Cảnh giác: Vi khuẩn cực độc ở pate Minh Chay hiện diện khắp nơi từ rau quả đến hải sản, đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo PGS.TS.BS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai – vi khuẩn Clostridium botulinum hiện diện khắp nơi, từ rau quả đến hải sản, đất đến trầm tích đáy biển.

Buổi tư vấn trực tuyến nhằm phát hiện, dự phòng bệnh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum diễn ra vào chiều nay (1/9) (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: https://www.facebook.com/watch/tdcbachmai)
Buổi tư vấn trực tuyến nhằm phát hiện, dự phòng bệnh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum diễn ra vào chiều nay (1/9) (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: https://www.facebook.com/watch/tdcbachmai)

Xâm nhập qua đường ăn uống, vết thương nhiễm bẩn, tiêm chích.

Tại buổi tư vấn trực tuyến nhằm phát hiện, dự phòng bệnh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum, được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vào chiều nay (1/9), PGS.TS. Đỗ Duy Cường – người trực tiếp tham gia hội chẩn 2 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay – cho biết: Bệnh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum đã xuất hiện cách đây 100 năm. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum thường xảy ra sau khi người dân ăn đồ hộp đóng kín đã nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân thường có biểu hiện bị liệt từ đầu, mặt, cổ đến các chi, do độc tố của vi khuẩn tấn công vào hệ thần kinh. Vi khuẩn này rất hiếm gặp ở Việt Nam, phát triển trong môi trường kị khí.

Vi khuẩn Clostridium botulinum chứa trực khuẩn gram dương, sinh nha bào, dài 4-6Mm, kỵ khí tuyệt đối, không có oxy, độ pH lớn hơn 4,6, nhiệt độ 25-37 độ C. Vi khuẩn hiện diện ở khắp nơi từ rau quả, hải sản, đất đến trầm tích đáy biển.

Theo PGS. Cường, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum cực mạnh, giống như một “vũ khí sinh học” - chỉ với 1 liều rất nhỏ cũng có thể gây chết người. Mặc dù có độc tố cực mạnh nhưng vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt ở 100 độ C trong hơn 5h và ở 120 độ C trong 5 phút. Độc tố của vi khuẩn sẽ bất hoạt ở 80 độ C, phân hủy ở 100 độ C trong 15 phút.

Thông thường, độc tố của vi khuẩn sẽ theo đường tiêu hóa, vết thương, vào cơ thể, nhưng không bị phá hủy mà ngấm vào máu và synape (mô thần kinh cơ). Đáng chú ý, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum không mùi, không vị, không bị tác động bởi acid dịch vị và enzym TH. Nguồn độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum đến từ nha bào (đất, bụi, thực phẩm nhiễm bẩn, vi khuẩn, sản phẩm đóng hộp).

Đáng chú ý, độc tố còn có thể đến từ việc tiêm botox thẩm mỹ để làm mờ nếp nhăn, nhưng không gây nhiễm độc vì có hàm lượng rất nhỏ. Nếu tiêm quá liều botox có thể gây nhiễm độc tố botulinum. Vi khuẩn Clostridium botulinum chủ yếu xâm nhập qua đường ăn uống, vết thương nhiễm bẩn, tiêm chích.

BS. Đỗ Duy Cường khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: BV Bạch Mai)
BS. Đỗ Duy Cường khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh: BV Bạch Mai) 

BS. Cường khẳng định: Mọi người đều có thể nhiễm độc tố. Vi khuẩn phát triển tiết độc tố từ đường tiêu hóa gây ảnh hưởng rất lớn đến trẻ sơ sinh, người có bệnh về đường tiêu hóa, người mới phẫu thuật.

Thực tế, mặc dù không sốt, rối loạn ý thức, rối loạn cảm giác nhưng người nhiễm độc thường bị liệt dây thần kinh đối xứng (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mi, rung giật nhãn cầu, nuốt khó, yếu cơ mặt); giãn đồng tử cố định với các biểu hiện lâm sàng như: liệt mềm, liệt đối xứng lan từ thần kinh sọ xuống thân, chi trên, chi dưới; bị bí đái, táo bón; khó thở vì liệt hầu họng, liệt cơ hoành. Khi trẻ nhỏ (2-8 tháng tuổi) bị nhiễm độc đều có biểu hiện ban đầu là táo bón, yếu cơ, bú khó, chảy dãi, giảm trương lực cơ toàn thân, bỏ ăn, khóc yếu,…

Người bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum thường ủ bệnh từ 12-36h, có thể ủ bệnh từ vài giờ - 2 tuần, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, khô miệng. Triệu chứng điển hình là liệt dây thần kinh sọ, liệt lan xuống, có thể tử vong sau 24h với trường hợp nặng còn trường hợp nhẹ chỉ có biểu hiện liệt vận nhãn.

Với những ca đầu tiên bị ngộ độc, các bác sĩ rất khó phát hiện nên tiến hành chẩn đoán bệnh ngộ độc do vi khuẩn dựa trên tiền sử dịch tễ là nhiều người cùng ăn 1 loại thực phẩm, bị liệt thần kinh sọ, liệt mềm, không sốt, không rối loạn cảm giác, sử dụng phương pháp điện cơ. Nếu bệnh nhân không điều trị sớm, tỷ lệ tử vong là 5-10%.

