Công khai, minh bạch thông tin DNNN: Hai nghị định, một nỗi lo

Công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những cơ sở để giám sát, đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp. 
Đến nay, tập đoàn Dầu khí mới chỉ công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2014 chưa kiểm toán. Ảnh: T.L
Đến nay, tập đoàn Dầu khí mới chỉ công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2014 chưa kiểm toán. Ảnh: T.L

Chính phủ vừa ban hành hai nghị định liên quan đến việc công khai, minh bạch thông tin. Việc ban hành nghị định là cần thiết nhưng tại sao lại phải có tới hai nghị định cùng đề cập đến một vấn đề?

Thừa mà thiếu

Ngày 18-9-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2015/NĐ-CP (Nghị định 81) về công bố thông tin của DNNN. Nghị định này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, là sự sửa đổi bổ sung Quyết định 36/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế công bố thông tin của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Tiếp đến, ngày 6-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP (Nghị định 87) về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nghị định 87 do Bộ Tài chính soạn thảo dựa trên cơ sở Nghị định 61/2013/NĐ-CP về quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nghị định 87 đã dành hẳn chương V để quy định về công khai thông tin.

Chỉ nhìn vào cái tên nghị định đã thấy có sự trùng lặp nhất định. Còn về nội dung, Nghị định 81 có độ bao phủ thông tin rộng từ kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính, lương, thưởng... Sức mạnh của Nghị định 81 còn nằm ở chế tài xử phạt, có thể bị hình sự hóa nếu không công bố thông tin và để doanh nghiệp dẫn đến mất kiểm soát. Thế nhưng, sức nặng của thông tin được công bố ở Nghị định 81 lại không cao, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu tiếp nhận thông tin rồi đăng tải lại còn việc báo cáo thông tin chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện và chịu trách nhiệm. Điều này có thể dẫn đến tình huống dù thông tin được công bố nhưng chưa chắc đã có thể phát hiện sai sót để điều chỉnh.

Nghị định 87 thì ngược lại. Nghị định này không chỉ dừng ở yêu cầu công khai mà nhấn mạnh cả yêu cầu minh bạch. Bởi thông tin trước khi được Bộ Tài chính công bố đã được bộ này thẩm định, đánh giá một cách kỹ càng, có xếp loại, có kiến nghị, thậm chí đưa vào diện giám sát đặc biệt nếu cần. Thế nhưng, Nghị định 87 lại không có được chế tài mạnh để buộc doanh nghiệp phải thực hiện việc báo cáo thông tin.

Câu hỏi đặt ra là tại sao không xây dựng một nghị định duy nhất không chỉ yêu cầu DNNN công khai thông tin mà phải có đánh giá, nhận xét, phân loại, khuyến cáo... từ thông tin đó của cơ quan có thẩm quyền. Qua đây cũng cho thấy rằng, việc hình thành một cơ quan chuyên trách về quản lý DNNN là cần thiết.

Như vậy, dù có đến hai nghị định cùng đề cập đến nhưng cũng không phải là không có những lỗ hổng về công bố thông tin. Chẳng hạn, trong trường hợp gặp vấn đề khó nói, doanh nghiệp có thể chỉ công bố thông tin theo Nghị định 81 (nghị định có chế tài mạnh hơn) và né tránh thực hiện Nghị định 87 do sợ thông tin bị phân tích, bóc tách, phát hiện vấn đề.

Bộ nào cũng yêu cầu báo cáo cho mình

Ngoài việc doanh nghiệp, cơ quan chủ sở hữu tự công bố thông tin thì cơ quan soạn thảo nào cũng yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cho mình để công bố thông tin. Như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đều thay mặt Chính phủ làm nhiệm vụ công bố thông tin về DNNN một cách tổng thể?

Việc có hai nghị định và phạm vi giao thoa về vấn đề “công bố thông tin” khá rộng khiến cho doanh nghiệp, chủ sở hữu phải mất thời gian nghiên cứu ở nhiều văn bản luật khác nhau, chưa kể đến việc phải tốn nhiều chi phí soạn thảo từ nghị định đến thông tư hướng dẫn.

Nội dung yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và công bố một số vấn đề giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cũng không tránh khỏi sự chồng chéo.

Chẳng hạn, Nghị định 87 quy định doanh nghiệp phải báo cáo với Bộ Tài chính về “tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp” đây là một phạm trù rất rộng, bao hàm cả vấn đề “đầu tư”. Thế nhưng, tại Nghị định 81, doanh nghiệp lại phải báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch sản xuất kinh doanh. Với báo cáo tài chính, doanh nghiệp buộc phải báo cáo cả hai bộ và cả hai bộ đều thực hiện công bố nội dung này.

Về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm, lâu nay do Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo đề án tái cơ cấu DNNN thực hiện thông qua Cục Tài chính doanh nghiệp. Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt đề án tái cơ cấu DNNN của Thủ tướng chính phủ nêu rõ: “Bộ Tài chính định kỳ hàng quí tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời đề xuất những vấn đề nảy sinh”. Nhưng nay, tại Nghị định 81, doanh nghiệp lại phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cần phải nói thêm rằng, vấn đề đầu mối công việc và địa chỉ trách nhiệm liên quan đến chuyện quản lý, giám sát DNNN đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng. Việc thực hiện công bố thông tin ở cả Quy chế 36 và Nghị định 61 đã có nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả.

Chỉ riêng với Nghị định 61, nhiều doanh nghiệp đã than phiền có quá nhiều báo cáo, không thực hiện hết được. Đánh giá về Nghị định 61 để làm cơ sở xây dựng Nghị định 87, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: Đến thời điểm 31-8-2014, còn nhiều doanh nghiệp, cơ quan chủ sở hữu chưa gửi báo cáo giám sát tài chính, báo cáo kết quả giám sát tài chính và kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, tỷ lệ nộp báo cáo giám sát tài chính thấp nhất là của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (15,4%). Tỷ lệ nộp báo cáo giám sát của doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng rất thấp (đều dưới 33%). Hệ thống mẫu biểu quy định tại thông tư hướng dẫn Nghị định 61 còn cồng kềnh, một số nhiều mẫu biểu chưa được khai thác hết tác dụng. Bên cạnh đó, một số quy định về công khai thông tin chưa cụ thể; chưa có cơ chế báo cáo về công tác công khai thông tin; thiếu chế tài phù hợp đối với các cơ quan, doanh nghiệp chưa thực hiện công khai thông tin...

Lẽ ra việc cần làm hiện nay là khắc phục những bất cập trên và ban hành một nghị định duy nhất về vấn đề này với yêu cầu vừa công khai vừa minh bạch. Nghĩa là không chỉ công khai mà phải có đánh giá, nhận xét, phân loại, khuyến cáo... của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo thông tin chuẩn xác, khái quát được bức tranh về DNNN. Qua đây cho thấy rằng, việc hình thành một cơ quan chuyên trách về quản lý DNNN là cần thiết.

Theo TBKTSG