Chiến đấu cơ tàng hình phiên bản 2 chỗ ngồi của Trung Quốc sắp có chuyến bay đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay tàng hình 2 chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới có thể sắp có chuyến bay đầu tiên, trong lúc Trung Quốc chuẩn bị phô diễn bước đột phá mới nhất trong công nghệ quân sự.
Nhiều bức ảnh và video về phiên bản 2 chỗ ngồi của chiến đấu cơ tàng hình J-20 đã xuất hiện trên các mạng xã hội Trung Quốc (Ảnh: Handout)
Nhiều bức ảnh và video về phiên bản 2 chỗ ngồi của chiến đấu cơ tàng hình J-20 đã xuất hiện trên các mạng xã hội Trung Quốc (Ảnh: Handout)

Những bức ảnh và video đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc trong những ngày gần đây, trong đó cho thấy một biến thể của mẫu máy bay J-20 Uy Long đang tham gia vào một cuộc thử nghiệm bay tại nhà máy của Tổng công ty Hàng không Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Mẫu mới này, với phần vòm được kéo dài, được công bố vào thời điểm 2 tuần lễ trước sự kiện kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Không quân Trung Quốc ngày 11/11, cho thấy chuyến bay đầu tiên của nó rất có khả năng sẽ là một phần trong các sự kiện kỷ niệm; SCMP dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho hay.

“Chưa rõ là khi nào chuyến bay đầu tiên của nó sẽ diễn ra, rất có thể là vào ngày 11/11. Quyết định cuối cùng còn tùy thuộc vào tình hình thời tiết và cả các vấn đề kỹ thuật” – nguồn tin cho hay.

Nhiều chuyên gia nói rằng phiên bản 2 chỗ ngồi này cho thấy Trung Quốc đã đánh bại Mỹ và nhiều nước cạnh tranh khác. Và điều này cũng chứng minh rằng khái niệm về sự thống trị trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Mỹ có thể được áp dụng thành công vào công nghệ máy bay của Trung Quốc, họ nói.

NGAD được đặt ra nhằm mục đích phát triển ưu thế của lực lượng không quân Mỹ trong giai đoạn những năm 2030 bằng cách tạo nên một mạng lưới bao gồm các máy bay chiến đấu tối tân, các bộ cảm ứng và vũ khí hiện đại cùng với các loại drone tự hành chiến đấu sát cánh với nhau.

“Phiên bản 2 chỗ ngồi của J-20…đã chứng nhận đà tiến nhanh chóng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh đủ khả năng để tạo những bước đột phá và không cần phải dựa vào công nghệ của nước ngoài như họ đã từng trong quá khứ” – Ben Ho, chuyên gia nghiên cứu không lực đến từ chương trình nghiên quân sự tại trường Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nhận định.

Nhà quan sát quân sự ở Macau, Antony Wong Tong, nói rằng các loại chiến đấu cơ 2 chỗ ngồi từ trước đến nay đều được thiết kế như những chiếc máy bay huấn luyện, với ghế sau dành cho huấn luyện viên. Còn đối với phiên bản 2 chỗ ngồi của J-20, phi công thứ hai có thể điều khiển các drone gần đó – được các nhà thiết kế gọi là máy bay “yểm trợ trung thành” – trong các cuộc đối đầu.

Chuyến bay đầu tiên của J-20 phiên bản 2 chỗ ngồi có thể sẽ diễn ra trong tình huống rất khác với mẫu J-20 Mãnh Long ra mắt ngày 11/1/2011, trong một chuyến thăm Bắc Kinh của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate để giải quyết căng thẳng giữa hai nước.

Zhou Chenming, chuyên gia đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói rằng chuyến bay của J-20 Mãnh Long năm 2011 chỉ đơn thuần là để phô diễn sức mạnh. “Nó là nhằm thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc tăng sự minh bạch trong quân sự, trong lúc cả hai bên hy vọng sẽ tăng cường niềm tin chính trị giữa hai quân đội.”

Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là trong khoảng thời gian 2 năm mà ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, khiến tình rất khác biệt. Màn ra mắt của J-20 Uy Long phiên bản 2 chỗ ngồi rất có thể sẽ nhằm mục đích nhấn mạnh về sự tiến bộ trong công nghệ của Trung Quốc, trong bối cảnh họ đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ; ông Zhou nói.

“Bối cảnh của 2 màn bay đầu tiên hoàn toàn khác biệt, mặc dù diễn ra trong cùng một thập kỷ. Giờ nó chỉ là một vấn đề kỹ thuật vũ khí. Trung Quốc muốn khoe những bước tiến trong của họ trong thử nghiệm tác chiến giữa các máy bay không người lái và có người lái, và cả các drone được phát triển bởi khái niệm NGAD của Mỹ trên nền tảng J-20 2 chỗ ngồi” – ông Zhou nói thêm.

Nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển một chiến đấu cơ tàng hình 2 chỗ ngồi đã bị chững lại từ những năm 1990, khi một biến thể của mẫu F-22 mà Lockheed Martin cùng Boeing hợp tác chế tạo đã bị hủy để tiết kiệm tiền.

Đầu những năm 2010, Lầu Năm Góc công bố 2 chương trình thế hệ tiếp theo – NGAD đối với không quân, và một kế hoạch hải quân dài hạn có tên F/A-XX để phát triển các máy bay thế hệ tiếp theo cất cánh từ trên biển và cuối cùng sẽ thay thế cho các chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet.