Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida ngày 29/9 đã giành chiến thắng để trở thành người dẫn dắt đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)

Chiến thắng này đồng nghĩa với việc ông sẽ là người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản của ông Yoshihide Suga chỉ trong vài ngày tới. Trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Fumio Kishida đã giành được 257 phiếu, trong khi đối thủ của ông, ông Taro Kono – vị Bộ trưởng nổi tiếng phụ trách chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 và nhận được sự ủng hộ của ông Suga – giành được 170 phiếu.

Ông Kishida sẽ tham gia vào cuộc tổng tuyển cử mà theo giới nhận định là đảng LDP sẽ giữ vững được vị trí đảng cầm quyền của mình.

Có 4 chính trị gia đã tham gia vào cuộc đua giành chức Chủ tịch đảng LDP, bao gồm 2 nam và 2 nữ - đây được coi là sự kiện bất thường ở Nhật Bản, quốc gia chưa từng có một vị nữ Thủ tướng nào và cũng có rất ít các nữ chính trị gia có tầm ảnh hưởng. Nhưng sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, chỉ còn 2 ứng viên trụ vững: ông Kishida và ông Kono.

Đối thủ của họ, chính trị gia cánh hữu có tư tưởng cứng rắn Sanae Takaichi và cựu Bộ trưởng Bình đẳng giới Seiki Noda, đã không thể vượt qua được vòng đầu.

Theo các nhà quan sát, đảng cầm quyền LDP trong thời gian tới đây sẽ cần phải nhanh chóng giành lại sự ủng hộ của người dân, vốn đang suy giảm, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Hạ viện trong vòng 2 tháng tới.

Ông Fumio Kishida, người từng phụ trách các vấn đề chính sách của LDP, đã tổ chức chiến dịch tranh cử tập trung mô tả mình như một người sẽ sửa chữa lại chính phủ hiện tại. Ông nói, ông tin rằng người dân Nhật Bản đang muốn có “kiểu chính trị hào phóng”. Chính trị gia 64 tuổi này đã thể hiện tốt khả năng biết lắng nghe của mình khi mời cử tri để lại thông điệp cho ông trong các hộp lấy ý kiến, đồng thời cam kết đưa ra biện pháp hỗ trợ tài chính mới và lập cơ quan mới để ứng phó với khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra.

Ông Kishida nói, ông muốn “phân bổ” sự giàu có để ngăn chặn sự bất bình đẳng thu nhập đang tăng dần, mặc dù thừa nhận rằng điều đó có thể đẩy mức thuế lên cao.

Với cương vị là nhà lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản, ông Kishida sẽ phải đối diện với hàng loạt thách thức, từ phục hồi kinh tế nước nhà giai đoạn hậu COVID-19, cho tới đối phó với những mối đe dọa đến từ Trung Quốc và Triều Tiên. Thủ tướng tiếp theo của Nhật cũng phải đối mặt với những câu hỏi liên quan tới nhiệm kỳ Thủ tướng, khi việc ông Suga chỉ giữ chức được một năm đã làm gợi nhớ lại giai đoạn mà Nhật Bản thay Thủ tướng liên tục.

Hồi đầu tháng này, ông Kishida nói với hãng tin Bloomberg rằng Nhật Bản sẽ tìm cách hợp tác với Đài Loan và các nước khác có chung giá trị về sự tự do, nền dân chủ và thượng tôn pháp luật với họ.

“Đài Loan là một mặt trận trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc” – ông nói – “Nhìn vào tình hình ở Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ, tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng eo biển Đài Loan sẽ trở thành vấn đề lớn tiếp theo”.