CEO Volkswagen không coi các công ty xe điện Trung Quốc là mối đe dọa ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume tuyên bố, các công ty châu Âu có lợi thế hơn các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc do các hãng này chào bán xe “với mức giá gấp đôi ở Trung Quốc” tại châu Âu.

 Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume giới thiệu các nguyên mẫu ý tưởng xe điện của công ty. Ảnh Electrek
Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume giới thiệu các nguyên mẫu ý tưởng xe điện của công ty. Ảnh Electrek

Volkswagen không bị đe dọa bởi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc

Electrek, dẫn phát biểu của CEO Volkswagen Oliver Blume tại IAA Mobility 2023 cho biết, VW không bị đe dọa bởi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc với chi phí thấp. Ông Blume thừa nhận “các doanh nghiệp Trung Quốc đã học được phương pháp chế tạo ô tô trong vài thập kỷ qua” nhưng ông tin rằng VW và các công ty châu Âu vẫn có lợi thế.

Theo tờ Automobilewoche của Đức, ông Blume lưu ý: “Chúng tôi có bí quyết về phương tiện, chúng tôi có trình độ và sản xuất có chất lượng. Chúng tôi còn có một di sản thương hiệu. Những công ty mới đến không có điều đó. Vì vậy, chúng tôi thấy các doanh nghiệp châu Âu có vị trí tốt.”

Mặc dù tỷ lệ xe điện được vận chuyển đến Đức từ Trung Quốc tăng gấp ba lần (28,2% so với 7,8% của năm 2022) trong quý đầu tiên của năm, Blume vẫn rất tin tưởng vào nhận định của mình.

Giám đốc điều hành của Tập đoàn VW và Porsche cho biết, các công ty xe điện Trung Quốc có thể sản xuất ô tô với chi phí thấp hơn khoảng 20% ​​ở Trung Quốc. Nhưng các hãng xe Trung Quốc sẽ “không thể đưa ra mức giá trên thị trường Trung Quốc ở châu Âu”, ông giải thích.

Nguyên nhân then chốt là quá trình điều chỉnh phương tiện phù hợp với yêu cầu của Châu Âu và thiết lập mạng lưới bán hàng trên toàn châu Âu, ông nói: “Chúng ta có thể thấy trên thị trường, các hãng Trung Quốc chào bán xe mức giá gấp đôi mức giá khởi điểm ở Trung Quốc”.

Volkswagen02.jpg
Xe điện SAIC-VW ID.3 tại Trung Quốc. Ảnh: SAIC-VW

Cạnh tranh trên thị trường châu Âu bắt đầu tăng nhiệt

Ông Blume thừa nhận, sự cạnh tranh mới đang làm tăng sức nóng trong ngành ô tô. “Cạnh tranh luôn là môi trường tốt đẹp. Cạnh tranh buộc chúng ta phải trở nên linh hoạt và làm việc hiệu quả hơn.”

Volkswagen sẽ cần định vị doanh nghiệp tốt hơn trong vị thế của hãng để duy trì khả năng cạnh tranh. Ông Blume nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phải làm việc chăm chỉ để giảm thiểu chi phí sản xuất xe.”

Một trong những lĩnh vực trọng tâm nhất là pin, đây là chi phí chính của xe điện. Với các tế bào pin hợp nhất mới, Volkswagen đặt mục tiêu giảm 50% chi phí, cung cấp những xe điện rẻ hơn và thân thiện hơn đối với người dùng.

Ý tưởng về pin là phát triển một thiết kế tế bào pin độc đáo, đáp ứng hơn 80% danh mục đầu tư xe điện của công ty vào năm 2030. Pin đang được phát triển với nhà sản xuất pin Trung Quốc Gotion. Công ty sản xuất pin Hợp Phì cũng sẽ tham gia xây dựng nhà máy pin trung tâm Saltzgitter của VW. Tháng 5, Gotion cho biết nhà máy sản xuất tế bào pin hợp nhất sẽ cung cấp 10 GWh pin ternary và 10 GWh pin lithium-iron phosphate (LFP), bắt đầu hoạt động trong quý 4 năm 2023.