Để điều trị hiệu quả bệnh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra, PGS. Cường nhấn mạnh phải dùng thuốc kháng độc tố, không đợi kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân phải nhập viện ngay nếu chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc để được theo dõi sát tình trạng hô hấp, sử dụng thuốc kháng độc tố sớm, nhanh chóng loại bỏ nguồn độc tố.

Thuốc Botulism antitoxin heptavalent (Ảnh: Minh Thúy)
Thuốc Botulism antitoxin heptavalent (Ảnh: Minh Thúy) 

Loại thuốc được các bác sĩ sử dụng để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc là Botulism antitoxin heptavalent (BAT), có công dụng ngăn độc tố bám vào tận cùng thần kinh, có hiệu quả tối đa khi dùng trong 48-96 giờ đầu khi bệnh nhân ngộ độc.

Việc ăn thực phẩm chay đóng hộp đang được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì những sản phẩm đó có thể bị nhiễm vi khuẩn có độc. Vì thế, PGS. Cường khuyến cáo: Người dân cần xử lý và chế biến thực phẩm an toàn; cảnh giác với thực phẩm bảo quản trong môi trường acid yếu; kiểm tra đồ hộp trước khi sử dịng; xử lý đồ hộp trước khi ăn; ngâm thực phẩm nghi ngờ trong nước máy hơn 10 phút trước khi chế biến.

Nếu người dân còn giữ sản phẩm pate Minh Chay thì nên mang sản phẩm đi xét nghiệm, đồng thời, đi khám nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm độc, để điều trị kịp thời.

Nỗ lực điều trị cho 2 bệnh nhân ngộ độc nặng do pate Minh Chay

TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – cho hay: Các bác sĩ tại Trung tâm đang nỗ lực điều trị cho 2 vợ chồng bệnh nhân cao tuổi bị ngộ độc sau khi cùng ăn pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới.

Thông tin về bệnh nhân nam 70 tuổi, BS. Nguyên cho biết: Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sụp mi, khó nuốt, liệt cơ tứ chi, khó thở, suy hô hấp với tiền sử bị tai biến mạch máu não, di chứng yếu nửa người phải, bị bệnh mạch vành đã đặt 3 stent, phình mạch chủ bụng, tăng huyết áp.

Khoảng 18 ngày trước khi vào bệnh viện, bệnh nhân nói khó, đau họng, nói khàn, sụp mi, yếu hai tay sau đó yếu chân, tăng tiết đờm dãi, đau họng, khó thở tăng. Bệnh nhân không sốt, không đau đầu, không thay đổi về cảm giác, không bị chấn thương. Bệnh nhân đã điều trị ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương được 6 ngày, sau đó được chẩn đoán theo dõi ngộ độc botulinum rồi được chuyển sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

BS. Nguyễn Trung Nguyên chụp ảnh cùng bệnh nhân khi nhận thuốc giải độc (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Nguyễn Trung Nguyên chụp ảnh cùng bệnh nhân khi nhận thuốc giải độc (Ảnh: Minh Thúy) 

Hiện, bệnh nhân đang phải thở máy, phải mất nhiều tháng để có thể hồi phục với nguy cơ biến chứng rất cao, có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân thứ 2 là nữ, 68 tuổi, vào viện trong tình trạng yếu cơ, nói khàn, sụp mi nhẹ, yếu tay chân, tăng tiết đờm dãi, đau họng tăng dần, không sốt, đau đầu. Bệnh nhân bị suy hô hấp tiến triển nên các bác sĩ đang theo dõi sát.

Do vi khuẩn có độc tố mạnh nên các bác sĩ đã liên hệ với Trung tâm Chống độc ở Thái Lan dưới sự hỗ trợ của WHO, Bộ Y tế để nhanh chóng vận chuyển thuốc giải độc về cho bệnh nhân.

“May mắn, chiều 29/8 thuốc giải độc đã về với bệnh nhân. Việc dùng thuốc hy vọng rút ngắn thời gian thở máy cho bệnh nhân 70 tuổi đang bị nặng.” – BS. Nguyên nói.

Sau khi xét nghiệm độc chất ở hộp pate Minh Chay còn nguyên, các bác sĩ phát hiện  có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.

BS. Nguyên nhấn mạnh: “Vi khuẩn chứa độc tố rất mạnh nhưng không sống được trong môi trường oxy, chỉ sống trong môi trường không có không khí. Nếu trong quy trình sản xuất để lẫn bào tử của vi khuẩn thì vô cùng nguy hiểm.

Để ngăn chặn vi khuẩn phát triển, phương pháp tốt nhất đó là bảo quản thực phẩm có độ pH dưới 4,6, độ muối trên 5%, các quy trình sản xuất phải đảm bảo. Ngoài ra, người dân nên giữ thói quen nấu chín thực phẩm để ngừa nguy cơ ngộ độc, bởi bất kỳ loại thực phẩm nào đóng kín mà môi trường không an toàn, không có chất kiềm chế, vi khuẩn sẽ sinh sôi, nảy nở.

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1.000 ca ngộ độc vì vi khuẩn Clostridium botulinum, thường gặp ở người trên 60 tuổi, tỷ lệ tử vong từ 7-10%. Nếu không được phát hiện sớm thì tỷ lệ tử vong càng cao. 50% bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, phải thở máy trung bình 6-8 tuần.

Hiện, Mỹ đã nghiên cứu vaccine để phòng vi khuẩn Clostridium botulinum. Tuy nhiên, việc nghiên cứu vaccine đã bị dừng lại do hiệu lực kém, phản ứng tại chỗ khi tiêm nhắc lại gia tăng.