp luật xử nghiêm, những kẻ làm tranh giả phải ngồi tù khi bị phát hiện” – Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đưa ý kiến.

Ông cảnh báo thêm: “Tuy nhiên, ở đây cũng cần lưu ý rằng ở nước ta người ta cũng thường chép lại tranh của chính mình. Trong khi chép lại tác giả hoặc là không thể chép giống bản gốc hoặc đã cố tình thay đổi đi. Thậm chí có người còn mượn bản gốc tranh của mình từ bảo tàng về rồi mang bản chép đến trả lại (!) Những bức tranh chép như vậy dĩ nhiên cũng được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên chúng chỉ là copy kể cả nếu chúng được chép bởi chính tác giả của bản gốc. Chúng trở thành tranh giả một khi chúng được coi như bản gốc và bán với giá như thể là giá của bản gốc”.

Việc không chỉ một mà rất nhiều bức vẽ tồi, nhiều lỗi ngớ ngẩn, sai cả về bố cục, hòa sắc lẫn phong cách thể hiện nhân vật mà vẫn ngang nhiên đề tên các danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương bán ra quốc tế khiến các nhà chuyên môn đặt nhiều dấu hỏi về trình độ thẩm tranh của sàn đấu giá Sotheby’s?

“Các sàn đấu giá đều có chuyên gia thẩm định tranh, hoặc tùy trường hợp sẽ thuê chuyên gia bên ngoài. Nhưng rõ ràng trình độ thẩm tranh Mỹ thuật Đông Dương của Sotheby’s có vấn đề nghiêm trọng. Hay là họ vì lợi nhuận mà họ coi nhẹ chuyện thẩm định?” – Nhà nghiên cứu Phạm Long đặt vấn đề.