Đối phó Trung Quốc trên biển, Nhật thử nghiệm thành công cất hạ cánh F-35B trên tàu Izumo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc tranh chấp Nhật-Trung trên biển đang ngày càng gay gắt, Nhật Bản hôm nay thông báo tàu khu trục trực thăng Izumo đang được hoán cải hôm 3/10 đã thử nghiệm thành công với chiến cơ tàng hình Mỹ F-35B.
Máy bang tiêm kích tàng hình F-35B hạ cánh thành công trên tàu Izumo (Ảnh: Đông Phương).
Máy bang tiêm kích tàng hình F-35B hạ cánh thành công trên tàu Izumo (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 5/10, máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ đã cất hạ cánh thành công trên tàu Izumo của Nhật. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản có tàu sân bay hoạt động bằng loại máy bay cánh cố định kể từ Thế chiến thứ Hai.

Theo các bức ảnh chụp và video do Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản công bố, tiêm kích tàng hình F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đã tham gia cuộc thử nghiệm cất, hạ cánh được thực hiện ở vùng biển Shikoku. Máy bay chiến đấu đã xác nhận tình trạng của sàn đáp tàu Izumo bằng cách hạ cánh thẳng đứng, sau đó cất cánh với đà chạy một khoảng cách ngắn. Chiếc máy bay chiến đấu tàng hình này sau đó thực hiện tiếp một lần thử nghiệm cất, hạ cánh khác. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói, các cuộc thử nghiệm này đã khẳng định rằng chiến đấu cơ này hoàn toàn có thể cất cánh và hạ xuống trên tàu Izumo, điều này sẽ giúp nâng cao khả năng tương tác của các lực lượng Nhật Bản và Mỹ.

Tàu Izumo trước khi hoán cải nâng cấp (Ảnh: Sunnews).

Tàu Izumo trước khi hoán cải nâng cấp (Ảnh: Sunnews).

Để đối phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, nhất là chuẩn bị cho khả năng diễn ra cuộc chiến bảo vệ quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thực hiện hoán cải, nâng cấp tàu Izumo và chiếc tàu sinh đôi Kaga của nó thành tàu sân bay. Các hạng mục hoán cải bao gồm nâng cao khả năng chịu nhiệt của sàn đáp, chịu được nhiệt độ cao do động cơ tạo ra khi máy bay chiến đấu cất cánh và thay đổi hình dạng mũi tàu từ nhọn sang hình tứ giác. Nhật Bản có kế hoạch đưa vào trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35B từ năm 2024, tổng số 42 chiếc.

Việc chuyển đổi các khu trục hạm đổ bộ Izumo và Kaga thành tàu sân bay sẽ giúp Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ các đảo phía tây nam. Các máy bay chiến đấu mà nó mang theo có thể hạ cánh thẳng đứng và cất cánh với đà chạy ngắn, giảm phụ thuộc vào các sân bay trên đất liền. Ngoài ra, Mỹ cũng đã triển khai tiêm kích tàng hình F-35B trên các tàu tấn công đổ bộ, hai tàu sân bay này của Nhật Bản sẽ có thể hỗ trợ các hoạt động của quân đội Mỹ khi cần thiết.

Chiếc F-35B chạy đà cất cánh trên tàu Izumo (Ảnh: Đông Phương).

Chiếc F-35B chạy đà cất cánh trên tàu Izumo (Ảnh: Đông Phương).

Thế giới bên ngoài có ý kiến chỉ trích việc Nhật triển khai hoạt động các tàu sân bay là vi phạm các quy định của Hiến pháp Hòa bình Nhật Bản về từ bỏ chiến tranh, không duy trì sức mạnh chiến đấu và không có quyền giao chiến, cũng như nguyên tắc chuyên về phòng thủ mà Nhật Bản đã theo đuổi từ xưa đến nay. Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố rằng các tàu Izumo và Kaga sau khi sửa chữa, nâng cấp không phải là tàu sân bay kiểu "tấn công" bị cấm theo Hiến pháp Hòa bình.

Là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng tàu sân bay và đưa tàu sân bay vào chiến đấu thực tế, Nhật Bản, một quốc đảo, có tình cảm rất phức tạp đối với tàu sân bay. Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản đã xưng hùng xưng bá ở Thái Bình Dương nhờ có tàu sân bay, sau đó cũng bị Mỹ đánh bại hoàn toàn nhờ vào tàu sân bay. Sau chiến tranh, Nhật bị trói buộc bởi "Hiến pháp Hòa bình" và không thể đóng tàu sân bay thực sự. Trong những năm gần đây, Nhật đã chế tạo các tàu sân bay đổ bộ trực thăng lớp Hyuga và lớp Izumo dưới tên gọi là "khu trục hạm trực thăng". Cả hai lớp tàu khu trục này có boong phẳng tương tự như tàu sân bay hạng nhẹ. Tuy nhiên, Nhật Bản chưa bao giờ công nhận đó là tàu sân bay cho đến khi Mỹ đồng ý bán loại máy bay tàng hình F-35B cất hạ cánh trên tàu sân bay cho Nhật Bản, họ cuối cùng cũng không giấu giếm, đã chủ động công khai tiến độ sửa đổi nâng cấp khu trục hạm trực thăng lớp Izumo.

