Tân Thủ tướng Nhật Fumio Kishida là người như thế nào, chính sách của ông là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Fumio Kishida sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản, sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua đầy kịch tính giành ghế Chủ tịch đảng LDP cầm quyền.
Ông Fumio Kishida, người sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản (Ảnh: CNBC)
Ông Fumio Kishida, người sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản (Ảnh: CNBC)

Ông sẽ trở thành vị Thủ tướng thứ ba của Nhật Bản chỉ trong vòng hơn một năm, thay thế ông Yoshihide Suga – người kế vị ông Shinzo Abe từ tháng 9/2020. Kết quả cuộc bầu cử hôm 29/9 khá bất ngờ khi ông Kishida, cựu Ngoại trưởng, đánh bại đối thủ chính Taro Kono với tỷ số phiếu 256/255 trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của các thành viên đảng LDP trong Quốc hội Nhật Bản. Hai nữ ứng viên, Sanae Takaichi và Seiko Noda, đã bị loại.

Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, những người ủng hộ bà Takaichi, với sự hậu thuẫn của ông Abe, đã quay sang ủng hộ ông Kishida và giúp ông chiến thắng.

Con đường sự nghiệp của ông Kishida

Ông Kishida, 64 tuổi, được mô tả là người rất nền tính, xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm chính trị - cả ông và cha của ông đều từng là thành viên trong Quốc hội Nhật Bản.

Khi còn nhỏ, Kishida đã từng ở New York trong 3 năm bởi cha của ông lúc bấy giờ là một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại và được chỉ định làm việc ở Mỹ. Tại đây, ông theo học một trường công lập ở Queens. Sau khi tốt nghiệp ĐH Waseda ở Tokyo, ông Kishida có thời gian làm việc ngắn trong ngành ngân hàng trước khi trở thành nghị sĩ tại Hạ viện vào năm 1993.

Là vị Bộ trưởng Ngoại giao có thời gian phục vụ lâu nhất kể từ sau chiến tranh, dưới thời chính phủ ông Abe (2012-2017), ông Kishida là người từng tham gia dàn xếp chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào năm 2016.

Mặc dù là dân biểu đại diện cho Hiroshima trong Quốc hội, nhưng ông lại bảo vệ chính sách của Nhật Bản trong việc không tham gia vào Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân, chỉ ra sự cần thiết phải dựa vào khả năng răn đe hạt nhân của đồng minh của Nhật – nước Mỹ.

Sau khi ông Taro Kono thay thế vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Kishida có khoảng thời gian ngắn làm Bộ trưởng Quốc phòng, và sau đó nhận vị trí trưởng bộ phận chính sách của đảng LDP. Là thủ lĩnh của một trong những nhóm quyền lực nhất trong LDP, ông Kishida được đánh giá là người có khả năng tạo sự đồng thuận tốt hơn so với ông Kono.

Không giống như ông Kono hay những người tiền nhiệm Shinzo Abe và Yoshihide Suga, ông Kishida thích uống rượu, và từng có lần mời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham gia cuộc thi uống rượu vodka và sake.

Một số nhà phê bình thì cho rằng ông Kishida là người không quyết đoán, điều có thể khiến ông chịu ảnh hưởng của các nhóm khác nhau trong đảng LDP, đặc biệt là nhóm mang tư tưởng dân tộc cứng rắn của ông Abe.

Quan điểm của ông Kishida về các vấn đề lớn như thế nào?

Ông Kishida sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi nhậm chức (Ảnh: RTHK)

Ông Kishida sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi nhậm chức (Ảnh: RTHK)

Ông Kishida sẽ được chỉ định trở thành vị Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản trong một phiên họp đặc biệt ở Quốc hội tổ chức ngày 4/10, và sau đó được chính thức chỉ định bởi Nhật hoàng Naruhito.

Sau đó, ông được cho là sẽ công bố nội các mới. Nhiều nhân vật có trọng lượng trong đảng LDP rất có khả năng sẽ tại vị, như Phó Thủ tướng Taro Aso, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, em của ông Shinzo Abe.

