Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì trong cú điện đàm đầu tiên với tân Thủ tướng Nhật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Kishida nói Nhật Bản sẽ "nói điều cần phải nói" với Trung Quốc, trong khi ông Tập Cận Bình cho rằng hai nước "không nên đe dọa lẫn nhau".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 8/10 (Ảnh: AP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 8/10 (Ảnh: AP)

Bắc Kinh đã hối thúc Tokyo kiểm soát “đúng cách” sự khác biệt của họ, trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, và hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ giữ cho mối quan hệ ổn định.

Thủ tướng Kishida nói rằng duy trì quan hệ song phương ổn định là việc làm quan trọng đối với khu vực và cả cộng đồng quốc tế, nhưng Nhật Bản “sẽ nói điều cần nói” liên quan tới những hạn chế của Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và thượng tôn pháp luật; theo một quan chức chính phủ Nhật Bản.

Chủ tịch Tập, trong khi đó, chỉ ra “những thách thức và cơ hội” trong mối quan hệ song phương, và cũng nói rằng quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có lợi với khu vực; theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Hai quốc gia nên “xử lý đúng cách những vấn đề lớn và nhạy cảm” như vấn đề từ Thế chiến II và Đài Loan, ông Tập nói thêm.

“Chúng ta cần phải thực thi đầy đủ sự đồng thuận chính trị của các đối tác hợp tác và không gây ra mối đe dọa lẫn nhau” – ông Tập nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc cũng nói rằng hai bên nên tăng cường trao đổi về phối hợp chính sách kinh tế và quản lý nhà nước, hợp tác để duy trì một môi trường đầu tư và thương mại cởi mở, công bằng.

Cuộc điện đàm diễn ra sau khi ông Kishida có bài phát biểu đầu tiên về chính sách của ông hôm 8/10, trong đó cam kết sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản.

Tín hiệu mới giữa lúc căng thẳng

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã căng thẳng do tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông, và Tokyo cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh trong các vấn đề Hong Kong và Đài Loan.

Trong hôm 5/10, sau khi Bắc Kinh cử số lượng máy bay kỷ lục đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng Tokyo sẽ theo dõi sát sao tình hình. “Chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra được hàng loạt viễn cảnh có thể xảy ra, từ đó cân nhắc những lựa chọn mà chúng tôi có, và cả sự chuẩn bị mà chúng tôi cần thực hiện”, ông nói.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kishida nói rằng xây dựng mối quan hệ ổn định và duy trì đối thoại với Trung Quốc là điều quan trọng, nhưng rằng Nhật Bản sẽ không ngần ngại nêu ra ý kiến khi cần thiết.

“Trong lúc hợp tác với các quốc gia mà chúng ta cùng chia sẻ nhiều giá trị chung, chúng ta sẽ nói điều cần phải nói với Trung Quốc và yêu cầu họ đáp lại một cách có trách nhiệm. Chúng ta cũng duy trì đối thoại và tiếp tục hợp tác với họ để giải quyết các vấn đề chung” – ông Kishida nói – “Tôi quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của chúng ta, và cả cuộc sống và tài sản của người dân, dù cho điều gì xảy ra”.

Khối đồng minh Mỹ-Nhật vẫn là “điểm chốt” trong các chính sách ngoại giao và an ninh, ông Kishida nói, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ này, “phục vụ cho nền tảng của hòa bình và sự ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và toàn thế giới”.

Ôn hòa hơn với Trung Quốc?

Các nhà phân tích và giới truyền thông Trung Quốc coi ông Kishida là một người ôn hòa với Trung Quốc và bởi vậy mà có hy vọng tái thiết lập lại mối quan hệ song phương, mặc dù vị cựu Ngoại trưởng này hơi thiên về quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử.

Liu Jiangyong, chuyên gia về các vấn đề quốc tế đến từ ĐH Thanh Hoa, nói rằng phản ứng của Bắc Kinh về tân lãnh đạo mới của Nhật Bản là “tích cực đến bất thường”.

Cả Chủ tịch Tập và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều gửi đi những thông điệp chúc mừng tới ông Kishida sau khi ông chính thức nhậm chức.

Theo ông Liu, cuộc điện đàm ngay sau khi ông Kishida nhậm chức cho thấy “Trung Quốc đã trở nên chủ động hơn trong việc hình thành một tương lai tốt đẹp của một trong số những mối quan hệ song phương quan trọng nhất của họ”. Trước đây, Chủ tịch Tập đã có điện đàm đầu tiên với người tiền nhiệm của ông Kishida, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, sau 10 ngày kể từ khi ông Suga nhậm chức.

“Bắc Kinh nhận thức được thực tế rằng mối quan hệ song phương này đang trải qua nhiều thách thức…và họ không ảo tưởng rằng sẽ có những sự cải thiện lớn trong một sớm một chiều. Chính phủ Trung Quốc rõ ràng là sẵn lòng để nỗ lực hơn và gửi những tín hiệu tích cực về tương lai của mối quan hệ” – ông Liu nhận định.

Thủ tướng Kishida có hàng loạt những thách thức cần phải đối mặt, trong đó bao gồm đại dịch COVID-19 và cải cách kinh tế, xã hội; ông cũng cần phải tìm kiếm sự cân bằng giữa hợp tác kinh tế với Trung Quốc và khối liên minh an ninh với Mỹ.

“Trung Quốc hiểu rõ là nhân tố Mỹ đã ảnh hưởng tới các quyết định về chính sách đối ngoại của giới lãnh đạo Nhật” – ông Liu nói – “Nhật Bản dưới thời ông Kishida là một ngã ba đường chủ chốt – họ cần phải quyết định có nên tiếp tục theo Mỹ và đứng trên mặt trận trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung hay không”.