Hiện tại trên trang online của nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã không còn treo và quảng bá sẽ bán đấu giá bức “Lá thư” của Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái trước bình phong” của Trần Văn Cẩn nữa.
Dù không công bố một lời nào về việc hạ các bức tranh này, nhưng động thái bỏ hai bức tranh ra khỏi phiên đấu giá sắp diễn ra đầu tháng 10 tới cũng khiến giới mỹ thuật nức lòng.
Trao đổi với VietTimes, nhà nghiên cứu Phạm Long đặt ra những vấn đề nhức nhối: “Tranh do người khác chép mà ký tên tác giả, là tranh giả. Tranh do chính tác giả nhân bản, là tranh phiên bản. Tác giả có quyền ký lên tranh phiên bản, tuy nhiên, việc nhân bản làm giảm giá trị của tính độc bản, nên những người sưu tầm thực sự ít khi chơi tranh có nhiều phiên bản. Cụ Tô Ngọc Vân mất năm 1954. Cá nhân tôi luôn cho rằng ông Tô Ngọc Vân và ông Trần Văn Cẩn đều không làm chuyện này”.
Bên trái là tranh rao bán trên Sotheby's nay đã hạ xuống, bên phải là tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
|
Nói về chuyện hai bức tranh sơn mài “Dân quê Việt” của Nguyễn Sáng giá khởi điểm từ 100.000 đến 150.000 HKD và bức tranh sơn mài “Tranh phong cảnh” của danh họa Nguyễn Gia Trí vẫn đang treo trên trang Sotheby’s Hong Kong rao bán với mức giá khởi điểm từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 153.366 USD đến 230.000 USD); nhà nghiên cứu Phạm Long khẳng định:
“Cả hai bức theo quan sát của tôi về phẩm chất nghệ thuật đều không thể là tác phẩm của hai danh họa như nhà đấu giá đang quảng cáo, gắn tên. Các họa sĩ có tên tuổi và các nhà nghiên cứu đều đã lên tiếng vạch ra những lỗi ngớ ngẩn của hai bức tranh này, góp phần báo động, cảnh tỉnh các nhà sưu tập, nhà buôn, nhà môi giới. Tôi cho rằng cần phải lên tiếng mạnh mẽ để tạo nên sức mạnh tổng hợp, trả lại cho nghệ thuật giá trị đích thực, góp phần minh bạch hóa thị trường mỹ thuật” – ông Long nhấn mạnh.
Trao đổi về khía cạnh thẩm định tác phẩm ở nhà đấu giá, đại diện nhà đấu giá PI Auction cho biết: “Trước mỗi phiên đấu giá, với các hiện vật sẽ đưa ra đấu tại phiên, chúng tôi có một Hội đồng tư vấn tham gia đánh giá. Kết quả thẩm định có phù hợp các tiêu chí hay không là do PI đưa ra và PI là đơn vị duy nhất hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hiện vật mà PI đưa vào phiên đấu giá của mình. Về tuổi tranh thì hiện tại PI không sử dụng phương tiện công nghệ cao nào để xác định tuổi tranh. Tuổi tranh được xác định dựa trên các yếu tố như: Tiêu bản chất liệu, màu sắc cùng thời kỳ, Kinh nghiệm của cán bộ chuyên môn, nguồn gốc tác phẩm ....”
Sau khi có bức tranh của danh họa Tô Ngọc Vân (bên phải) đang được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhà đấu giá Sotheby's đã hạ tranh xuống
|
Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ dùng suy đoán của con người hoàn toàn, làm thế nào để đảm bảo xác định được chính xác tuổi tranh?
Đại diện PI Auction cho biết thêm: “Ở những nước tiên tiến trên thế giới thì các bức tranh có độ tuổi vài trăm năm sẽ xác định dễ dàng bằng máy móc công nghệ cao, tuy nhiên với tuổi tranh vài chục năm như ở VN thì phương pháp này lại khó áp dụng. Nên với PI thì thường sử dụng phương pháp đèn UV để giám định. Tuy nhiên, theo PI thì việc sử dụng bộ tiêu bản và suy đoán dựa trên chất liệu, thời kỳ sẽ cho ra kết quả tương đối chính xác để xác định tuổi tranh”.
Bức “Tranh phong cảnh” của danh họa Nguyễn Gia Trí vẫn đang rao bán trên Sotheby's. Cùng với bức này còn có "Dân quê Việt" của họa sĩ Nguyễn Sáng
|