Hai ứng viên Takaichi và Nodo có khả năng sẽ trở lại nội các Nhật để tăng sự bình đẳng giới, bởi chỉ có hai người phụ nữ trong nội các của ông Suga. Ông Kono rất có thể sẽ được giữ lại trong nội các mới.

Ngay sau đó, ông Kishida sẽ lập tức dẫn dắt đảng của mình bước vào kỳ tổng tuyển cử, cần được tổ chức trước ngày 28/11.

Trong trường hợp LDP vẫn nắm quyền lực (khả năng rất cao), ông Kishida sẽ phải đối diện với vô vàn thách thức trên cương vị Thủ tướng, như chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và sau đó thúc đẩy đà phục hồi của đất nước giai đoạn hậu COVID-19.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Kishida từng cam kết sẽ chi hàng chục nghìn tỉ Yen để kích thích nền kinh tế, tập trung vào những người thu nhập thấp, các khu vực đang gặp khó khăn và ngành công nghiệp du lịch. Kế hoạch này sẽ tách biệt hẳn với các chính sách kinh tế thời Shinzo Abe – còn gọi là “Abenomics” – vốn làm trầm trọng sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.

Cam kết sẽ đưa Nhật Bản tới mục tiêu phi khí thải carbon vào năm 2050, ông Kishida ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đang tạm ngừng ở nước này, đầu tư vào các lò phản ứng cỡ nhỏ và công nghệ phân rã để đạt được mục tiêu trên.

Và trong khi ông Kono từng có động thái bất ngờ khi nói về sự ủng hộ kết hôn đồng tính trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida không cam kết gì về vấn đề này. Ông ủng hộ việc sửa đổi luật để cho phép phụ nữ được giữ họ của mình sau khi kết hôn.

Là một thành viên của nhóm vận động hành lang chủ nghĩa dân tộc Nippon Kaigi, ông Kishida cho hay ông sẽ “cân nhắc” về việc tới thăm đền Yasukuni – mặc dù hành động này chắc chắn sẽ khiến các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc phẫn nộ.

Còn về chính sách ngoại giao?

Chính sách ngoại giao dưới thời ông Kishida được cho là sẽ không có nhiều thay đổi (Ảnh: AsiaFinancial)

Chính sách ngoại giao dưới thời ông Kishida được cho là sẽ không có nhiều thay đổi (Ảnh: AsiaFinancial)

Chính sách ngoại giao dưới thời chính phủ mới có thể sẽ rất ít sự thay đổi. Ông Kishida rất có khả năng là sẽ tiếp tục thúc đẩy nhóm Bộ Tứ (Quad)- tổ chức an ninh gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ - và thậm chí có thể làm theo đề xuất mà ông Kono từng đưa ra, là phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Nhật cũng có thể tìm cách gia nhập khối liên minh tình báo Five Eyes, đây cũng là một đề xuất của ông Kono.

Ông Kishida sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản – trong đó bao gồm việc phát triển các tên lửa có tầm bắn xa hơn – nhằm đối phó với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ông cũng ủng hộ việc Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, ông Kishida cũng coi việc duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh như một ưu tiên, bởi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Phe đối lập có cơ thắng trong bầu cử không?

Mặc dù đảng LDP được dự đoán là sẽ giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử, nhưng việc ông Kishida sẽ lên làm Thủ tướng nếu LDP chiến thắng đã tạo thêm chút hy vọng lật kèo cho các đảng đối lập, bởi họ sợ phải đối đầu với ông Taro Kono hơn.

Đảng Dân chủ Lập hiến (CDP), đảng đối lập chính ở Nhật, đã đạt một thỏa thuận với Đảng Cộng sản Nhật Bản và 2 đảng nhỏ khác là không chống lại nhau, nhằm tăng tối đa cơ hội đánh bại LDP. Mặc dù khối liên minh này khó có khả năng thắng được LDP, nhưng lại đủ sức để làm giảm thế đa số (2/3 số ghế) trong Quốc hội của LDP.