Tế bào pin này dự kiến ​​​​sẽ là phần tiêu chuẩn của Nền tảng hệ thống có thể mở rộng (SSP) của VW, một nền tảng duy nhất, chiếm hơn 80% danh mục sản phẩm của công ty.

Volkswagen03.jpg
Nguyên mẫu ý tưởng xe điện Volkswagen ID 2all. Ảnh: Volkswagen

Tháng 3, Volkswagen hé lộ nguyên mẫu ý tưởng xe điện ID 2all giá cả phù hợp hơn với mức giá khởi điểm dưới 27.000 USD (25.000 euro) cho phạm vi di chuyển lên tới 279 dặm (450 km) trong một lần sạc.

Ông Blume cũng coi việc đưa xe động cơ đốt trong (ICE) vào dòng sản phẩm của hãng trong quá trình chuyển đổi sang xe điện là một lợi thế so với những thương hiệu chạy hoàn toàn bằng xe điện như NIO và BYD. Ông kỳ vọng doanh số bán ICE sẽ là nguồn lực cho quá trình chuyển đổi của VW, trong khi các thương hiệu xe điện của Trung Quốc cần tìm nguồn tài trợ thay thế để duy trì và phát triển.

Volkswagen04.jpg
NIO ET5T được thiết kế cho Châu Âu. Ảnh NIO

Nhận xét CEO Blume có ý nghĩa rất thực tế, Volkswagen đang thực hiện thuê khoán công nghệ ở Trung Quốc. Vào tháng 7, VW công bố khoản đầu tư 700 triệu USD vào nhà sản xuất xe điện XPeng của Trung Quốc để nắm giữ gần 5% cổ phần của doanh nghiệp này.

Thương hiệu Audi và nhà sản xuất ô tô SAIC Motor hiện đang hợp tác phát triển các mẫu xe điện mới tại thị trường Trung Quốc. Ngoài lãnh thổ Trung Quốc, VW đặt hàng quy mô lớn với nhà cung cấp của Hyundai, công ty Hyundai Mobis để lắp ráp hệ thống pin cho xe điện.

Một số thương hiệu xe điện mới của Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện sản phẩm ở châu Âu như công ty BYD, NIO và XPeng cùng một số thương hiệu khác.

Volkswagen05.jpg
Michael Shu, Giám đốc điều hành BYD Châu Âu ra mắt hai mẫu xe điện Seal và Seal U. Ảnh: BYD

BYD đã giới thiệu một số mẫu xe điện tại triển lãm IAA Mobility ở Munich, bao gồm các nguyên mẫu Han, SEAL, DOLPHIN và nguyên mẫu xe điện SEAL U (xe SUV phân khúc D) loại xe bình dân cỡ lớn sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2024. SEAL U sẽ có giá khởi điểm là 42.990 euro (46.100 USD) ở Đức.

Hiện mẫu xe điện ID.5 của Volkswagen có giá 47.595 euro (51.050 USD), chiếc ID.7 hàng đầu mới sẽ ở mức trung bình 50.000 euro (53.600 USD).

BYD đã bán được 2.492 xe ở châu Âu tính đến tháng 7, tăng so với 1.170 chiếc vào năm 2022. Mẫu xe ATTO 3 chiếm 1.977 xe, theo thông tin từ nền tảng thu thập dữ liệu Dataforce, đăng trên tạp chí Automotive News Europe.

Ông Michael Shu, giám đốc điều hành của BYD Châu Âu cho biết:

“Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ trong kế hoạch thâm nhập các thị trường mới ở Châu Âu. Chỉ 12 tháng trước, công ty giới thiệu thương hiệu của hãng đến Châu Âu, trong vòng chưa đầy một năm, chúng tôi đã tạo dựng được sự hiện diện của thương hiệu tại 15 quốc gia Châu Âu và mở hơn 140 cửa hàng. Công ty đang hợp tác chặt chẽ với các đại lý đối tác nhằm tạo nên một mạng lưới cung cấp dịch vụ khách hàng cao cấp và dịch vụ bán lẻ sản phẩm”.

Theo Electrek