Việc sử dụng những chiếc "xe xanh" luôn rắc rối hơn so với các dòng xe xăng thông thường, trong đó vấn đề sạc điện được xem là khó khăn nhất.
Thực tế, các trạm sạc của hãng không phải ở đâu cũng có, đặc biệt những khu vực xa khu dân cư. Do đó, việc sạc điện tại nhà trở thành giải pháp được nhiều người lựa chọn.
Để sạc điện ô tô tại nhà, người dùng có thể sử dụng bộ sạc di động được cung cấp theo xe, lắp đặt hộp sạc treo tường thủ công hoặc sử dụng kết nối bằng một bộ tiếp địa di động.
Đảm bảo nguồn điện đủ tải
Nguyên lý của sạc pin là điện áp sạc thường lớn hơn điện áp của pin khoảng 10% (ví dụ ắc quy xe máy 12V thì bộ sạc thường ra điện ở 14.4V) và dòng sạc càng lớn thì việc cung cấp dòng nạp điện càng nhanh.
Những chiếc xe điện có điện áp lớn hơn thì dòng sạc cần lớn hơn tương ứng. Vì vậy cần kiểm tra dây điện vào ổ cắm trong nhà đảm bảo cho dòng sạc lớn.
Ví dụ, về lý thuyết dây cỡ 2.5 mm tiết diện thì có thể chịu tải tối đa 15A. Cộng các loại tải sử dụng điện hiện tại trên đường dây đó, thêm dòng tải của sạc điện ô tô, nếu tổng dòng nhỏ hơn 15A thì có thể sử dụng bình thường. Nếu tổng dòng lớn hơn 15A thì không nên dùng đường dây đó.
Trong trường hợp này cần lắp 1 đường dây riêng cho sạc ô tô trực tiếp từ áp-tô-mát tổng của gia đình. Lưu ý là hiện nay, công tơ điện do ngành điện lắp đặt cho các hộ gia đình là loại 10-63 một pha, tức là tải tối đa của nó là 63A cho việc sử dụng toàn bộ thiết bị điện của gia đình.
Các bước tự sạc xe điện tại nhà
Để việc sạc điện được nhanh chóng và an toàn, người dùng nên sở hữu thiết bị ổ cắm tiếp địa tích hợp sẵn các chức năng, vừa gọn nhẹ mang theo xe, vừa đảm bảo việc sạc được diễn ra nhanh chóng và an toàn cho người sử dụng.
Nếu không có những thiết bị hỗ trợ như ổ cắm tiếp địa tích hợp, trong trường hợp bắt buộc phải dùng phương pháp thủ công, người dùng cần làm theo những bước sau để đúng quy trình chuẩn và an toàn.
Để quy trình sạc được an toàn, việc đầu tiên người dùng phải làm đó là tiếp địa. Hãy tìm vị trí làm tiếp địa phù hợp. Tìm một khoảng đất có thể đóng cọc thép xuống độ sâu khoảng 1m là phù hợp.
Sau khi đã tìm được vị trí tiếp địa và chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, bạn có thể bắt đầu tiếp địa cho xe điện như sau: Đóng đầu thanh kim loại xuống đất và đảm bảo thanh kim loại được cắm sâu vào điểm tiếp địa để tạo thành đường dẫn tiếp địa. Sau khi hoàn thành, bạn nối đường dây điện từ cọc kim loại đến ổ điện để tạo đường tiếp địa đến ổ điện sạc xe.
Sau khi đã hoàn thành phần tiếp địa, bạn hãy kết nối bộ sạc để sạc xe, khi đèn trên bộ sạc nháy và trên màn hình xe hiển thị đang sạc pin nghĩa là đã thành công. Nếu không thấy đèn, bạn cần kiểm tra lại khu vực tiếp địa có thể chưa đóng đủ sâu hoặc thanh kim loại tiếp địa không đúng chất liệu.
Những lưu ý để sạc xe đúng cách và an toàn
Đầu tiên, người dùng lưu ý luôn phải đảm bảo súng sạc, phích cắm, cáp và hộp điều khiển ở tình trạng tốt và không bị trầy xước, rỉ sét, nứt vỡ hoặc có dấu hiệu hỏng hóc.
Tuyệt đối không sử dụng bộ sạc nếu ổ cắm bị hỏng, rỉ sét, nứt vỡ hoặc kết nối lỏng lẻo. Nếu phích cắm bị bẩn hoặc ướt, hãy lau bằng vải sạch và để khô.
Đảm bảo nguồn điện được cấp cho bộ sạc có tiếp địa phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam.
Nếu sạc điện ở những khu vực đông người qua lại, hãy bố trí dây sạc đủ xa và nên đặt ở vị trí trên cao, tránh việc trẻ em tiếp xúc để đảm bảo an toàn.
Tránh sử dụng bộ sạc trong môi trường hóa chất, tiếp xúc với các vật liệu ăn mòn hoặc dễ cháy như nhà kho, nhà bếp...
Một lưu ý nữa, khi sạc điện hãy quan sát không để bánh xe đè lên bộ sạc hoặc dây cáp.
Mặc dù ô tô điện có nhiều ưu điểm thấy rõ, nhưng đối với những khách hàng sử dụng ở những khu vực không thuận tiện cho việc sạc điện. Lời khuyên là hãy chủ động hơn trong mọi trường hợp và trang bị nhiều kiến thức để có những nguồn "năng lượng" cho xe đầy đủ, sao cho việc vi vu những ngày Tết được vui vẻ và an toàn.