Tàu Izumo sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp giai đoạn I (Ảnh: Đông Phương)

Tàu Izumo sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp giai đoạn I (Ảnh: Đông Phương)

Đánh giá từ những bức ảnh do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã hoàn thành giai đoạn đầu của công việc sửa đổi nâng cấp tàu đổ bộ Izumo. Họ đã tiến hành gia cường boong tàu để nó có thể chịu được ngọn lửa nóng ở đuôi phụt của máy bay. Ngoài ra, các vạch đánh dấu cất cánh đã được sơn kẻ trên boong, được chuyên sử dụng cho việc cất cánh của máy bay phản lực trên tàu sân bay. Việc thử nghiệm thành công tàu ​​sân bay Izumo cho máy bay F-35B cất hạ cánh hôm 3/10 đã sử dụng máy bay F-35B của quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản do các máy bay F-35B Nhật đặt hàng từ Mỹ chưa về.

Mặc dù lượng choán nước đầy tải của tàu Izumo chỉ là 26.000 tấn, nhưng diện tích sàn đáp của nó được thiết kế tương đương với loại tàu sân bay hạng nhẹ 40.000 tấn, với chiều dài khoảng 240 mét và rộng 38 mét, có 2 chiếc thang máy, đáp ứng được các yêu cầu cất hạ cánh của loại máy bay F-35B. Ngoài ra, Izumo còn có một kho chứa máy bay dài 125m, rộng 21m, cao 7,2m, có thể chứa được 12 chiếc F-35B, tuy nhiên xét thấy Izumo cũng cần chở các máy bay trực thăng, nên trong trường hợp bình thường Izumo sẽ chỉ mang 8 máy bay cất cánh trên hạm F-35B.

Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp, tàu Izumo sẽ tương tự như tàu sân bay Cavour này của Italy (Ảnh: 163).

Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp, tàu Izumo sẽ tương tự như tàu sân bay Cavour này của Italy (Ảnh: 163).

Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cũng đang chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 cải tạo nâng cấp tàu Izumo. Một bệ cất cánh máy bay kiểu trượt hẫng sẽ được lắp đặt trên sàn phía trước bên trái. Sự xuất hiện của tàu Izumo sau sửa đổi sẽ rất giống với tàu sân bay Cavour của Italy. Lượng choán nước và diện tích mặt boong cũng gần giống nhau. Xét từ kinh nghiệm sử dụng tàu sân bay Cavour, việc bổ sung sàn cất cánh kiểu trượt hẫng của Izumo có thể cho phép F-35B cất cánh đầy tải với bán kính chiến đấu hơn 500 hải lý. Ngoài ra, do F-35B có khả năng hạ cánh thẳng đứng nên trên mặt boong tàu Izumo không cần bố trí hệ thống dây cáp hãm, điều này giảm bớt khó khăn khi sửa đổi nâng cấp.

Sau khi hoàn thành giai đoạn hai của quá trình hoán cải nâng cấp, tàu Izumo sẽ được chuyển đổi từ tàu khu trục chở trực thăng thành tàu sân bay hạng nhẹ. Thực ra, trước đây khi thiết kế tàu Izumo, người Nhật đã tạo sẵn các điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo nâng cấp. Ví dụ, yêu cầu tốc độ phải đạt 30 hải lý/giờ. Một phòng chỉ huy hàng không được thiết kế sẵn trên hạm đảo, và các yêu cầu cao hơn được đưa ra đối với sức nâng của thang máy. Tuy nhiên, sau khi tàu Izumo được hoán cải nâng cấp, nó chỉ có thể được coi là một tàu sân bay hạng nhẹ loại tốt. So với các tàu sân bay hạng nặng có lượng choán nước hơn 60.000 tấn và siêu tàu sân bay có lượng choán nước hơn 100.000 tấn thì khoảng cách vẫn còn lớn, khoảng cách này chủ yếu thể hiện ở khả năng tự duy trì, số lượng máy bay mang theo, hỏa lực tự phòng vệ và thời gian hoạt động liên tục trên biển.

Video do Hải quân Nhật công bố về vụ thử nghiệm máy bay F-35B Mỹ cất hạ cánh trên tàu sân bay Izumo

Ưu thế duy nhất của tàu sân bay Izumo là ở loại máy bay nó mang theo. Loại máy bay trên tàu sân bay F-35B có khả năng tàng hình trước radar nên khi không chiến có thể chế áp các máy bay thông thường khác, tuy nhiên số lượng F-35B mang theo của Izumo có hạn và kích thước khoang vũ khí của F-35B có hạn và không thể chứa tên lửa chống hạm. Do đó, F-35B nếu muốn tấn công biển chỉ có thể chịu rủi ro mất khả năng tàng hình khi đeo vũ khí bên ngoài.

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cho rằng, bán kính chiến đấu của F-35B nhỏ hơn so với loại máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay J-15 và trong tương lai khi mà tàu Liêu Ninh được trang bị loại máy bay tàng hình mới cất hạ cánh trên tàu sân bay, thì tàu Izumo sẽ hoàn toàn ở thế bất lợi.